Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907 - 9/2/2017): Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất trong những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam

Ban Tuyên giáo Trung ương| 08/02/2017 10:43

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; trong một gia đình có truyền thống văn hóa giáo dục rất cơ bản.

ADQuảng cáo

Quần thể Khu lưu niệm đồng chí Trường Chinh, bao gồm tượng đài và Nhà lưu niệm tại thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ảnh tư liệu

Đồng chí Trường Chinh tham gia hoạt động cách mạng từ lúc 18 tuổi; tích cực tìm hiểu nhiều tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa Mác-Lênin, chuyển từ một người yêu nước trở thành người cộng sản, người học trò xuất sắc, người đồng chí tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong những năm 1925-1939, lúc hoạt động ở ngoài cũng như khi ở tù, đồng chí đem hết nghị lực, trí tuệ và nhiệt tình cách mạng tham gia truyền bá chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần bồi dưỡng lý luận và tinh thần cách mạng cho đông đảo cán bộ và nhân dân, trong đó có nhiều người đã trở thành nhân vật cốt cán của cách mạng.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, địch tăng cường khủng bố, hầu hết các Ủy viên Trung ương bị bắt, bị giết, nhiều tổ chức đảng và quần chúng bị phá vỡ. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (tháng 11/1940) cử ra chỉ còn lại có 3 người. Với cương vị Quyền Tổng Bí thư ở giai đoạn cực kỳ khó khăn này, đồng chí đã cử cán bộ đi chắp nối liên lạc, khôi phục tổ chức; cử người sang Quảng Tây (Trung Quốc) liên hệ và đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Nhờ vậy, phong trào cách mạng dần được khôi phục và củng cố, chuẩn bị cho cao trào cách mạng 1939-1945.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Sau Hội nghị, đồng chí rời Pắc Bó (Cao Bằng) về xuôi trực tiếp chỉ đạo phong trào, đề ra sáng kiến lập hệ thống liên hoàn các An toàn khu (ATK).

Từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đi Trung Quốc và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt và xử bắn, đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử đi công tác nước ngoài. Trách nhiệm to lớn của Đảng và cách mạng gần như đặt lên vai một mình Tổng Bí thư Trường Chinh.

Nhưng với trí tuệ thông minh, sắc sảo, khả năng ứng phó nhanh nhạy, đồng chí cùng với Trung ương có những quyết định quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên những bước nhảy vọt. Nổi bật nhất là việc đồng chí dự báo việc Nhật - Pháp bắn nhau và sớm chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Cùng với"Lời kêu gọi" của Nguyễn Ái Quốc, Chỉ thị đã chỉ rõ thời cơ đang đến và có tác dụng quyết định trong việc động viên hướng dẫn toàn Đảng, toàn dân trong cao trào chống Nhật cứu nước.

Tại Đại hội quốc dân ở Tân Trào, đồng chí được cử phụ trách Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ngày 13/8/1945, Ủy ban đã phát lệnh tổng khởi nghĩa. Cống hiến nổi bật của đồng chí Trường Chinh trong giai đoạn này chính là cùng với Bác Hồ và Trung ương Đảng đề ra đường lối của giai đoạn cách mạng mới ở Hội nghị Trung ương lần thứ 8, trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện, đưa Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến thành công.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh cùng tập thể Bộ Chính trị vạch ra đường lối và trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc. Quan điểm của Đảng về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, được đồng chí Trường Chinh giải thích và phát triển trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Từ những chủ trương, đường lối đúng đắn đó, cùng với thực tiễn sinh động, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã giành thắng lợi to lớn, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của dân tộc ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị có những đóng góp to lớn vào việc chuẩn bị và đưa ra những quyết sách chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn. Giai đoạn cả nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, cống hiến đặc biệt quan trọng của đồng chí Trường Chinh là đã đặt nền móng cho công cuộc đổi mới.

ADQuảng cáo

Năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân và đề ra chủ trương đổi mới. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI, đồng chí đã nói: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Vì vậy, Đại hội VI trở thành Đại hội đổi mới, đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một bước ngoặt trong tư duy lí luận của Đảng ta. Rồi với trách nhiệm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã tích cực góp sức mình trong việc xây dựng Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế - xã hội, chuẩn bị nội dung cho Đại hội lần thứ VII của Đảng.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh thể hiện là một học trò xuất sắc và là một trong những người bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Trường Chinh đã đến với cách mạng thông qua các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941) đã có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thành công Hội nghị, đánh dấu sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết.

Đánh giá về công lao của đồng chí Trường Chinh, Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã nêu: “Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng”.

Đồng chí Trường Chinh, nhà lý luận sắc sảo, nhà văn hóa lớn

Đồng chí Trường Chinh là một trong những nhà lý luận chiến lược của cách mạng Việt Nam, để lại nhiều tác phẩm có giá trị: Chống chủ nghĩa cải lương (1935); Vấn đề dân cày (viết chung với đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1937-1938); Chính sách mới của Đảng (1941); Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947); Bàn về cách mạng Việt Nam (1965); Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược (1986)... Thông qua những tác phẩm đó, đồng chí đã làm rõ nhiều vấn đề lý luận, đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt là lý luận về phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam để góp phần định ra đường lối chiến lược và sách lược của Đảng; lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Không chỉ là một nhà lý luận văn hóa, nhà lãnh đạo văn hóa, bản thân đồng chí Trường Chinh đã thể hiện những phẩm chất toàn diện của một nhân cách văn hóa lớn. Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, nên đồng chí Trường Chinh ở mỗi chặng đường lịch sử, trước mỗi thử thách của cách mạng đều đánh giá đúng tình hình, nêu lên trách nhiệm cụ thể của văn hóa.

Hàng loạt tác phẩm cùng các bài viết của đồng chí tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm đúng đắn, sắc bén và sáng tạo của Đảng ta trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Nổi bật nhất là Đề cương Văn hóa Việt Nam; Báo cáo về Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam; Báo cáo đọc tại các Đại hội văn nghệ toàn quốc. Đó là cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa mà đến nay vẫn nguyên giá trị, có ý nghĩa lớn lao cho chúng ta xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chứng tỏ vốn tri thức uyên thâm, sức sáng tạo kỳ diệu, tầm nhìn chiến lược của đồng chí Trường Chinh.

Đồng chí còn là nhà báo cách mạng nổi tiếng với nhiều bài viết sắc sảo, có sự kế tục sự nghiệp báo chí Nguyễn Ái Quốc, tạo nên văn phong chính luận, có tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn, ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đồng chí còn là nhà thơ với bút danh Sóng Hồng và có gần 70 bài nổi tiếng, thể hiện cảm xúc của tác giả trước hầu hết các sự kiện của đất nước bằng một tâm hồn luôn luôn lạc quan, tin tưởng ở tiền đồ xán lạn của cách mạng. Thơ Sóng Hồng đã trở thành vũ khí đấu tranh giai cấp kỳ diệu, không thể tách rời với cách mạng.

Ở đồng chí Trường Chinh, nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ đã quyện với nhau. Đó là sự thể hiện một cách sinh động lương tâm, trí tuệ và tình cảm cách mạng cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, của nhà lãnh đạo cách mạng của Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907 - 9/2/2017): Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất trong những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO