Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7, khóa XI: Nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội được đưa ra phân tích

Phan Tân| 31/03/2017 08:34

Trong buổi sáng 30/3, sau phần khai mạc, dưới sự điều hành của đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7, khóa XI đã nghe các báo cáo: Kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 3, quý I, nhiệm vụ chủ yếu tháng 4 và quý II năm 2017; Tổng kết 10 năm và kết luận thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/10/2006 của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020; Tổng kết 5 năm và kết luận thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 7/4/2011 của Tỉnh ủy (khóa X) về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020.

* Tình trạng phá rừng vẫn diễn ra phức tạp

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 3, quý I, nhiệm vụ chủ yếu tháng 4 và quý II năm 2017 do đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày cho thấy, kinh tế quý I tăng trưởng khá. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp tăng 5,67%; công nghiệp - xây dựng tăng 17,2%; dịch vụ tăng 7,63%; thuế sản phẩm đạt 168,1 tỷ đồng, tăng 16,51%. Đây là khởi đầu tốt cho tăng trưởng cả năm. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm. Quốc phòng-an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường; trong đó, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã có những chuyển biến bước đầu.

Đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 3, quý I, nhiệm vụ chủ yếu tháng 4 và quý II năm 2017

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số nghị quyết của Tỉnh ủy chưa thực sự chuyển biến, chỉ mới đề ra chương trình, kế hoạch, chưa có hiệu quả. Diện tích cây hồ tiêu phát triển rất nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định sản xuất. Tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển của các chủ đầu tư, địa phương giảm mạnh so với cùng kỳ. Công tác giải thể, tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và các công ty nông-lâm nghiệp còn chậm, gặp nhiều vướng mắc về giải quyết nợ đọng đối với các ngân hàng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa đạt so với nghị quyết đề ra.

Đặc biệt, tình hình phá rừng vẫn diễn biến phức tạp, tăng cả về số lượng và diện tích, gây mất an ninh trật tự; có tình trạng bao che, cầm đầu, lợi dụng để phá rừng của một số đối tượng trong cơ quan nhà nước. Cụ thể, trong quý I, toàn tỉnh xảy ra 85 vụ, tăng 70% số vụ, gây thiệt hại 32,6 ha rừng, tăng 20% diện tích thiệt hại so với cùng kỳ.

Do đó, trong tháng 4 và quý II năm 2017, cùng với tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh ủy trên các lĩnh vực kịp thời, hiệu quả, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm minh các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng nhằm lập lại kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong xây dựng Đảng, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

* Phát triển du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa xứng với tiềm năng

Báo cáo tổng kết 10 năm và kết luận thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/10/2006 của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển du lịch giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 do đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày cho thấy, dù tỉnh đã quy hoạch, định hướng phát triển chung cũng như nỗ lực kêu gọi đầu tư, tạo cơ chế, chính sách, thông thoáng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng…,nhưng 10 năm qua, du lịch của Đắk Nông vẫn chủ yếu ở dạng tiềm năng.

Cụ thể, sản phẩm du lịch còn thiếu, chưa tạo được ấn tượng và kéo dài thời gian lưu trú du khách. Chất lượng dịch vụ chưa cao, không tạo được khả năng cạnh tranh với các địa phương khác. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn. Các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch chủ yếu vừa và nhỏ, chưa có kinh nghiệm, khả năng tài chính còn hạn chế. Các chính sách liên quan chưa được nhanh gọn. Nhận thức về vai trò, vị trí của các cấp, ngành, địa phương còn hạn chế, dẫn đến nguồn tài nguyên du lịch còn bị xâm hại nặng nề…

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển du lịch

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch, từng bước kiện toàn cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng, đa dạng hóa các loại hình du lịch, phấn đấu đến năm 2020, du lịch Đắk Nông trở thành ngành kinh tế động lực, điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Nguyên.

Báo cáo tổng kết 5 năm và kết luận thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 7/4/2011 của Tỉnh ủy (khóa X) về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020 do đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày cho thấy, 5 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lựa chọn đúng khâu đột phá và chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt và bước đầu đã làm thay đổi nhận thức, hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi giá trị trong nông nghiệp.

Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều mô hình thành công, nhưng việc nhân rộng mô hình còn khó khăn, nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao còn thấp so với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Việc phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao còn nhiều yếu tố chưa bền vững, nhất là trong các lĩnh vực giống, chất lượng sản phẩm, phương pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân, các hoạt động dịch vụ, tư vấn. Quan hệ giữa nông dân với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ. Việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường còn nhiều hạn chế. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị nhà nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa theo kịp yêu cầu…

Vì vậy, với việc tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khâu then chốt, nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng cho tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tỉnh sẽ nghiên cứu và tập trung các giải pháp để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7, khóa XI: Nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội được đưa ra phân tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO