Hồi đó ai cũng sục sôi khí thế đấu tranh!

Hoàng Thanh| 01/09/2021 11:45

Từng trải qua những năm tháng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc, giờ đã đến cái tuổi "xưa nay hiếm", cựu chiến binh Lê Quý Cường luôn sắt son niềm tin, tự hào truyền thống cách mạng.

ADQuảng cáo

Sục sôi khí thế cách mạng

Ông Lê Quý Cường (SN 1931), là cựu chiến binh cao tuổi ở tổ dân phố Tân Tiến, phường Quảng Thành (Gia Nghĩa), năm nay vừa tròn 90 tuổi đời, 72 năm tuổi Đảng. Có lẽ ông là một trong số ít những người từng tham gia tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay Nhân dân năm 1945 còn sống đến nay.

Ông Lê Quý Cường luôn được các con chăm sóc chu đáo

Dù tuổi cao song ông có trí nhớ rất tốt, kể từng chi tiết về cuộc đời mình và những năm tháng hào hùng tham gia khởi nghĩa, kháng chiến mà theo ông đó thực sự là quãng đời đẹp nhất của một người dân đất Việt.

Ông Cường quê quán huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), lúc 3 tuổi mồ côi mẹ, lên 8 tuổi thì bố mất. Từ khi bố mất, ông phải đi ở cho một gia đình địa chủ trong làng. Đời ở đợ vô cùng cơ cực, tuy là một đứa trẻ song phải làm rất nhiều việc nặng nhọc như chăn trâu, cắt cỏ, nấu cám heo, bổ củi, quần quật suốt ngày chỉ để kiếm miếng ăn qua ngày.

Năm 13 tuổi, ông đã được một đảng viên tại địa phương giác ngộ tham gia cách mạng. Thời đó, giặc Pháp đàn áp phong trào cách mạng rất dã man, nhất là những người cộng sản. Lúc đó, ông thường hay đưa cơm, tài liệu cho những cán bộ cách mạng. Năm ông 15 tuổi thì Cách mạng tháng Tám nổ ra.

Ông Cường nhớ lại: “Lúc đó tinh thần cách mạng lên rất cao, người dân ai cũng rất nhiệt tình, sục sôi khí thế đấu tranh, cướp chính quyền. Những người đảng viên đã lãnh đạo người dân cướp chính quyền. Tôi còn nhớ lúc đó tuy còn nhỏ nhưng tôi cùng đoàn người kéo về tỉnh lỵ Hà Tĩnh phá cửa thành, giành chính quyền về tay Nhân dân”.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông Cường tham gia lực lượng du kích của địa phương, đến năm 1949 vinh dự được kết nạp vào Đảng. Sau đó, ông đi bộ đội, được biên chế vào D99, F304 - đây là sư đoàn bộ binh chủ lực của quân đội ta lúc bấy giờ. Từ năm 1950 đến năm 1953, đơn vị của ông đã tham gia chiến đấu tại nhiều tỉnh ở Đồng bằng Bắc bộ, chủ yếu là các tỉnh Nam Định, Ninh Bình.

Là trung đội trưởng, ông đã cùng đồng đội, du kích địa phương chiến đấu liên tục, chống các cuộc càn quét của Pháp vào vùng kháng chiến. Bước sang năm 1954, đơn vị ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và ông bị thương, được đưa về trại thương binh tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

ADQuảng cáo

Sau khi ra viện, ông về sinh sống ở quê nhà, vừa làm ruộng vừa tham gia công tác tại địa phương như tổ trưởng tổ cải cách ruộng đất, rồi phụ trách dân quân xã. Cũng trong năm 1954, ông lập gia đình, lần lượt sinh được 6 người con.

Đến năm 1968, khi tình hình chiến trường miền Nam diễn ra ác liệt, ông lại xung phong đi dân công hỏa tuyến, làm tiểu đội trưởng. Đơn vị ông lại tiếp tục có mặt tại nhiều chiến trường nóng bỏng ở Bình Trị Thiên, với nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men… phục vụ các đơn vị chủ lực chiến đấu.

Tự hào là “lính Cụ Hồ”

Sau thời gian đi dân công, ông trở về địa phương tham gia nhiều công tác. Đến năm 1982, người vợ đột ngột qua đời, ông lại một mình nuôi 6 người con khôn lớn, học hành đàng hoàng.

Năm 2018, ông bị tai biến, được sự tận tình chăm sóc của các con, ông vượt qua nhưng hiện chân tay rất yếu, đi lại khó khăn. Để tiện chăm sóc cho cha, năm 2019, các con đón ông Cường vào Đắk Nông.

"Sức khỏe yếu song được cái rất minh mẫn, bố còn nhớ tên cả những người chỉ huy của mình hồi đi bộ đội, hay cả những đồng đội đã hy sinh", chị Mùi - con gái ông Cường cho biết.

Tâm sự với chúng tôi, ông Cường cho biết: "Tôi rất tự hào vì mình từng là “lính Cụ Hồ”, đã góp một phần bé nhỏ vào các cuộc kháng chiến, giành độc lập của dân tộc. Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khác, không được sống để chứng kiến ngày đất nước độc lập, thống nhất. Cả đời chứng kiến không biết bao nhiêu đau thương, mất mát nhưng có lẽ tôi đau đớn nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay”.

Được biết, ngày 26/8 vừa qua, người con trai thứ của ông Cường sinh năm 1966, đang làm việc tại Hải quan TP. HCM đã mất vì bị mắc Covid-19.

Trong quá trình tham gia cách mạng, ông đã được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều huy chương các loại; trong đó có Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất và Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên…

Ông chia sẻ: “Nhân dân ta, đất nước ta đã trải qua nhiều khó khăn, mất mát, gia đình tôi cũng vậy. Tuy nhiên, tôi đau nhất là trong thời bình mà gia đình vẫn có người thân ra đi vì dịch bệnh. Tôi chỉ mong rằng Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta sớm đẩy lùi dịch bệnh, vượt qua khó khăn này”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi đó ai cũng sục sôi khí thế đấu tranh!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO