Nhân kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2017): Mốc son chói lọi bằng vàng

Nguyễn Văn Thanh| 05/05/2017 20:00

Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là mốc son vàng chói lọi, chiến thắng góp phần khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc nhằm phát huy sức mạnh toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại TP. Điện Biên. Ảnh tư liệu

Cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân năm 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp của Mỹ. Chiến công bất hủ đó đã giành lại độc lập, tự do trên nửa phần đất nước, giải phóng miền Bắc, khai phá con đường cho dân tộc ta tiến tới cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN), xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nươc đi lên CNXH.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc. Đây là một căn cứ quân sự rất thuận lợi. Thực dân Pháp đã lấy căn cứ này làm địa bàn chiến lược cơ động. Trong chiến dịch Thu Đông năm 1953 – 1954, Pháp tập trung tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ một lực lượng quân sự lớn với 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và một phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Lực lượng của địch là 16.200 quân, bố trí 49 cứ điểm thành 8 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng. 8 cụm cứ điểm chia làm 3 phân khu, phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lượng ở ngay giữa Mường Thanh. Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 chiếc lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 quân, bảo đảm nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến.

Mô hình tái hiện hình ảnh bộ đội ta cắm cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng Đờ Cát, vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954. Ảnh: Phan Tân

Sau khi phân tích tình hình các chiến trường, Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, một trận “quyết chiến chiến lược” giữa ta và Pháp. Bộ Chính trị nhận định, tuy Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, song lại bị cô lập và rất xa hậu phương của địch, nên mọi tiếp tế vận chuyển đều dựa vào đường hàng không. Đồng thời Bộ Chính trị ra quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy mặt trận do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp lãnh đạo. Chính phủ ra quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Quyết định của Bộ chính trị và Chính Phủ là tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ đã trở thành ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Phương châm tác chiến ban đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”; ngày 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị và được Bộ Chính trị đồng ý đổi thành “đánh chắc, thắng chắc” do đánh giá lại tính chất phòng ngự và so sánh lực lượng. Từ ngày 13/3 đến 7/5, trong 56 ngày đêm, trải qua ba đợt chiến đấu, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên, bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Caxtri (De Casties) chỉ huy. Về đơn vị, diệt 21 tiểu đoàn (17 tiểu đoàn bộ binh và dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh); bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, bắn hỏng 4 xe tăng, thu 30 trọng pháo, 6 xe tăng, hơn 30 nghìn chiếc dù, toàn bộ vũ khí, đạn, quân trang, quân dụng.

Một góc TP. Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: Quốc Sỹ

Trong bài “Nhân ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ” (ký bút danh Chiến Sĩ) đăng trên Báo Nhân Dân, số 3690 ngày 7/5/1964, Bác viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn... Với tinh thần quyết chiến quyết thắng của Điện Biên Phủ, từ nay về sau nhân dân miền Nam chắc sẽ thắng lợi hơn nữa. Muốn tránh một thất bại như ở Điện Biên Phủ và muốn khỏi mất thể diện, thì đế quốc Mỹ chỉ có một cách là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược, rút ngay quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam tự giải quyết lấy vấn đề nội bộ của mình”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. “Đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn).

Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son vàng chói lọi, chiến thắng góp phần khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc nhằm phát huy sức mạnh toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Đồng thời góp phần khẳng định sự đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau giữa các quốc gia, các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới để tiến tới cùng nhau đẩy lùi chiến tranh. Tăng cường sự hợp tác toàn diện để xây dựng một thế giới không có chiến tranh, thế giới của sự hợp tác và cùng phát triển.

Hơn sáu thập kỷ trôi qua, mảnh đất chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa đã thay màu “áo mới”, trở thành thành phố Điện Biên Phủ. Lòng chảo Điện Biên Phủ bây giờ đã trở thành nền tảng của một thành phố mới, trẻ trung và năng động. Cửa ngõ Him Lam - nơi hoang tàn sau chiến tranh ác liệt, giờ trở thành phường Him Lam (thành phố Điện Biên Phủ) thanh bình, tươi đẹp và ngày một phát triển.

Chiến dịch Ðiện Biên Phủ bắt đầu và trải qua ba đợt:

Đợt I (từ 13 đến 17/3), các Đại đoàn 312, 308 tiến công tiêu diệt các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo (phân khu Bắc).

Đợt II (từ 30/3 đến cuối tháng 4), các Đại đoàn 316, 308, 312 tiến công các cứ điểm phía Đông (các ngọn đồi C1, E, D, A1), xây dựng trận địa bao vây, đánh lấn, chia cắt tập đoàn cứ điểm, khống chế và triệt chi viện đường không của địch. Riêng trận đánh đồi A1 gặp khó khăn, ta phải tổ chức đánh đến ba lần.

Đợt III (từ ngày 1 đến 7/5), các Đại đoàn 308, 312, 306 đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía Đông, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch ở phía Tây và chuyển sang tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2017): Mốc son chói lọi bằng vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO