“Mặt trận thứ hai là ở ngay trong lòng nước Mỹ!”

TS Trần Xuân Thảo| 30/04/2019 10:37

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Nhân dân Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ở ngay tại nước Mỹ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Mặt trận thứ nhất chống đế quốc Mỹ là ở Việt Nam, mặt trận thứ hai là ở ngay trong lòng nước Mỹ”. Một trong những lực lượng trong phong trào này phải kể đến là những người lính và các cựu chiến binh (CCB) Mỹ lúc bấy giờ.

ADQuảng cáo

Ngày 12/10/1968, tại Vịnh San Francisco, bà Susan Schnall đội mũ và mặc quân phục y tá hải quân dẫn đầu một cuộc diễu hành phản chiến vì hòa bình. Ảnh tư liệu

Xuất bản các tờ báo phản chiến

Một trong những hình thức đấu tranh đầu tiên của những người lính và CCB Mỹ là cho xuất bản các tờ báo phản chiến. Theo thống kê từ năm 1968 đến năm 1972, đã có hơn 300 tờ báo phản chiến ra đời ở Mỹ. Những tờ báo này đã thay cho lời nói của hàng trăm nghìn binh sĩ phản đối chiến tranh, phản đối những bất công và phân biệt trong quân đội Mỹ với nhiều nội dung và hình thức khác nhau. Tờ FTA với nhiều hình ảnh biếm họa, đả kích bộ máy chỉ huy của quân đội Mỹ. Tờ The Ally đăng tải các tin tức về cuộc chiến và phong trào phản chiến cũng như các lá thư phản chiến của lính Mỹ được trực tiếp gửi về từ chiến trường Việt Nam. Tờ Rage do những lính thủy đánh bộ xuất bản đến giữa năm 1974 với tổng cộng 18 số báo.

Các tờ báo đã được phân phát sâu rộng trong hàng ngũ binh lính không chỉ ở Mỹ, ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Nhờ đó, binh lính Mỹ đóng tại khắp nơi trên thế giới có thể tiếp xúc được với các thông điệp chống chiến tranh và từ đó có những hành động phản kháng một cách thống nhất và mạnh mẽ hơn. Khi tham gia vào hoạt động xuất bản các tờ báo phản chiến, những người lính và các CCB Mỹ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Điển hình như trường hợp của binh sĩ Andy Stapp-chủ bút của tờ báo The Bond đã bị buộc tội phản quốc, kháng quân lệnh và không trung thành, phải giải ngũ sớm.

Lập các quán cà phê phản chiến

Bà Susan Schnall (bên trái) trao tặng chiếc mũ hải quân từng sử dụng trong sự kiện ngày 12/10/1968 cho Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, tại New York năm 2018

Một hình thức phản chiến khác của những người lính và CCB Mỹ là thành lập các quán cà phê phản chiến, với mục đích để các binh sĩ có địa điểm, không gian hội họp, sinh hoạt văn hóa và xuất bản các tờ báo phản chiến. Tính đến năm 1971, có khoảng 32 quán cà phê phản chiến và trung tâm hỗ trợ họ trên khắp nước Mỹ. Trong đó, quán cà phê The UFO là quán đầu tiên được mở cửa vào tháng 1/1968 bởi binh sĩ Fred Gardner, nằm gần Fort Jackson-cơ sở huấn luyện cơ bản lớn nhất của quân đội Mỹ. The UFO đã thu hút hàng trăm binh lính tham gia và truyền cảm hứng cho sự lan rộng của nhiều quán cà phê phản chiến khác trên khắp nước Mỹ.

Bà Jane Fonda - nữ diễn viên Mỹ nổi tiếng đi tiên phong trong phong trào phản chiến là người thường xuyên có mặt tại các quán cà phê phản chiến để lắng nghe những câu chuyện của các binh sĩ. Trong hoạt động thành lập các quán cà phê phản chiến, nhiều quán cà phê đã bị ép phải đóng cửa và nếu họ không chấp hành có thể sẽ bị đánh bom như quán cà phê Fort Dix ở New Jersey.

Nhiều lính Mỹ đã dũng cảm phản chiến bằng hình thức công khai ký tên vào các tuyên bố kêu gọi phản chiến. Trong đó, tuyên bố quan trọng nhất là tuyên bố có chữ ký của 1.366 lính Mỹ tại ngũ được đăng trên tờ The New York Times ngày 9/11/1969, kêu gọi độc giả tham gia vào buổi tuần hành ở Washington đòi đình chiến. Tuyên bố này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, hàng trăm ngàn người đã xuống đường để tham gia vào cuộc tuần hành một tuần sau đó.  

Đối thoại "Ghi nhớ quá khứ và xây dựng tương lai” tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ngày 20/3/2018

Tổ chức các cuộc diễu hành và biểu tình

Phong trào phản chiến của những người lính và CCB Mỹ không chỉ dừng lại ở những hoạt động mang tính chất kêu gọi, mà họ đã tiến hành nhiều hoạt động cụ thể hơn như tổ chức các cuộc diễu hành và biểu tình. Đặc biệt, từ đầu năm 1968, binh sĩ và các CCB Mỹ đã trở thành lực lượng đi đầu trong mọi cuộc biểu tình lớn trên khắp nước Mỹ. Nữ y tá hải quân Susan Schnall là người dẫn đầu cuộc diễu hành tại San Francisco vào ngày 12/10/1968. Cũng trong ngày này, bà đã gây ra một sự kiện chấn động dư luận Mỹ lúc bấy giờ, đó là cùng một người bạn là phi công thuê một chiếc máy bay trực thăng, trên đó có chất nhiều truyền đơn phản chiến. Từ trên máy bay, bà đã rải truyền đơn xuống các căn cứ quân sự vùng Vịnh San Francisco, tàu sân bay USS Enterprise, và bệnh viện Hải quân Oak Knoll – nơi bà làm việc.

Cũng vì hành động đó, tháng 2/1969, bà bị tòa án binh kết án 6 tháng tù giam và sa thải khỏi quân đội. Hiện nay, bà Susan Schnall là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP) thành phố New York; đồng thời là đồng điều phối viên của Chương trình vận động cứu trợ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam; thành viên của Hội Cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh (VVAW).

Một trong những cuộc biểu tình nổi bật khác là cuộc biểu tình của 800 CCB Mỹ thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh vào ngày 23/4/1971 tại thủ đô Washington. Các CCB đã ném các huân chương lên bậc thềm của Tòa nhà Quốc hội nhằm phản đối cuộc chiến và công khai bày tỏ sự hổ thẹn khi được trao huân chương từ việc tham gia vào cuộc chiến mà họ cho là phi nghĩa.

ADQuảng cáo

Cuộc gặp gỡ giữa CCB vì hòa bình của Mỹ và CCB Việt Nam tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh,  tháng 3/2018

Từ chối tham chiến

Tinh thần chính nghĩa, phản đối chiến tranh của binh lính Mỹ còn thể hiện qua các hoạt động từ chối tham chiến, với biểu hiện đầu tiên là đào ngũ. Theo thống kê năm 1971, tỉ lệ đào ngũ và vắng mặt không phép đã lên đến 17% - mức cao nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ. Hàng vạn lính Mỹ và những người được gọi nhập ngũ đã đào ngũ sang Canada, Thuỵ Điển và nhiều quốc gia khác.

Trường hợp như ông Mike Wong, sau khi nghe sự thật về việc lính Mỹ giết phụ nữ và trẻ em trong vụ thảm sát Mỹ Lai, ông đã chọn đào ngũ sang Canada. Ông nói rằng đi Canada là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời ông, vì phải từ bỏ gia đình, đất nước, bạn bè, sống cuộc sống của một người lưu vong, một tên tội phạm bị FBI truy nã. Thế nhưng ông thà như thế còn hơn là đến Việt Nam tham chiến.

Những người lính Mỹ còn tại ngũ thì chọn hình thức đấu tranh là kháng lệnh điều động sang Việt Nam. Ba lính Mỹ đầu tiên kháng lệnh điều động sang Việt Nam tham chiến là nhóm Fort Hood Three gồm: JJ Johnson, Dennis Mora, David Samas. Nhóm này đã tổ chức họp báo vào ngày 30/6/1966 và tuyên bố “Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa, vô nhân đạo và phi pháp này. Chúng tôi không muốn liên quan gì đến một cuộc chiến tranh diệt chủng”. Nhóm Fort Hood Three đã bị bắt bỏ tù 2 năm vì kháng lệnh.

 Đối với lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ, phải kể đến phong trào kháng lệnh mang tên “SOS” (Hãy cứu thủy thủ của chúng ta) vào năm 1971, khi hàng trăm binh sĩ đã tiến hành bỏ phiếu về việc từ chối sang Việt Nam để tham chiến.  

Những binh sĩ đang trực tiếp tham chiến tại Việt Nam thì chọn hình thức đấu tranh là từ chối ra trận. Tháng 1/1965, Trung úy Richard Steinke trở thành quân nhân Mỹ đầu tiên từ chối ra trận sau khi đến Việt Nam. Trong khi đó, trang bìa tờ Daily News vào ngày 26/8/1969 đang tăng tải sự kiện về 60 lính Mỹ còn sống sót của một đại đội đã thẳng thừng từ chối tham gia một nhiệm vụ nguy hiểm-đánh dấu trường hợp bất tuân lệnh hàng loạt đầu tiên của lính Mỹ tại Việt Nam.

Những người lính Mỹ còn mạo hiểm, bất chấp rủi ro để lật tẩy sự dối trá và tội ác của Mỹ trong cuộc chiến tranh, nhờ đó đã giúp cho nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới biết được thực chất về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ đang tiến hành tại Việt Nam. Trong đó, phải kể đến hành động của Trung úy Donald W. Duncan-một lính “Mũ nồi xanh” được trao rất nhiều huân chương nhưng đã trở thành một trong những binh sĩ Mỹ đầu tiên công khai vạch trần tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông chỉ ra rằng: “Tất cả mọi thứ đều là dối trá. Chúng ta có bảo vệ tự do ở miền Nam Việt Nam đâu. Có tự do đâu mà bảo vệ. Lên tiếng phản đối chính quyền có nghĩa là sẽ bị tù hoặc chết… Chúng ta không mang dân chủ tới Việt Nam – mà là mang tư tưởng chống phá cách mạng”.

Phi công trực thăng Hugh Thompson đã hạ cánh nhiều lần giúp đỡ hơn 10 thường dân Việt Nam thoát khỏi vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968. Còn ông Robert P. Chenoweth – người đã bị bắt và giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò vào năm 1968 thì nói: “Phần lớn các tù nhân chiến tranh ăn mừng ngày họ được phóng thích. Nhưng tôi lại ăn mừng ngày bị bắt… Đó là ngày tôi bắt đầu hiểu về một chủng tộc khác”. Và “Tôi biết rằng chẳng có hiểm nguy nào từ phía những người đang bắt giữ bọn tôi. Điều tôi lo lắng nhất là bọn tôi sẽ được đón tiếp như thế nào tại quê nhà khi được phóng thích”.

Nổi bật nhất trong hoạt động lật tẩy cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam chính là hoạt động tố cáo về tội ác của lính Mỹ trong thảm sát Mỹ Lai của CCB Ron Ridehour. Chính ông đã tập hợp và cung cấp các thông tin về vụ thảm sát Mỹ Lai cho nhà báo Seymour Hersh. Sau đó, nhà báo này đã tiếp tục dùng những hình ảnh của phóng viên Ronald Haeberle đã chụp được các bức ảnh về vụ thảm sát để minh họa cho bài tường thuật của mình. Nhờ vậy, vụ thảm sát Mỹ Lai đã được dư luận biết đến.

Ba người Mỹ từng tham gia phản chiến (nhân vật trong bài), từ trái qua: JJ Johnson, Susan Schnall, Mike Wong tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, tháng 3/2018

Làn sóng vì hòa bình vẫn tiếp tục

Cho đến nay, chiến tranh đã kết thúc 44 năm, nhưng làn sóng vì hòa bình của các CCB Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam vẫn tiếp tục qua những hoạt động nhân đạo và bù đắp những thiệt hại do cuộc chiến của Mỹ gây ra ở Việt Nam. Họ đã cùng chung tay với Việt Nam trong công cuộc tìm kiếm binh sĩ mất tích, rà phá bom đạn chưa nổ, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam…

Một cuộc triển lãm về những người lính và CCB Mỹ phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam đã được Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP) của Mỹ thực hiện vào tháng 3/2018 và sẽ được tiếp tục bổ sung trưng bày vào tháng 9/2019. Triển lãm trình bày các hình ảnh và tư liệu từ kho lưu trữ tư liệu báo chí của lính Mỹ của Hiệp hội Lịch sử Wisconsin (Wisconsin Historical Society) lần đầu tiên công bố ở Việt Nam. Qua đó, người dân Việt Nam và du khách quốc tế hiểu thêm về các hình thức đấu tranh, các hoạt động phản chiến của những người lính và CCB Mỹ phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Một cuộc đối thoại chủ đề "Ghi nhớ quá khứ và xây dựng tương lai” cũng đã được tổ chức tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh vào ngày 20/3/2018, với gần 100 CCB, cựu tù chính trị Việt Nam và CCB vì hòa bình Mỹ tham dự. Cuộc đối thoại không chỉ là tiếng nói của các nhân chứng lịch sử ở cả 2 phía, mà còn là cơ hội giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các nhà hoạt động hòa bình tiến bộ; là sự xúc động, cảm thông của CCB và người dân hai nước gắn với hòa giải, hàn gắn, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần thúc đẩy và phát triển quan hệ, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Mỹ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mặt trận thứ hai là ở ngay trong lòng nước Mỹ!”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO