Nguy hiểm “bệnh” lãng phí

Bình Minh| 20/07/2018 09:55

Sinh thời, Bác Hồ từng nói lãng phí cũng như tham nhũng, đều là kẻ thù của chúng ta. Cuộc đấu tranh chống lại những kẻ thù đó đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ; các cấp, các ngành, các địa phương và các đơn vị phải thấy đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mình, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Câu nói của Bác càng có ý nghĩa hơn khi mà thực tế hiện nay, “bệnh” lãng phí đang diễn ra ở mức đáng báo động.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thiện kết luận thanh tra việc cử đoàn đi nước ngoài giai đoạn 2012-2016 của 4 bộ ngành, 6 địa phương và đã trình cấp có thẩm quyền xem xét. Theo kết luận, trong giai đoạn 2012-2016, các Bộ Tài chính, Công thương, Thông tin-Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 20 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài. 6 tỉnh là Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang ban hành 22 kế hoạch tổ chức đoàn đi nước ngoài. Các đơn vị này đã cử trên 17.500 đoàn, gần 53.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.200 tỉ đồng. Trong đó, 4 bộ, ngành cử trên 14.600 đoàn, gần 42.000 lượt cán bộ và tổng kinh phí trên 1.000 tỉ đồng.

Theo kết quả thanh tra, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đoàn đi nước ngoài không nằm trong chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại được duyệt; còn nhiều đoàn đi với nội dung đi khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là kết hợp đi tham quan, du lịch; nhiều đoàn thuộc ngành y tế, giáo dục đi nước ngoài theo thư mời đài thọ của doanh nghiệp. Kết luận chỉ rõ, nhiều hồ sơ không có quyết định cho nghỉ phép hoặc đơn xin nghỉ không lương trong thời gian đi nước ngoài; một số trường hợp đi không có sự chấp thuận, về trễ thời gian nhưng không thấy xử lý...

Khu công nghiệp BMC – Đắk Nông được đầu tư năm 2006 với tổng số vốn hơn 61 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có hoạt động gì vì không có doanh nghiệp nào thuê đất.

Không chỉ lãng phí đối với các chuyến công tác nước ngoài mà từ nhiều năm nay, đầu tư công được là lĩnh vực gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng lớn nhất ở nước ta. Tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc; lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng; lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai; lãng phí trong quản lý tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp... Gần như ở địa phương, lĩnh vực nào cũng xảy ra tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước.

Qua phân tích kỹ lưỡng, có thể thấy, lãng phí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Tham nhũng dù sao cũng còn giữ lại tiền bạc, tài sản nằm trong túi của kẻ tham nhũng. Tài sản đó được sử dụng hoặc còn tồn tại để có thể thu hồi. Thế nhưng, lãng phí thì không, là vô phương kiểm soát và không thể thu hồi.

Điều đáng nói nữa là mặc dù luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có một cá nhân, một địa phương, một đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai trái, những chủ trương sai lầm dẫn tới những vụ việc lãng phí lớn, vẫn chưa có một vụ việc lãng phí nào được đưa ra xét xử, chưa có một ai bị xử lý về tội danh này. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017 của Chính phủ. Một vấn đề đáng nói, rất nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ngay cả báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 cũng không thực hiện.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới đây thì dự án Sào Khê (Ninh Bình) đã đội vốn tới 36 lần, từ 72 tỷ đồng ban đầu lên gần 2.600 tỷ đồng. Dù được phê duyệt và điều chỉnh tăng vốn rất lớn nhưng sau hơn 17 năm thi công từ năm 2001, dự án này vẫn dang dở gây lãng phí rất lớn đối với ngân sách nhà nước. Tình trạng bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định như Hòa Bình có 78 dự án; Yên Bái 61 dự án; Lâm Ðồng 37 dự án... Phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn của ngành, địa phương; nghiệm thu, thanh toán thừa so với thực tế thi công gồm: Bộ Giao thông - Vận tải 50,8 tỉ đồng; Lạng Sơn 41,9 tỉ đồng; Kiên Giang 17,7 tỉ đồng; Ðồng Nai 11,7 tỉ đồng… Cùng với đó, các dự án BT, BOT giao thông chưa được kiểm soát chặt chẽ; còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong xã hội.

Qua thực tế cho thấy, việc chống lãng phí hiệu quả của một tổ chức phụ thuộc vào phẩm chất của người đứng đầu. Các giải pháp cấp bách hiện nay là tăng cường thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về chống lãng phí; gắn kết thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, chống lãng phí hãy bắt đầu từ việc thay đổi tư duy và lối sống để góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử mới phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy hiểm “bệnh” lãng phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO