Nghẹn ngào nước mắt bên mộ đồng đội !

Hoàng Hoài| 02/11/2017 09:22

Trong dịp về dự Lễ tưởng niệm và đặt Bia tưởng niệm ghi danh cán bộ, chiến sĩ chiến đấu, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông do tỉnh tổ chức mới đây, những người lính từng tham gia xoi mở đường cũng như từng chiến đấu trên vùng đất này đều đong đầy nhiều cảm xúc khi thăm lại chiến trường xưa. Trong những cựu chiến binh ấy, ông Võ Hữu Sỹ, quê ở Long An đã dừng lại thật lâu trước một ngôi mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và nhiều lần dùng tay lau đi dòng nước mắt chực tuôn nghẹn ngào.

ADQuảng cáo

Gặp lại đồng đội ngay tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông, ông Võ Hữu Sỹ ngậm ngùi, nghẹn ngào rơi nước mắt

Nói chuyện với ông, chúng tôi được biết, ông may mắn đã về thăm lại chiến trường Quảng Đức (cũ) vài lần rồi và cũng đã đến thắp hương, viếng các liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Thế nhưng, lần nào ra về, ông đều mang tâm trạng day dứt, khắc khoải không yên. Hiện nay, do tuổi cao, ông không còn nhớ rõ lắm về những trận đánh đã trải qua, mốc thời gian thế nào, nhưng ông lại nhớ mặt, nhớ tên từng đồng đội, đồng chí đã hy sinh. Và may mắn, trong lần viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh lần này, khi thắp nén hương cho các liệt sĩ, ông đã tìm được mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Chia, quê huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cùng huyện với ông, chỉ khác xã mà thôi.

Ngồi bần thần trước ngôi mộ của đồng đội, đồng hương, ông Sỹ nghẹn ngào, rơi nước mắt, những kỷ niệm xưa lại ùa về. Ông Sỹ kể, ngày ấy, chiến tranh bom đạn ác liệt, đất nước tang thương, hy sinh là điều đã nằm trong tầm tay và có buồn đấy, nhưng vì lý tưởng, vì đất nước, các ông đều nuốt nỗi đau mất mát vào trong. Và khi một đồng đội hy sinh cũng chính là một tấc da, tấc thịt trên người ông như bị mất. Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, ông là một trong số những người may mắn đã bình an trở về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, còn một số bạn bè, đồng đội thì vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Người nhà ông thì mừng khôn xiết khi gặp lại con cháu mình, nhưng có những nhà bên cạnh thì đau thương, mòn mỏi, ngóng trông.

ADQuảng cáo

Ông Sỹ cho biết: “Ngày xưa, nhà nào con cũng đông, nhưng dù đông bao nhiêu thì khi mất đi một người con là cả một nỗi đau lớn. Vì vậy, mỗi khi có dịp lên Đắk Nông, tôi đều cố gắng tìm lại những đồng đội của mình, nhất là anh em trong đơn vị, cùng quê hương để thông báo cho gia đình lên thăm, thắp nén nhang, ấm lòng người đã ngã xuống. Lần này, không biết may rủi thế nào, tôi lại tìm được đồng đội”.

Mượn cây bút của chúng tôi, ông ghi thông tin của liệt sĩ Nguyễn Văn Chia vào tờ giấy, gấp lại cẩn thận để đưa về cho gia đình thân nhân liệt sĩ.

Ông Sỹ tâm sự: “Anh em hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, hiến dâng cuộc sống cho quê hương, đất nước. Bổn phận tôi phải viết địa chỉ này về cho gia đình của anh Chia, một phần để họ biết được thông tin con mình hy sinh ra sao, đang ở đâu, phần cũng mong chính quyền địa phương ghi nhận công lao, có sự hỗ trợ thích đáng cho gia đình thân nhân liệt sĩ. Dẫu biết chiến tranh, hy sinh là chuyện không tránh khỏi, gia đình các anh cũng không mong được đền đáp, nhưng tôi vẫn muốn làm một việc gì đó để đồng đội được yên nghỉ”.

Chia tay đồng đội mới gặp lại trong chốc lát, ông lặng lẽ theo đoàn đến địa điểm tham dự Lễ tưởng niệm. Vừa đi, ông vừa lau nước mắt, thỉnh thoảng lại ngoảnh lại phía sau, vì chưa biết đến bao giờ mới được gặp lại, bởi ông tuổi cũng đã cao, không phải cứ muốn là đi được. Ông Sỹ hy vọng, Khu di tích tưởng niệm sớm được xây dựng để ngày ngày có nhiều người đến viếng thăm và trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền lửa yêu nước, nhiệt huyết tuổi thanh xuân cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghẹn ngào nước mắt bên mộ đồng đội !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO