Mong tìm được phần mộ đồng đội, để có nơi yên nghỉ đàng hoàng

Hoàng Hoài - Thanh Bình| 26/07/2019 10:13

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ông Lê Trúc Phương ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) luôn mang trong lòng nỗi day dứt, trăn trở không thể nào quên về sự hy sinh của đồng đội, mãi đến bây giờ vẫn chưa tìm được hài cốt, chưa có nơi yên nghỉ đàng hoàng.

ADQuảng cáo

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Phương là cán bộ hoạt động trên tuyến Đường hành lang chiến lược Bắc Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông. Chiến tranh gian khổ, hiểm nguy rình rập, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, nhưng khi trực tiếp chứng kiến sự hy sinh của đồng chí, đồng đội, ông Phương không khỏi ngậm ngùi. Ông càng day dứt, trăn trở hơn, khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất ngày càng phát triển nhưng không ít hài cốt, mộ phần của đồng đội vẫn chưa được tìm thấy.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và tặng quà gia đình ông Lê Trúc Phương. Ảnh: Thanh Bình

Theo ông Phương kể lại, vào khoảng tháng 8/1963, Tây Nguyên thời điểm đó là mùa mưa, nước sông chảy xiết, các chiến sĩ giao liên thường phải vượt sông Sêrêpốk bằng phao cá nhân để đón bộ đội chi viện cho chiến trường miền Nam. Bọn địch biết các chiến sĩ giao liên, bộ đội ta phải vượt sông này, nên chúng bố trí một trung đội thường xuyên tuần tiễu để phát hiện và tập kích gây thương vong cho ta. Vì vậy, các chiến sĩ giao liên phải khôn khéo, thực hiện phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, thường xuyên thay đổi địa điểm vượt sông, thống nhất ám hiệu để liên lạc, tổ chức đón khách, đưa các đoàn cán bộ, chiến sĩ, các thùng vũ khí, công văn tài liệu đến nơi một cách an toàn.

ADQuảng cáo

Khoảng 7 giờ tối ngày 20/8/1963, Tổ trực giao liên đầu mối C20 và C10 gồm có ông Phương, ông Y Khanh, ông Y B’lớ có nhiệm vụ đến bờ sông Sêrêpốk đón một đơn vị bộ đội gồm 90 cán bộ, chiến sĩ và nhận 6 thùng đạn AK cùng nhiều công văn, tài liệu khác. Ông đưa đoàn cán bộ vượt sông an toàn và sáng hôm sau hành quân về trạm giao liên. Không may, lúc này một cán bộ trong đoàn bị sốt không thể hành quân được, ông Phương được phân công ở lại chăm sóc.

Ông Phương tâm sự: “Tối hôm đó, chúng tôi phải căng tăng, mắc võng nghỉ cạnh một con suối nhỏ. Sau đó, tôi rang gạo, hầm cháo rồi cho đồng chí cán bộ uống thuốc (hộp thuốc cá nhân được cấp phát cho mỗi cán bộ, chiến sĩ khi vào Nam). Đến khuya, đồng chí cán bộ ho ra máu và qua đời. Do lúng túng, bất ngờ, nên tôi đã phải cấp tốc báo về cho đơn vị ra tổ chức an táng cho đồng chí”. Trước khi hỏa tốc về đơn vị, ông Phương đã đốt thêm 2 đống lửa, căng thêm tăng nylon, mắc màn để hổ không vào lôi xác đồng đội. Ngay tối hôm đó, ông cùng những anh em khác đã chôn cất xong cho đồng đội của mình.

Cũng theo ông Phương, qua các cuộc nói chuyện ngắn ngủi với đồng đội trước lúc mất, ông biết được người cán bộ ấy tên Nguyễn Văn An, quê ở miền Nam và năm 1954 tập kết ra Bắc, nguyên là lái xe cho Thiếu tướng Tô Ký, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 338. Đến năm 1963, đồng chí An được biên chế vào một đại đội pháo binh tăng cường vào miền Nam để xây dựng và phát triển lực lượng pháo binh quân giải phóng miền Nam. Nơi đồng chí An hy sinh ngày nay thuộc khu vực huyện Cư Jút.

“Nhiều năm trôi qua, mộ của đồng chí An, tôi không còn nhớ rõ, vì ngày xưa rừng núi hoang vu, nay đã thay đổi nhiều. Đó cũng chính là điều làm tôi day dứt mãi. Tôi chỉ mong sao, các cơ quan chức năng sẽ tìm được phần mộ của đồng chí An để đưa hài cốt về với gia đình, người thân, có nơi yên nghỉ đàng hoàng”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong tìm được phần mộ đồng đội, để có nơi yên nghỉ đàng hoàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO