Nhà ngục Đắk Mil, nơi tiếp tục dòng chảy cách mạng của phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh

Cẩm Trang| 10/09/2020 08:38

Cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng ở Nhà ngục Đắk Mil là một bộ phận trong đấu tranh cách mạng oanh liệt trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền. Những chiến sĩ cộng sản đã gieo những hạt giống, tiếp tục tạo dòng chảy cách mạng nơi mà họ bị tù đày.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh là một sự kiện lịch sử trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cao trào đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức đấu tranh diễn ra quyết liệt.

Hoảng sợ trước sự nổi dậy của quần chúng, thực dân Pháp đã dốc toàn lực, thực hiện cuộc “khủng bố trắng” hết sức tàn bạo. Các chiến sĩ cách mạng, những người đi đầu trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 và những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị bắt, bị xử án nặng và đưa đi lưu đày khắp các nhà tù trên cả nước, trong đó có Nhà đày Buôn Ma Thuột, Nhà ngục Đắk Mil.

Người dân tham quan Nhà ngục Đắk Mil. Ảnh tư liệu

Tháng 12/1930 đến tháng 4/1931, thực dân Pháp đày ải những đoàn tù chính trị từ nhà lao các tỉnh miền Trung lên giam giữ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, từ 30 chiến sĩ cộng sản (1930 - 1931) đến năm 1936, chúng bỏ Nhà đày Lao Bảo (Quảng Trị), chuyển số tù nhân còn sống sót đến Nhà đày Buôn Ma Thuột. Do số lượng tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày càng đông, chính quyền thực dân Pháp lập đại lý Đắk Mil, xây dựng Nhà ngục Đắk Mil, là một “biệt giam” thuộc nhà đày Buôn Ma Thuột.

Đầu tháng 11/1941, đoàn tù đầu tiên bị đày tới Nhà ngục Đắk Mil gồm 45 tù nhân, sau đó tăng lên tới 120 người. Tại đây, thực dân Pháp đã thi hành một chế độ nhà tù hết sức khắc nghiệt và tàn bạo. Chính sách tàn bạo của thực dân, đế quốc chỉ khắc ghi thêm tội ác dã man của chúng đối với dân tộc ta, chỉ có thể giam giữ được thể xác chứ không khuất phục được tinh thần của các chiến sĩ cách mạng.

Các chiến sĩ đã vượt lên gian nan, khắc nghiệt của khí hậu, chế độ lao tù hà khắc, nghiệt ngã, biến nhà tù thành trường học, tôi luyện ý chí. Do đó, ngay sau khi bị đày tới ngục Đắk Mil, các tù nhân đã lựa chọn và bầu ra Ban cán sự để lãnh đạo tù nhân đấu tranh chống lại chế độ ngục tù. Sau sự kiện thành lập chi bộ cộng sản trong Nhà đày Buôn Ma Thuột (cuối năm 1941, đầu năm 1942), năm 1943 một chi bộ cộng sản được thành lập trong Nhà ngục Đắk Mil do đồng chí Nguyễn Tạo làm bí thư. Có thể nói, từ đây, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chịu ảnh hưởng và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Từ khi có chi bộ Đảng ra đời, phong trào đấu tranh trong Nhà ngục Đắk Mil được tổ chức chặt chẽ để vừa đạt được mục đích, vừa đỡ mất mát hy sinh, xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất trong anh em tù chính trị, giác ngộ tù thường phạm và cả những người lính cai ngục có lòng yêu nước. Trong đấu tranh gian khổ, tù nhân chính trị đã có nhiều hình thức tuyên truyền, động viên lẫn nhau giữ vững chí khí, nhiệt huyết đấu tranh, giữ vững niềm tin chiến thắng.

Tháng 3/1943, các đồng chí Nguyễn Tạo, Trương Vân Lĩnh, Chu Huệ, Trần Doanh tổ chức vượt ngục Đắk Mil thành công. Đây là cuộc vượt ngục đầu tiên được tổ chức của tù chính trị trong Nhà ngục Đắk Mil, đó là một thành công lớn, đánh dấu một bước tiến mới trong việc tổ chức bộ máy lãnh đạo của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù đế quốc, khích lệ tinh thần đấu tranh và để lại những kinh nghiệm cho những cuộc đấu tranh và vượt ngục của các chiến sĩ trong nhà tù đế quốc...

Bị thất bại liên tiếp trong việc cai quản, đày ải, cuối tháng 3/1943, thực dân Pháp đã chuyển toàn bộ số tù nhân ở đây về Nhà đày Buôn Ma Thuột và cho phá hủy Nhà ngục Đắk Mil. Những cuộc đấu tranh trong Nhà ngục Đắk Mil đã thể hiện được bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ cộng sản, trong đó nổi bật là các chiến sĩ Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Các anh đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Đắk Nông cũng như quê hương Xô Viết - Nghệ Tĩnh anh hùng.

Âm mưu thâm độc của đế quốc Pháp là đày ải những tù nhân cộng sản và những chiến sĩ cách mạng trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh và các chiến sĩ yêu nước lên những nhà tù ở miền núi, cao nguyên nhằm cô lập hoàn toàn những người cách mạng với thế giới bên ngoài và thi hành chính sách lao tù hà khắc, cộng với khí hậu nơi rừng thiêng nước độc để giết dần, giết mòn những chiến sĩ cộng sản. Nhưng, vượt lên tất cả, những chiến sĩ cộng sản không chỉ biến nhà tù thành trường học cách mạng, rèn luyện khí tiết mà hơn thế nữa, họ đã gieo những hạt giống, những tư tưởng cộng sản trên mỗi mảnh đất nơi đặt chân tới. Chính việc thực dân Pháp tăng cường đày ải tù chính trị cộng sản lên Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng, dù muốn hay không chúng đã đưa những người có tư tưởng cộng sản đến với mảnh đất, với quần chúng cách mạng chưa giác ngộ lý tưởng đấu tranh cách mạng; đưa phong trào cách mạng của Đắk Nông lớn mạnh cùng phong trào cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

Chiến tranh đã qua đi, lịch sử Đắk Nông bước sang một giai đoạn mới nhưng di tích Nhà ngục Đắk Mil - cái nôi của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông mãi mãi vẫn là điểm son của lịch sử cách mạng. Tuy chỉ một thời gian ngắn (1941 - 1943), nhưng cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng ở nhà ngục Đắk Mil là một bộ phận trong đấu tranh cách mạng oanh liệt, phong phú, sinh động của Đảng và dân tộc ta trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà ngục Đắk Mil, nơi tiếp tục dòng chảy cách mạng của phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO