Mốc son đáng nhớ

Hoàng Thanh| 25/03/2019 10:40

44 năm đã trôi qua, chiến công giải phóng thị xã Gia Nghĩa (23/3/1975) luôn là mốc son đáng nhớ trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc, là dấu ấn quan trọng của quá trình hình thành và phát triển của thị xã Gia Nghĩa ngày nay.

Nhân dân Quảng Đức cùng bộ đội kéo pháo vào trận địa (tháng 3/1975). Ảnh tư liệu

Sau khi bộ đội ta tấn công, giải phóng Đức Lập, Kiến Đức (ngày 9/3), Buôn Ma Thuột (ngày 10/3), quân địch thất thủ ở các nơi tháo chạy về Gia Nghĩa, tạo nên sự rối loạn nơi đây. Hệ thống phòng ngự của địch ở phía Bắc và Tây thị xã Gia Nghĩa hầu như tê liệt. Chớp thời cơ, bộ đội ta quyết định tiến công giải phóng Gia Nghĩa, đồng thời chặn đánh quân địch rút chạy từ Buôn Ma Thuột qua Gia Nghĩa về Lâm Đồng.

Ngày 22/3/1975, Trung đoàn 271 chủ lực Miền nổ súng tiến công Gia Nghĩa, đánh chiếm tiểu khu, sân bay, tòa tỉnh trưởng, ty cảnh sát, căn cứ đoàn bảo an và các cứ điểm quân sự khác. Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đức vội vã lên máy bay bỏ chạy về Sài Gòn. Bộ đội địa phương và du kích huyện Khiêm Đức tiến vào hỗ trợ bộ đội chủ lực tiếp quản Gia Nghĩa, đánh địch rút chạy trên đường số 8 tại khu vực Hàng No, Kinh Đạ, thu 4 xe bọc thép, 6 khẩu pháo 105mm và hàng chục xe quân sự.

5 giờ sáng 23/3/1975, thị xã Gia Nghĩa hoàn toàn giải phóng. Chiều ngày 26/3/1975, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa để chào mừng chiến thắng và chào mừng sự ra mắt của Ủy ban Quân quản thị xã. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch trên một chiến trường rộng lớn, mở đầu cho sự sụp đổ dây chuyền và thất bại thảm hại của toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai miền Nam và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau 44 năm thị xã Gia Nghĩa đã có nhiều bước phát triển. Ảnh: Ngọc Tâm

Ông Lê Trúc Phương, ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa), nguyên Bí thư Huyện ủy Ðắk Nông (cũ), nguyên Ủy viên Thư ký của Ủy ban Quân quản Gia Nghĩa cho biết: “Trước khi rút chạy, quân địch đã phá hủy nhiều công trình dân dụng như nhà máy phát điện, công trình cấp nước, giao thông… gây khó khăn cho người dân. Nguy hiểm hơn, chúng còn phao tin trong dân chúng rằng sau khi chiếm được Gia Nghĩa “cộng sản” sẽ trả thù. Vì vậy, người dân rất hoang mang, nên trước khi các lực lượng vũ trang của ta tiến vào giải phóng Gia Nghĩa, một số người đã bỏ chạy theo đám tàn quân địch”.

Ông Trần Chi, ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho biết: “Ngày Gia Nghĩa được giải phóng tôi mới chỉ hơn 10 tuổi. Lúc đó lộn xộn lắm, tôi chỉ nhớ, khi hay tin chiến sự diễn ra, gia đình tôi dắt díu nhau chạy loạn. Từ Gia Nghĩa gia đình tôi di chuyển về hướng Lâm Đồng, khi tới Quảng Khê thì có rất nhiều tàn quân cũng đã chạy về đây. Một số máy bay lên thẳng đã quần lượn để bốc lính đi. Sỹ quan và binh lính đứng bao quanh nơi trực thăng hạ cánh không cho dân chúng leo lên. Gia đình tôi mất hơn 1 tuần mới tới được Lâm Đồng, mãi gần 1 tháng sau mới quay lại Gia Nghĩa”.

Cũng theo ông Lê Trúc Phương, sau ngày giải phóng, nhiệm vụ đầu tiên của Ủy ban Quân quản Gia Nghĩa là tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ chính sách của Ðảng và Nhà nước ta, nhất là chính sách khoan hồng đối với binh lính địch. Bên cạnh đó, các lực lượng vũ trang cũng giúp khắc phục một số công trình mà địch đã phá trước đó, nhất là nhà máy điện để người dân sinh hoạt. Các lực lượng cách mạng đã kêu gọi bà con trở về nhà ổn định cuộc sống. Vì vậy, đầu tháng 4/1975 các hộ dân đi lánh nạn trước đó hầu hết đều đã quay về, trong số đó có nhiều binh lính và sĩ quan chính quyền cũ”.

Sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khắc phục khó khăn giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng Gia Nghĩa trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa riêng của vùng Nam Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mốc son đáng nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO