Nhận diện yếu kém, nêu rõ trách nhiệm để quyết tâm quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả

Đức Diệu| 20/10/2016 08:54

Ngày 19/10, Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức Hội nghị (mở rộng) sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 6/5/2013 của Tỉnh ủy Đắk Nông về ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo.

Các đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Bốn, Phó  Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị.

Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết quả 3 năm thực hiện nghị quyết 11/NQ-TU của Tỉnh ủy.

Theo báo báo của UBND tỉnh tại hội nghị, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy, việc triển khai thực hiện nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhìn chung công tác quản lý, bảo vệ rừng không đạt được mục tiêu của nghị quyết đề ra.

Cụ thể, mục tiêu đặt ra là phấn đấu hằng năm giảm 50% số vụ và diện tích phá rừng cả về tính chất, quy mô của từng vụ. Đến năm 2015, cơ bản ngăn chặn được tình trạng phá rừng. Tuy nhiên, thống kê cho thấy trong năm 2013, toàn tỉnh phát hiện 404 vụ phá rừng, thiệt hại 151,84 ha, chỉ giảm 21,13% số vụ, 45,97% về diện tích. Năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 345 vụ, thiệt hại 145,85 ha, giảm 42,65% về số vụ và 34,17% về diện tích thiệt hại. Năm 2015, tình trạng phá rừng đã tăng đột biến với 384 vụ, thiệt hại 292,2 ha rừng, tăng 11,3% về số vụ và 100% về diện tích. Trong 8 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh phát hiện 269 vụ phá rừng, làm thiệt hại hơn 102 ha rừng, giảm 29,4% về số vụ và 74% về diện tích thiệt hại so với cùng kỳ.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Trước thực trạng đó, thời gian qua, ngoài tăng cường công tác lãnh đạo, Tỉnh ủy cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân dẫn đến mất rừng, đất rừng và giao cho cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm túc tổ chức, cá nhân vi phạm. Ngoài một số vụ việc liên quan đến rừng được xử lý, qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng cho thấy, mặc dù Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đề ra mục tiêu, hành động rất cụ thể, rõ ràng nhưng sau hơn 3 năm, tình trạng phá rừng không giảm so với trước. Thậm chí, tình trạng quản lý, chuyển nhượng, mua bán, lấn chiếm trái phép đất rừng đang diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang cũng tham gia vào việc mua bán, chuyển nhượng đất rừng trái phép. Một số địa phương, chủ rừng  buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng mất rừng, đất rừng với diện tích lớn; chuyển đổi, cấp đất rừng sai với quy định… Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên theo các sở, ngành trước hết là do nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đơn vị chủ rừng và người dân trong quản lý, bảo vệ rừng chưa cao. Giá nông sản tăng cao, nhất là giá hồ tiêu đã gây nên áp lực khai thác đất rừng phục vụ trồng trọt, phá rừng làm trụ tiêu…

Tại hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận, tham luận cho rằng, đến nay chúng ta vẫn chưa có những cơ chế quản lý, bảo vệ rừng thực sự thiết thực, hiệu quả. Việc giải thể, chuyển đổi các mô hình quản lý công ty lâm nghiệp diễn ra chậm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất rừng, đất rừng… Tình trạng chủ rừng thờ ơ, không chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng đang dẫn đến nhiều bất cập trong công tác phối hợp để quản lý, bảo vệ rừng.

Đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Diễn cho rằng, đây là hội nghị có chất lượng với nhiều ý kiến tham luận, thảo luận của các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng với tinh thần, trách nhiệm cao, đề xuất những giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, các cấp ủy đảng, chính quyền cũng cần nghiên cứu lại cách làm bởi thực tế, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhìn chung rất quyết liệt nhưng vẫn chưa có những giải pháp quản lý, phát triển rừng bền vững. Chính vì vậy, hội nghị lần này một lần nữa để các cấp, các ngành kiểm điểm nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật để cùng vào cuộc lập lại trật tự công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cấp ủy, đảng viên, người đứng đầu tiếp tục quán triệt, gương mẫu trong quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời đề xuất được những giải pháp, tháo gỡ khó khăn, khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay. Các cấp ủy đảng phải thực sự nghiêm túc xử lý cán bộ, đảng viên liên quan đến vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng; xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bức xúc hàng đầu để lãnh đạo, huy động  sức mạnh của hệ thống chính trị, nhân dân cùng bảo vệ, phát triển rừng.

Video clip:

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện yếu kém, nêu rõ trách nhiệm để quyết tâm quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO