Ngành Tuyên giáo thể hiện vai trò tham gia triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân

Hoàng Hoài| 29/05/2019 16:36

Ngày 29/5, Đoàn công tác Trung ương do đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ dẫn đầu đã khảo sát kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW, ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân” tại tỉnh Đắk Nông.

Video clip:

Các đồng chí: Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Trung Ký, UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, cùng các cơ quan, ban ngành liên quan tiếp và làm việc với Đoàn.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ Hoàng Thị Hạnh đánh giá cao những kết quả Đắk Nông đạt được trong triển khai thực hiện Quyết định số 221

Theo báo cáo, sau 10 năm triển khai thực hiện, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về tầm quan trọng, ý nghĩa của Quyết định số 221 được nâng lên, thể hiện rõ vai trò, vị trí ngành Tuyên giáo trong việc tham gia cùng các cấp chính quyền triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, góp phần tích cực giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân, bảo đảm an ninh, trật tự, thúc đẩy địa phương phát triển. Các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục pháp luật được duy trì, tuyên truyền thường xuyên thông qua các hình thức như xây dựng hướng dẫn, tài liệu, hội nghị báo cáo viên, định hướng nội dung, cung cấp thông tin cho báo chí truyền thông…Công tác nắm bắt dư luận xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân được chú trọng.

Đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp tổ chức 21 cuộc điều tra xã hội học chuyên đề tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc, dư luận quan tâm như xây dựng nông thôn mới, chính sách dân tộc, kinh tế, xã hội, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công giáo dục tiểu học và đất đai…

Sau điều tra, những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở được kịp thời báo cáo và kiến nghị, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan khẩn trương giải quyết. Việc cung cấp những nội dung chính của các dự án, đề án có tác động trực tiếp đến tư tưởng, đời sống người dân để phối hợp định hướng thông tin từng bước được chú trọng. Công tác đấu tranh, phản bác thông tin quan điểm sai trái trên không gian mạng cho cán bộ, đảng viên được quan tâm…

Đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm triển khai hiệu quả các nội dung yêu cầu theo tinh thần Quyết định 221

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định số 221 vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, công tác phối hợp xây dựng quy chế, chương trình hoạt động chưa kịp thời, còn lúng túng. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đôi lúc chưa rõ nét. Việc xác định quy mô của những đề án, dự án lớn, nhạy cảm, vụ việc liên quan đến bức xúc của người dân cần vào cuộc của ban tuyên giáo chưa có tiêu chí cụ thể…

Tại buổi làm việc, tỉnh kiến nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu Ban Bí thư chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung Quy chế cho phù hợp với thực tiễn triển khai ở địa phương. Ban Bí thư chỉ đạo sửa đổi, bổ sung nội dung hướng dẫn hoặc quy định về dự toán kinh phí thực hiện vào quy chế. Ban cán sự đảng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND các cấp trước khi triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động lớn đến người dân bắt buộc phải tiến hành khảo sát xã hội học theo Kết luận số 100 ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội…

Đồng chí Hà Trung Ký, UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 221 trên địa bàn Đắk Nông

Phát biểu làm việc, đồng chí Hoàng Thị Hạnh đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Đắk Nông đã đạt được trong 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 221 của Ban Bí thư, nhất là trong điều tra dư luận xã hội, đấu tranh phản bác trên không gian mạng…Tuy nhiên, ngoài việc tỉnh tổng kết, đánh giá, các huyện, thị xã cũng cần đánh giá, nhìn nhận lại công tác phối hợp ở cấp mình để xem xét, làm rõ những bất cập, hạn chế để có giải pháp thực hiện hiệu quả hơn. Hàng năm, tỉnh cũng cần đưa ra chương trình phối hợp hoạt động cụ thể và sơ kết hoạt động để rút kinh nghiệm thực tế nhằm đưa Quyết định số 221 đi vào thực tiễn. Ban tuyên giáo và UBND các cấp cần dựa vào thực tế, những yêu cầu đề ra trong Quyết định 221 đối với mỗi đơn vị để có sự chủ động trong công tác phối hợp hoạt động triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Tuyên giáo thể hiện vai trò tham gia triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO