Nguyễn Hữu Thọ - một nhân cách cao đẹp

Hoài Anh (th)| 10/07/2020 09:53

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ sinh ra trên vùng đất Long An - quê hương của những anh hùng, hào kiệt. Phẩm chất, đạo đức, tài năng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã tạo nên ở ông một nhân cách cao đẹp, đáng kính.

Tấm gương một trí thức yêu nước nhiệt thành

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10/7/1910. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật hạng ưu tại Pháp, với tài năng và trí tuệ vượt trội, đồng chí được nhiều nơi mời làm việc. Thế nhưng ông không đi theo con đường công danh phú quý cho bản thân, với mong muốn đem kiến thức giúp dân, giúp nước, nhà trí thức Nguyễn Hữu Thọ đã trở về Tổ quốc, hoạt động luật sư và trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành một trí thức yêu nước ủng hộ chính quyền cách mạng. Sau khi thực dân Pháp trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia kháng chiến bằng nhiều hình thức. Kể từ đây, mọi hoạt động, cống hiến không mệt mỏi của luật sư Nguyễn Hữu Thọ đều gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (giữa) và đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao Phong trào không liên kết ở Algérie tháng 9/1973

Bằng tinh thần yêu nước nhiệt thành, trí tuệ, tài năng, phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành “một nhà trí thức yêu nước vĩ đại”, là người "tiêu biểu cho lòng yêu nước nồng nàn và dũng cảm của trí thức miền Nam". Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, hoạt động hợp pháp trong Ban Trí vận của thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, đến khi trở thành người lãnh đạo, được phân công đảm trách những chức vụ quan trọng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã luôn thể hiện là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng về tư duy chính trị, linh hoạt và sáng tạo trong đường lối, phương pháp lãnh đạo; phong phú, sâu sắc, cụ thể về nội dung công tác, nhất là trong xây dựng mối quan hệ với Nhân dân. 

Tháng 2/1962,  Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức và đồng chí được bầu làm Chủ tịch. Tháng 3/1964, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai đã bầu đồng chí làm Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận. Đến tháng 6/1969, đồng chí được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được Nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6/1976), Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4/1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 7/1981). Tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận (họp từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977), đồng chí được bầu làm ủy viên Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 11/1988, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 8/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã suy tôn đồng chí làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ ký Lệnh công bố Hiến pháp mới tháng 12/1980

Người đảng viên cộng sản kiên định, nhà lãnh đạo có uy tín lớn

Trở thành một trí thức cách mạng, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ tích cực hoạt động kháng chiến ở Sài Gòn bị tạm chiếm “bằng những hình thức thích hẹp”. Đồng chí cùng đồng chí, đồng đội - những người hoạt động hợp pháp, những cán bộ lãnh đạo bí mật, những chiến sĩ bị giặc bắt giam cầm, xử án - và Nhân dân yêu nước Sài Gòn - Chợ Lớn đấu tranh với kẻ thù trên nhiều trận địa, ở các lĩnh vực khác nhau. 

Trở thành người cộng sản, tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của Nguyễn Hữu Thọ càng tăng lên. Trong những năm 1949-1950, cuộc đấu tranh yêu nước, chống thực dân Pháp của Nhân dân các vùng bị tạm chiếm, đặc biệt ở Sài Gòn - Chợ Lớn lên cao. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ hòa nhập vào cuộc đấu tranh này không chỉ là một thành viên tích cực mà còn với tư cách một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật, có trách nhiệm lãnh đạo phong trào. Chỉ mấy tháng sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã phát huy vai trò của một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật, trong phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ lớn mà đỉnh cao là cuộc biểu tình nhân đám tang của học sinh Trần Văn Ơn, người phản đối thực dân Pháp và ngụy quyền Bảo Đại đàn áp dã man, giết hại nhiều học sinh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, phong trào đấu tranh yêu nước của Nhân dân Sài Gòn - Chợ lớn đã nổ ra mạnh mẽ. Nhằm cô lập đồng chí với phong trào cách mạng, thủ tiêu ý chí của ông, thực dân Pháp và ngụy quyền Sài Gòn đã đày ải Nguyễn Hữu Thọ ra vùng Tây Bắc nhưng khi trở về Sài Gòn đồng chí lại tiếp tục đấu tranh công khai - bào chữa cho các chiến sĩ kháng chiến bị bắt, tham gia phong trào hòa bình (năm 1954). Trong những năm đấu tranh cho hòa bình, bị bắt giam ở Sài Gòn (năm 1954), bị đưa ra an trí ở Hải Phòng (1955), Phú Yên (1955-1961), đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã trải qua những năm tháng gian khổ nhưng đồng chí đã thể hiện khí tiết kiên cường của một đảng viên cộng sản. Sau khi được cứu thoát, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trở về vùng giải phóng và trở thành người lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đây, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo Nhân dân chiến đấu với kẻ thù. Chí khí cách mạng, sự thông minh tài giỏi, phẩm chất đạo đức cách mạng là nhân tố quan trọng tạo nên một Nguyễn Hữu Thọ bất khuất kiên cường, giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ (thứ 2 từ trái sang) thăm và làm việc tại Nhà máy dệt Thành Công (TP. Hồ Chí Minh) năm 1984

Sau chiến thắng 30/4/1975, những hy sinh mất mát của đồng bào, đồng chí đã thôi thúc Nguyễn Hữu Thọ trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, chế độ mới trên đất nước Việt Nam. Trên các cương vị lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và MTTQ Việt Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn nêu cao tinh thần làm việc dân chủ, tận tụy, trách nhiệm, sâu sát, hiệu quả. Trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, với tầm nhìn xa, trông rộng, với tư duy sắc bén của một trí thức uyên bác và tâm trong sáng, hết lòng vì nước, vì dân, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã có công lao to lớn trong việc chỉ đạo và trực tiếp tham gia xây dựng hiến pháp và có nhiều ý kiến, đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương đổi mới đất nước, đổi mới hoạt động của bộ máy Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận trong thời kỳ mới. Một trong những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là ông đã cùng Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội Truờng Chinh tổ chức xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Với uy tín và kiến thức luật học uyên bác của mình, đồng chí đã cùng với úy ban Pháp luật của Quốc hội tập hợp được các luật gia có danh tiếng tham gia soạn thảo bản Hiến pháp sửa đổi. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có những ý kiến rất thiết thực trong các cuộc họp của Ban dự thảo Hiến pháp, góp phần vào sự hình thành bản Hiến pháp mới trĩnh Quốc hội vào năm 1980. Ngày 5/4/1980, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được Quốc hội cử làm Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp mới. Trên cương vị Quyền Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã ký lệnh Công bố bản Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1980 đã thể chế hóa đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, khẳng định rõ những quyền hạn và nghĩa vụ của công dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới...

Một con người trung, hiếu, có tình, có nghĩa

Là trí thức yêu nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã kế thừa được những mặt tốt đẹp trong truyền thống của dân tộc, trong đó có những nét đẹp của quê hương xứ sở. Tuy xuất thân trong một gia đình trung lưu, được đào tạo nhiều năm ở Pháp, sống xa Tổ quốc trong một thời gian dài, có chức cao, bổng hậu, nhưng ông không hề quên Tổ quốc, Nhân dân, đấu tranh đến cùng vì lợi ích của Nhân dân, lợi ích của dân tộc.

Đồng chí còn là con nguời tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức sống có tình, có nghĩa của dân tộc. Cũng như mọi người dân Việt Nam trong thời đại ngày nay, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ không bao giờ quên công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc, xác định con đường cứu nước đúng đắn, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, dẫn dắt Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lòng kính yêu, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy niềm tin, giúp ông vượt qua những ngày gian khổ trong tù đày, cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng, cho dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, con người của tình đoàn kết dân tộc. Tiếp thu truyền thống đoàn kết của dân tộc, được Đảng giáo dục và được tôi luyện trong phong trào đấu tranh của Nhân dân, đồng chí đã phấn đấu hết mình để xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một tấm gương sáng về đại đoàn kết dân tộc, là người đã giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp đoàn kết, góp phần to lớn vào thắng lợi của đất nước, không chỉ góp phần xây dựng đường lối đại đoàn kết dân tộc, mà còn trực tiếp chỉ đạo thực hiện chiến lược đoàn kết, dân tộc và quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Hữu Thọ - một nhân cách cao đẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO