Kỷ niệm 55 năm Ngày khai thông đường hành lang chiến lược Bắc – Nam đoạn Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ (30/10/1960-30/10/2015)

21/10/2015 09:13

A - MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA:

ADQuảng cáo

- Giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh hiểu sâu sắc hơn về công lao to lớn trong quá trình xoi, mở, khai thông đường hành lang chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nối liền Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ; làm nên con đường huyết mạch, nối liền chiến trường Bắc – Nam, để phục vụ vận chuyển, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đi đến thắng lợi.

- Giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh ghi nhớ, tôn vinh công lao của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân và dân tỉnh Đắk Nông đã tham gia xoi mở đường, bắt nối, khai thông đường Hồ Chí Minh; tôn vinh đồng bào các dân tộc dọc cung đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

- Tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh di tích lịch sử được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đến cán bộ, đảng viên, quân và dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh Đắk Nông.

- Khẳng định trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trân trọng, giữ gìn, tôn tạo những thành quả cách mạng, tiếp tục đấu tranh phản bác những âm mưu, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

B. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

I. Quá trình hình thành và hoạt động của các đội xoi mở đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ

1. Đoàn B90 thành lập, thực hiện nhiệm vụ xoi mở đường nối liền đoạn Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ

Đế quốc Mỹ âm mưu thôn tính Việt Nam, nên ngay từ đầu tháng 7 năm 1954, khi thực dân Pháp thất bại, Mỹ vội vã nhảy vào thay thế, đưa Ngô Đình Diệm về nước thay Thủ tướng Bửu Lộc của chính quyền Bảo Đại, từng bước lập ra chính quyền tay sai dưới quyền điều khiển trực tiếp, toàn diện của Đại sứ Mỹ ở miền Nam. Hiệp định Giơnevơ vừa được ký kết đã bị Mỹ - Diệm ra sức phá hoại hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ, chuẩn bị chiến tranh xâm lược miền Bắc và toàn Đông Dương.

Năm 1959, vùng Nam Tây Nguyên địch liên tục đánh phá và khống chế gắt gao, đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc hết sức khó khăn, phong trào cách mạng chưa thực sự phát triển mạnh và đều khắp, nhiều nơi vẫn còn là vùng “trắng” do địch kiểm soát. Trong lúc đó, với khí thế sục sôi căm thù giặc Mỹ xâm lược và trước xu thế vùng dậy của quần chúng, tháng 1-1959 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng), Hội nghị đã ra Nghị quyết về đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam, Nghị quyết nêu rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Nghị quyết 15 của Trung ương phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân miền Nam; là ngọn lửa dấy lên cao trào đồng khởi, làm xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.

Đảng ta đã xác định: “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Tình thế đặt ra cho nhân dân miền Nam không có con đường nào khác là khởi nghĩa vũ trang tiến hành chiến tranh cách mạng đánh đổ ách thống trị của Mỹ và chính quyền tay sai tự giải phóng cho mình. Để chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy, chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Biên chế ban đầu của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ, lấy phiên hiệu là Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ xoi đường từ Q.K.4 vào Bắc Tây Nguyên (1960-1964). Ngay sau đó, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn được gấp rút khai phá. Đồng thời, theo chủ trương của Đảng, ngày 25-5-1959 Bộ Quốc phòng và Ban Thống nhất Trung ương tổ chức đoàn B90 gồm 25 đồng chí đã từng hoạt động và chiến đấu trên các chiến trường Đông Nam Bộ, Nam Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia do đồng chí Trần Quang Sang làm Trưởng đoàn khẩn trương lên đường vào Nam thực hiện nhiệm vụ”về chiến trường miền Nam, đến Nam Đắk Lắk hợp nhất với đội vũ trang công tác Bắc Đắk Mil (Nam Đắk Lắk) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, gây dựng cơ sở và xoi, mở đường về Nam Bộ, xây dựng hành lang chiến lược nối liền hai chiến trường Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ”.

Cùng với chủ trương trên, Trung ương cũng chỉ đạo Liên khu ủy Khu V giao cho tỉnh Đắk Lắk gấp rút khai thông đường hành lang chiến lược từ Nam Tây Nguyên vào Đông Nam Bộ; đồng thời Xứ ủy Nam Bộ phải trực tiếp chỉ đạo Liên Tỉnh ủy miền Đông tổ chức mở đường từ chiến khu Đ ra Nam Tây Nguyên, bắt liên lạc với Đoàn B90.

Đến cuối tháng 10-1959, Đoàn B90 của Trung ương vào đến chiến trường, tập kết tại bon Đắk Rồ. Lực lượng của tỉnh lúc này có đội vũ trang công tác của các đồng chí Trần Phòng (Bảy Biên), Lê Đạo (Ama Nhao), Nguyễn Xuân Hòa (Ama Thu), Ama Sa, đứng chân ở Đức Lập (Đắk Mil - địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung). Để đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn B90 với bộ phận công tác Đắk Mil trong công tác khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam và phát triển phong trào cách mạng ở Nam Tây Nguyên. Tháng 11-1959, Liên khu ủy V điều đồng chí Vũ Anh Ba (Hồng Ưng) Bí thư Ban cán sự tỉnh Đắk Lắk xuống chỉ đạo Đoàn B90 và Đội công tác Đắk Mil, đặc trách công tác mở đường móc nối với miền Đông Nam Bộ và phát triển cơ sở cách mạng của tỉnh.

Theo sự chỉ đạo của đồng chí Ba Đạo và đồng chí Vũ Anh Ba (Hồng Ưng), Đoàn B90 cùng với đội công tác Đắk Mil hợp nhất thành một đơn vị, do đồng chí Vũ Anh Ba làm Bí thư. Sau một thời gian ngắn học tập về đường lối cách mạng, với phương châm “Tích cực, khẩn trương nhưng vững chắc, xoi đến đâu bám vào dân đến đó, xây dựng cơ sở thành lõm đứng chân và mở rộng theo vết dầu loang, làm bàn đạp tiến lên phía trước: nói chung là vừa xoi đường vừa tạo khí thế bám trụ được khi hành lang đã mở ra”. Đơn vị B90 tổ chức thành 3 đội, một mũi và hai bộ phận công tác, gồm một bộ phận xây dựng cơ quan, một bộ phận củng cố địa bàn, một mũi công tác Bắc quốc lộ 14, một đội mở đường xây dựng cơ sở lấy địa bàn khu hành chính Đức Xuyên làm bàn đạp, hướng về Tây Nam tỉnh Tuyên Đức (nay là thành phố Đà Lạt) do đồng chí Ama Quang (Kpă Ngãi) phụ trách. Còn hai đội có nhiệm vụ mở đường về Nam Bộ gồm:

Đội I, Do đồng chí Trần Quang Sang, nguyên Đoàn trưởng Đoàn B90 làm Đội trưởng, đồng chí Lê Đạo (Ama Nhao) cán bộ đội công tác Đắk Mil cũ làm Bí thư chi bộ, đồng chí Phạm Văn Nhường làm Đội phó, về sau tăng cường đồng chí Phạm Lạc cùng các đồng chí Hoàng Minh Đỏ, Trần Văn Thời, Nguyễn Văn Định và các đồng chí Danh, Kỉnh, Quảng, Ai, Cược, Bình là cán bộ đoàn B90 làm đội viên. Đội có nhiệm vụ phát triển cơ sở từ Đru, Đắk Rồ lấy buôn Bu SaNar, Bu Sia, Bu N’tinh làm bàn đạp, mở theo hướng từ Đông Khiêm Đức, Gia Nghĩa, tiến về Đồng Nai Thượng (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng) bắt liên lạc với bộ phận xoi đường đơn vị C200 của Đông Nam Bộ từ chiến khu Đ lên Nam Tây Nguyên.

Đội II, Lúc đầu do đồng chí Phùng Đình Ấm (Ba Cung) - nguyên Phó đoàn B90 làm Bí thư chi bộ, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa (Ama Thu) cán bộ đội công tác Đắk Mil cũ làm Đội trưởng. Về sau đồng chí Phùng Đình Ấm, Bí thư chi bộ kiêm Đội trưởng, đồng chí Nguyễn Đình Kính cán bộ đoàn B90 làm Đội phó, đồng chí Ama Sa (Y Bớ) - đội viên. Đội có nhiệm vụ từ bàn đạp Bu Đjră phát triển ra vùng Ba biên giới xây dựng và phát triển cơ sở địa bàn Đắk Mil, Tây Gia Nghĩa, Đông và Tây Kiến Đức (vùng tiếp giáp giữa Trung Bộ, Nam Bộ và Đông Bắc Campuchia - trung tâm của nó bây giờ là ngã ba Đồn 9, huyện Tuy Đức) vượt quốc lộ 14, tiến về bắt liên lạc với bộ phận mở đường của Liên tỉnh miền Đông ở hướng Bà Rá - Phước Long (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Như vậy địa bàn Kiến Đức (sau này là huyện Đắk R’Lấp) là một trong những địa bàn quan trọng, đội II phải triển khai công tác xoi đường để về đến mục tiêu.

2. Quá trình hình thành hai đội xoi đường phía Nam – Đoàn C200 và C270.

Tháng 2/1960, đoàn E300 (phiên hiệu tạm thời), dưới sự chỉ huy của đồng chí Lâm Quốc Đăng (Năm Thược) và khoảng 20 cán bộ, chiến sỹ mở đường từ Mã Đà qua Bãi Bằng lên Phước Long, vượt lộ 14 lên Phú Riềng. Tháng 6 năm 1960, Xứ ủy chủ trương tách vùng rừng núi phía Bắc Biên Hòa và quyết định thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Phước Long, trực thuộc khu ủy miền Đông do đồng chí Phạm Thuận làm Bí thư. Căn cứ Ban cán sự Đảng tỉnh Phước Long chuyển từ Nước Sông sang vùng Đắk Nhao (phía Tây quốc lộ 14), bắt liên lạc với đoàn mở đường E300, đồng chí Lâm Quốc Đăng được lệnh về lại miền Đông. Đồng chí Phạm Thuận tiếp nhận lực lượng, với nhiệm vụ tiếp tục mở đường, móc nối với đội II của đoàn B90 ở phía Bắc mở vào. Dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự tỉnh Phước Long các lực lượng được hợp nhất và thành lập đại đội mới chính thức lấy phiên hiệu là C270. Đơn vị C270 gồm các đồng chí Lâm Quốc Đăng (Năm Thược) - Đoàn trưởng, Hai Sẻ, Tám Lợi, Tư Thành Công là những tổ viên chủ chốt (cùng một số tổ viên khác) có nhiệm vụ hỗ trợ phong trào cách mạng địa phương, mở rộng cơ sở, đồng thời tiếp tục nhiệm vụ mở đường của đoàn E300 giao lại. Trên đường tiến quân, đến đâu đơn vị cũng làm công tác tuyên truyền là chủ yếu. Đoàn phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ, nhất là thiếu lương thực, phải đào củ rừng (củ chụp, củ năng, …) ăn thay cơm, cùng chia nhau từng hạt muối, khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật, thiếu thuốc chữa trị, ...

Tháng 11 năm 1959, tại miền Đông Nam Bộ, Xứ uỷ Nam Bộ triệu tập các Bí thư tỉnh uỷ về Trảng Chiên (Rùm Đuôn, Tây Ninh) để vừa quán triệt Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đường lối phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam ở Việt Nam, vừa thông báo quyết tâm mở hành lang chiến lược Bắc - Nam (đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển) và nêu rõ tầm quan trọng của các con đường chiến lược này đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đồng thời, Xứ uỷ Nam Bộ cũng chỉ thị cho Khu uỷ miền Đông Nam Bộ tổ chức các đơn vị vũ trang tuyên truyền khẩn trương xây dựng cơ sở, mở rộng căn cứ cách mạng ở miền Nam tiến ra phía Bắc đón các bộ phận mở đường từ Nam Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia vào.

Căn cứ vào sự chỉ đạo của Xứ uỷ Nam Bộ, Khu uỷ miền Đông do đồng chí Mai Chí Thọ (Tám Cao) làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến (Tám Kiến Quốc) làm Trưởng ban quân sự, tổ chức hai đội C200 và C300 từ Chiến khu Đ và khu vực Bình Phước xoi mở đường lên thượng nguồn sông Đồng Nai Thượng và ngã ba biên giới (Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Campuchia) bắt liên lạc với Đoàn B90 (Đội I, Đội II) bắt đầu xoi đường từ Nam Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ. Ngày 6 tháng 6 năm 1960, tại suối Nhung (một nhánh của sông Mã Đà), Đội C200 được cấp trên giao nhiệm vụ xoi mở đường từ chiến khu Đ lên Bu Sania (Khiêm Đức, Đắc Nông) với thời hạn 1 tháng (trung tuần tháng 7-1960) bắt liên lạc được Đội I (Đoàn B90). Ban chỉ huy C200 gồm các đồng chí: Phạm Hồng Sơn - Đoàn trưởng, Nguyễn Trọng Tâm - Bí thư chi bộ[1], có nhiệm vụ xoi đường (cuối tháng 2-1960) từ Suối Đá, Tân Phước (Đồng Xoài) lên khu vực Tây Đăk Song - đường 14 bắt liên lạc với Đội II (Đoàn B4).

II. Hoạt động của các đội xoi mở đường, khai thông đường hành lang chiến lược nối liền vùng Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ.

Việc mở đường khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam trên địa bàn Nam Tây Nguyên lúc này là một nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng nhưng vô cùng khó khăn gian khổ. Trong điều kiện chiến trường mới lạ, cơ sở cách mạng chưa có, thời tiết ở Tây Nguyên lúc bấy giờ vào mùa mưa, nước các suối đều dâng cao và chảy xiết; trời âm u, việc định hướng để cắt rừng rất khó khăn, không có phương tiện, dụng cụ thiên văn kể cả la bàn, hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, đội công tác phải mò mẫm bám từng bon, móc ráp từng người dân, phải tự lo về lương thực hậu cần trong quá trình hoạt động. Phương châm hành động là khẩn trương, thực hiện “bốn biến” (biến không thành có - biến khó thành dễ - biến ít thành nhiều - biến yếu thành mạnh) được quán triệt trong các bộ phận xây dựng phát triển cơ sở, xoi mở đường hành lang, xây dựng căn cứ và các bộ phận phục vụ. Sau khi sắp xếp phân công, phân nhiệm cho từng hướng, các đội công tác bắt đầu triển khai xuống cơ sở vào đầu tháng 12-1959.

Ở hướng đội I Đoàn B90 (Đông Quảng Đức), từ bàn đạp Jốc Ju, đội nhanh chóng phát triển cơ sở, xây dựng được vùng lõm đứng chân tạo nhiều bon xung quanh cao nguyên R’Bút, làm bàn đạp mở ra hướng bon Sa-Nar tiếp tục thành lõm bàn đạp mới mở ra hướng khu vực bon Đắk N’Ting, tạo thế tiếp cận huyện Khiêm Đức và Thị xã Gia Nghĩa (tỉnh lỵ Quảng Đức).

ADQuảng cáo

Cuối tháng 8-1960, Đội I nghiên cứu thấy bon Rưng là một bon lớn sở tại và nhiều bon khác địch gom lại thành nhiều khu tập trung nằm ngay bờ của ngã ba sông Đắk R’Tih và Đắk Deung, sát bìa phía Đông thị xã Gia Nghĩa, cạnh đó là quận lỵ Khiêm Đức. Đồng bào khu tập trung này cũng như bon Rưng không có quan hệ qua lại với đồng bào phía Đông Gia Nghĩa, chỉ có quan hệ qua lại với đồng bào phía Tây Gia Nghĩa mà thôi. Vì vậy, Đội I báo cáo về lãnh đạo B.4 rằng phía Tây Gia Nghĩa đã có lực lượng trong Nam hoạt động ra tới. Đội tổ chức một bộ phận 4 đồng chí gồm đồng chí Năm Nhường - Đội phó và 3 đồng chí nữa (Lạc, Ma Đen và đồng chí y tá Thời) bí mật vượt lộ 14bis (đoạn Nam Khiêm Đức) cắt rừng vượt sông Đắk R’tih, đoạn vàm Đắk R’tih giáp sông Đồng Nai để tìm lực lượng phía Nam. Đến vàm Đắk R’tih, nước sông dâng cao do có trận mưa lớn ở thượng nguồn, nước lũ đổ về chảy mạnh và xiết không thể qua được. Nhiệm vụ thôi thúc, các đồng chí đã quyết tâm thực hiện bằng cách lấy dây nối lại, cột vào thắt lưng đồng chí Thời để đồng chí tình nguyện bơi qua trước và đồng chí đã hy sinh. Sau đó, Đội I tiếp nhận tin của ban lãnh đạo B.4 thông báo ám tín hiệu và địa điểm tìm bắt liên lạc với các đồng chí phía Nam (đoàn C200) do đồng chí Nguyễn Trọng Tâm - tức anh Bảy B.K - chỉ huy gồm các đồng chí Tâm, Cột, Tư đã phát hiện được dấu vết, nơi tạm trú của cánh phía Bắc, các đồng chí dừng chân tại đây đợi đơn vị mở đường từ phía Nam ra.

Cùng thời gian Đội I xoi mở đường từ hướng Bắc xuống, ở hướng Nam (theo hiệp đồng), Đội C200 do hai đồng chí Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Trọng Tâm chỉ huy (mỗi người mang theo 5kg gạo), 1kg muối cùng xoi mở đường lên thượng nguồn sông Đồng Nai để bắt liên lạc với Đội I. Những ngày đầu hành quân, dựa vào cơ sở cách mạng phát triển, Đội C200 cơ động đến điểm hẹn khá thuận lợi. Khi phải bám địa hình dọc sông Đồng Nai để xoi mở đường (đoạn ngang Định Quán trở lên) thì bắt đầu gặp núi cao, rừng rậm rạp âm u, có nhiều trảng cỏ lau rộng mọc dày đặc phải rẽ lối suốt cả ngày mà vẫn chưa qua khỏi. Hơn nữa, dân ở đây (chủ yếu là người Mạ) đã bị địch càn quét đưa về các trại tập trung từ Vĩnh Cửu lên Đạ Oai (dọc quốc lộ 20) và canh phòng hết sức cẩn mật. Trong khi đó, lương thực của đội mang theo dù ăn thật dè xẻn thì cũng chỉ được 20 ngày. Muốn mua thêm gạo muối bổ sung cũng rất khó.

Những ngày sau đó, để duy trì sự sống và công tác, Đội C200 phải dựa vào củ chụp, củ nầng. Nhưng củ chụp ăn ngon và bở ở các khu rừng này lại rất hiếm, chỉ có củ năng là nhiều, có chỗ nổi lộ thiên nằm lúc nhúc, đào bới một lúc được cả tạ. Tuy nhiên, để có được miếng ăn khả dĩ cho êm bụng từ loại củ “khó tính” này cũng không phải dễ. Bình thường củ nầng phải cạo vỏ, thái mỏng, ngâm muối, kiên trì chắt tẻ 12 lần nước sạch cho hết độc tố là dùng được. Trong điều kiện cơ động làm nhiệm vụ, anh em phải thao tác gấp cũng bằng cách gọt vỏ, xắt mỏng nhưng phải thêm công đoạn luộc chín cho vào giỏ tre đem xuống suối ngâm, sau vài giờ lại trộn nguấy đều để miếng nầng xả hết độc tố, qua một ngày hoặc một đêm mới có thể nấu ăn được. Củ nầng được chế biến (thức ăn chính) cùng với các món ăn thịt thú rừng, cá suối, măng tre nứa, môn thục, rau tàu bay...không chỉ đóng góp duy trì sự sống mà còn tiếp sức cho bộ đội xoi mở đường tiến lên phía trước.

Nhờ tinh thần đoàn kết vượt khó, bằng bất kỳ giá nào cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, sau hơn một tháng trời bám xoi mở đường dọc sông Đồng Nai, Đội C200 đã đi sâu vào địa phận phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, C200 gặp bon BuGor của đồng bào Mạ sống bất hợp tác với địch. Hơn thế, đội còn gặp được già làng K’Tranh - một người có cảm tình với cách mạng, chỉ bảo dân làng đấu tranh chống chính sách dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ - Diệm. Biết bộ đội đang làm theo lời dạy của Bác Hồ tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, già làng K’Tranh càng niềm nở đón tiếp đội. Đặc biệt, qua sự giúp đỡ của ông, đội đã mở rộng địa bàn hoạt động và bắt được liên lạc với một số bon khác để xây dựng cơ sở, củng cố căn cứ địa.

Sau khi thiết lập được bàn đạp ở Bu Gor, Đội C200 tiếp tục phát triển lên hướng Bắc. Được Bren (con trai già làng K’Tranh) dẫn đường, qua hai ngày mở xuyên các cánh rừng thoai thoải dọc triền sông, rẽ lối ngang mấy trảng bằng lau sậy rậm rạp, cả đội bắt gặp một bãi cát hình cánh cung (bao quanh bàu nước lớn có rất nhiều hải sản sinh sống) trên đó là một gò đồi đất rộng xốp mùn màu mỡ có những cây si và những cây cổ thụ phủ bóng mát rất hấp dẫn và cuốn hút - các loài muông thú về trú ngụ kiếm mồi. Phía sau gò đất cao trải dài là vùng rừng nguyên sinh rất thuận lợi cho việc trú quân, luyện tập. Đội trưởng Phạm Hồng Sơn và anh em trong đội hứng khởi đặt tên nơi đây là Bãi Cát Tiên. Bãi Cát Tiên - một địa danh mang dấu tích lịch sử không chỉ là hậu cứ, là bàn đạp an toàn, vững chắc của nhiều đơn vị lực lượng vũ trang miền Đông nói chung, của C200 nói riêng trong những tháng năm mở đường, duy trì tuyến giao liên vận chuyển, củng cố huấn luyện chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà ngày nay còn là tên của một huyện có tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh khá phát triển - đó là huyện Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng.

Cuối tháng 8 năm 1960, Đội C200 xoi mở đường tới buôn Bu Sa Đa (vùng sâu giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Quảng Đức). Được đồng bào Mạ có cảm tình với cách mạng giúp đỡ, dẫn đường, Đội cử tổ xung kích cắt rừng, vượt sông Đồng Nai Thượng bằng bè mảng của ngư dân để sang vàm Đăk R’Tik bắt liên lạc với Đội I (B90). Tới điểm hẹn, lùng sục phát hiện được dấu vết nấu ăn, dấu cây mắc võng còn mới, anh em rất mừng. Nhưng Đội tìm mãi vẫn không thấy tổ xung kích, đành quay về Bu Sa Đa điện báo cáo xin ý kiến trên. Ít ngày sau, đội nhận được chỉ thị của lãnh đạo miền Đông Nam Bộ: “Anh em Đội I (B90) ở phía Bắc vượt sông Đăk R’Tik gặp lũ lớn bị sự cố phải lui về Bu Sanar (Khiêm Đức) để rút kinh nghiệm. Đội C200 tổ chức bám trụ (địa bàn tự chọn) chờ đợi cuối mùa mưa tiếp tục bắt liên lạc với đội bạn”. Các đồng chí trong Ban chỉ huy C200 quyết định cho anh em quay trở lại Bu Gor nhờ vào dân (chủ yếu là già làng K’Tranh) mở rộng căn cứ, bổ sung thêm lương thực.

Giữa tháng 10 năm 1960, đợt học tập chính trị và rút kinh nghiệm công tác mở đường đợt 1 kết thúc, Đội I (B90) được lệnh trở lại vùng vàm Đăk R’Tik bắt liên lạc với Đội C200 miền Đông Nam Bộ. Đội I (trước lúc lên đường) được Ban cán sự B4 thông báo cho biết địa điểm tìm gặp nhau của hai đội ở lòng suối cạn phía Nam Vàm Đăk R’Tik có những đoạn lồ ô dài chừng 3m rải nối nhau và có những khúc củi cháy dở đã tắt, đầu chìa ra ngoài. Những thông tin cụ thể về ám tín hiệu của đội bạn càng thôi thúc tổ xung kích Đội I (B90) gồm Phạm Văn Lạc, Phạm Văn Nhường, Hoàng Minh Đỏ khẩn trương hành quân đến địa điểm quy định để tìm gặp anh em phía Nam, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ xoi mở đường ở một hướng quan trọng.

Chiều ngày 30 tháng 10 năm 1960, giữa lúc tổ trinh sát phía Nam gồm 3 đồng chí Nguyễn Thanh Tâm, Huỳnh Văn Cột, Hồ Minh Tư đang chờ đợi đội bạn thì bất ngờ tổ xung kích Đội I (B90) xuất hiện. Sau khi đọc một số ám hiệu và đọc đúng tên Trưởng đoàn của nhau, hai bên cùng chạy lại ôm lấy nhau trong niềm vui mừng mừng, tủi tủi. Tối hôm đó, sau bữa liên hoan “mỗi người nấu đủ một lon gạo”, 6 anh em kẻ Nam, người Bắc cùng nhau tâm sự thâu đêm, kể cho nhau nghe chuyện nhân dân miền Nam đấu tranh quyết liệt chống Mỹ - Diệm, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội...

Như vậy, sau gần một năm vừa phát triển xây dựng cơ sở vừa cắt rừng xoi đường. Quá trình xoi, cắt rừng gian khổ, thiếu ăn (mỗi ngày mỗi người chỉ ăn một lon sữa gạo, phải độn thêm rau rừng như lá bép, đọt mây, măng non, môn dốc,v.v..), nên sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ trong mũi suy yếu nhiều. Mùa mưa, trời mưa cả ngày, cả đêm, suốt tuần không có mặt trời. Có ngày tuột xuống một khe suối rồi leo lên một cái đồi cũng hết một ngày và đuối sức. Nhưng vượt qua khó khăn, thiếu thốn, Đội I đã hoàn thành nhiệm vụ. Hành lang phía Đông Quảng Đức đã được khai thông để giữ mối liên lạc, mỗi bên Nam - Bắc đều cử cán bộ cùng đi với bên kia về đến căn cứ của Ban lãnh đạo, báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ mới.

Ở hướng Đội II Đoàn B90 (Tây Quảng Đức), từ bon Jră (Djrah) nằm phía Đông Bắc huyện Đức Lập làm bàn đạp để mở rộng cơ sở về hướng Nam và Tây Nam. Đội nhanh chóng tuyên truyền phát triển cơ sở và xây dựng các Bon Đăk Prí, Bu Bơ Đăk Đam, R’Loong, Bon Ng’Lao làm bàn đạp mới tiếp cận huyện lỵ Đức Lập và tiến về hướng Nam. Hướng phát triển là khu vực bon Bu-Róa, dinh điền Đức An (Đắk Song ngày nay) vượt lộ 14bis và thượng nguồn Đắk Deung, sang Tây lộ 14 tiến về Bắc chiến khu Đ (tức Phước Long lúc bấy giờ).

Vào khoảng tháng 3-1960, Đội II nhận được tin Ban Lãnh đạo thông báo ở phía Nam có lực lượng lên đến Bon Bu Gân, Tây lộ 14 khoảng 2 ngày đường, chỉ thị đội tìm cách bắt liên lạc. Nhưng lúc này đội chưa có khả năng vượt qua khu Bu-Róa nên thời cơ bị bỏ lỡ. Sau đó, đội móc ráp được 1 cơ sở bon Nâm Nung là một làng nhỏ bị gom dân về Bu-Róa, tìm hiểu tình hình Bu-Róa là một khu tập trung lớn, có tên tề “Tống Giang” ác ôn nhất vùng kèm kẹp quần chúng chặt, phát triển nhanh về hướng này còn khó khăn, đội quyết định chuyển dịch về hướng Đông, phát triển cơ sở vào bon Bu Bơ Đăk Nông, 1 bon nằm trên trục lộ 14 làm bàn đạp. Tháng 4-1960, trong dịp tuyên truyền tại bon Bu Bơ Đắk Nông, tên Tống Giang đã bố trí dân vệ hòng bắt sống toàn bộ (3 người gồm đồng chí Phùng Đình Ấm, Nguyễn Xuân Hòa, Ama Thu) nhưng đội đã được an toàn.

Sau vụ Bu Bơ Đắk Nông, tình hình phát triển về hướng Đông gặp khó khăn, cơ sở ở đây đã bị mất. đội chuyển hướng chủ yếu về hướng Tây. Lấy bon Bu Ng’lao làm bàn đạp. Các đồng chí Ba Can, Bảy Kính nhận gia đình ông “già hủi” làm cha nuôi nhằm dễ tạo chỗ dựa, bám cơ sở mật tổ chức được ở bon Bu Róa nằm ở Nam lộ 14 bis nắm tình hình tìm cách xoi đường vượt qua khu vực Bu Róa, hướng về phía ngã ba biên giới (Trois Fonfiere) đồng thời lúc này đội cũng phải tập trung củng cố cơ sở vùng mới được xây dựng đang bị tác động mạnh do hoạt động của địch sau vụ bon Bu Bơ Đắk Nông xảy ra.

Cuối tháng 9-1960, Đội II được Ban Lãnh đạo B.4 triệu tập về căn cứ học tập, bàn kế hoạch khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ xoi mở đường. Sau khi nắm tình hình, đội đề nghị Ban Lãnh đạo B.4 báo về Liên khu, để Liên khu trao đổi với phía Nam Bộ xin hẹn địa điểm hai bên gặp nhau bằng ám tín hiệu. Ám tín hiệu là bên đến sau nhặt hai khúc gỗ ba gang đặt chéo hình chữ “X”, trên có phủ một cành lá tươi. Bên nào đến địa điểm trước thì đặt ám tín hiệu, bên đến sau nhặt 2 khúc cây gõ, bên đến trước gõ trả lời “tổng hai bên gõ bằng năm”; mật khẩu: hỏi “Thủy”, đáp “Thổ”, đúng rồi thì gọi tên nhau, anh em phía Nam gọi tên đội trưởng phía Bắc là “Ấm”.

Cuối tháng 10 năm 1960, sau khi nhận được điện thông báo của lãnh đạo phía Nam “nhất trí nội dung bức điện của Đội II (B90)” và “hẹn gặp nhau vào 20 giờ ngày 4 tháng 11 năm 1960”, các đồng chí Phùng Đình Ấm, Nguyễn Đình Kính, Nguyễn Văn Quai và Ama Sa cấp tốc lên đường đến địa điểm hẹn. Từ nương rẫy buôn Bu Ng’Lao, các anh thận trọng tiếp cận cây số 4 đường 14 (đoạn Đăk Song đi Gia Nghĩa) trước 18 giờ để vừa triển khai đội hình bảo vệ, vừa cho người đặt các vật làm ám tín hiệu.

Hơn 19 giờ ngày 4 tháng 11 năm 1960, dưới ánh trăng mờ đầu tuần trong không gian tĩnh lặng, trên gò cao taluy đường 14, các chiến sĩ Đội II (B90) phát hiện ba bóng người di chuyển hình chữ chi, từ từ đến gần trụ cây số 4. Gặp các vật làm ám tín hiệu, một người ngồi xuống cảnh giác lần sờ kiểm tra xung quanh rồi mạnh bạo nhặt hai khúc cây đặt chéo lên gõ ba cái. Đội trưởng Phùng Đình Ấm khấp khởi mừng cầm hai thanh gỗ gõ hai cái (cộng bằng 5). Phía Nam hỏi Thuỷ, phía Bắc đáp Thổ. Tiếp theo là tên người phụ trách phía Bắc “Ấm”, phía Nam “Hùng” được xướng lên như quy định. Vậy là đúng rồi! Cả Đội II (B90) gồm Phùng Đình Ấm, Bảy Kính, Nguyễn Văn Quai, Ama Sa...; Đội C270 (miền Đông Nam Bộ) gồm Hai Hùng (Hùng Mắt Kiếng), Chín Châu, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Bé, Đoàn Công Chiến ùa ra mặt đường, ôm chặt lấy nhau trong niềm vui khôn tả.

Như vậy, sau gần một năm vừa phát triển, gây dựng cơ sở quần chúng, vừa xoi mở đường, đến tháng 11-1960, Đoàn B90 (hướng Đông và hướng Tây), C200, C270 phía Nam đã hoàn thành nhiệm vụ, khai thông đường hành lang chiến lược – đường Hồ Chí Minh từ Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chiến lược, chấm dứt thời kỳ chiến trường bị chia cắt, nối liền Liên Khu V với miền Đông Nam Bộ, nối liền tiền phương miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa; mở ra một vùng rộng lớn trở thành căn cứ địa kháng chiến. Việc hai cánh phía Nam và phía Bắc ráp liên lạc được với nhau ở vùng này chẳng những làm cơ sở mở rộng đường hành lang chiến lược Nam - Bắc mà còn mở ra cho phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc ở đây một trang sử mới. Đây là thắng lợi to lớn đạt được yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, Đảng và quân đội ta đã đặt ra và trải qua bao hy sinh xương máu chưa đạt được nay được ghi vào truyền thống của Đoàn B90, C200, C270 như một nét son sáng chói, rất đáng tự hào, góp phần khai thông đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, đưa cách mạng miền Nam nói chung, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ nói riêng chuyển sang một giai đoạn mới.

Từ khi đường hành lang chiến lược Bắc – Nam được khai thông, quyết tâm của Trung ương là phải đảm bảo nhanh chóng, bí mật, an toàn trên chiều dài khoảng 200 km từ phía bắc tỉnh Quảng Đức vào tỉnh Phước Long; đảm bảo bí mật và an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao từ Trung ương vào miền Nam hoạt động và chiến đấu. Chỉ trong một thời gian ngắn, một khối lượng hàng hoá tương đối lớn do Trung ương chi viện tập kết tại nhiều kho (chân hàng) ở Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) đã được nhanh chóng vận chuyển vào Nam Tây Nguyên - Đông Nam Bộ, trong đó có nhiều loại hàng tối cần thiết như máy truyền tin, đài phát thanh, thuốc men, dụng cụ y tế... Ngoài khối lượng hàng hoá vận chuyển trên tuyến ngày một lớn, lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến hành lang đoạn Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ trong đó có tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) còn tổ chức đưa đón, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn cán bộ cấp cao của ta từ miền Bắc vào, như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (về Nam Bộ giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam), đưa đón các đoàn của đồng chí Võ Chí Công (Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam), Trần Chí Cương ( Bí thư Khu uỷ Khu 5), Trần Nam Trung (Uỷ viên Thường vụ Trung ương Cục), Trần Lê (Bí thư Khu uỷ Khu 6), các đồng chí tướng lĩnh Trần Văn Quang, Nguyễn Minh Châu, Đồng Văn Cống... Ban hành lang Quảng Đức đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ dẫn đường, cung cấp, chi viện lương thực, thực phẩm tiếp tục tiến vào miền Nam thành lập chủ lực Miền, tạo điều kiện thuận lợi để đưa sức người sức của từ hầu phương lớn miền Bắc vào giải phóng miền Nam.

Khai thông đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, phong trào cách mạng ở Tây Nguyên nói riêng và miền Nam nói chung phát triển hết sức thuận lợi, bước vào giai đoạn lịch sử mới của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đây là thành công vô cùng to lớn, tuyến đường hành lang đã trở thành con đường huyết mạch chiến lược trọng yếu cho cách mạng cả nước nói chung, Quảng Đức nói riêng, là một bộ phận quan trọng cho các cơ quan chính quyền cách mạng hoạt động và chiến đấu, có vai trò thiết yếu trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vận chuyển sức người sức của từ miền Bắc vào miền Nam, tạo sức mạnh to lớn để đi đến thắng lợi trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

*       *

*

Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy tinh thần chống ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước; giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; Để giáo dục, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, tỉnh Đắk Nông hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày khai thông đường hành lang chiến lược Bắc – Nam đoạn Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ (30/10/1960-30/10/2015) với quy mô cấp tỉnh, góp phần khẳng định vị thế và ý nghĩa lớn lao của sự kiện lịch sử này.


[1] Quân số của Đội C200 lúc đầu có 17 đồng chí: Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Trọng Tâm, Đỗ Giáp Xuân, Nguyễn Thanh Tâm, Huỳnh Văn Cột, Hồ Minh Tư, Giang Thanh Trà, Lê Minh Trí, Nguyễn Văn Minh, Phan Thanh Bon, Trần Văn Thanh, Trần Văn Thành, Ngô Văn Cang, Cao Văn Tươi, Phan Văn Niềm, Nguyễn Văn Lai, Hoàng Văn Chướng. Dẫn theo Mở đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.43-44.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 55 năm Ngày khai thông đường hành lang chiến lược Bắc – Nam đoạn Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ (30/10/1960-30/10/2015)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO