Nhiều mô hình hay, cách làm mới trong học và làm theo Bác

Hoàng Bảo| 07/01/2019 09:23

Trong năm 2018, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều tập thể, cá nhân tùy vào thực tế nhiệm vụ của mình đã xây dựng những cách làm thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Đoàn viên, thanh niên Khối Các cơ quan tỉnh nấu cơm phục vụ bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Văn Biên

“Ông vận động” vì người nghèo

Là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa), ông Phạm Văn Linh được người dân quen gọi với cái tên “ông vận động”. Bởi hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, ông Linh không quản ngại khó khăn, đi đến từng nhà, từng khu dân cư thống kê đối tượng, rồi lại đến từng địa chỉ khảo sát, thăm dò hình thức, khả năng hỗ trợ của mỗi tổ chức, cá nhân, sau đó mới tiến hành vận động hình thức giúp đỡ phù hợp. Trong quá trình vận động, có người hưởng ứng, có người nói lời nặng nhẹ, nhưng vì mục đích là giúp đỡ người nghèo, ông vẫn kiên trì, nhẫn nại.

Điển hình, thời gian qua, ông Linh đã vận động nhiều doanh nghiệp ở thị xã như Công ty mỏ đá Phúc Vinh, Công ty Quốc Thanh, Công ty Tuấn Phượng nhận trợ giúp nhiều trường hợp khó khăn về lâu dài từ 250.000-400.000 đồng/tháng. Hay khi bà Nguyễn Thị Ái ở thôn Tân Hòa bị tai nạn lao động, ông đã ủng hộ 500.000 đồng rồi mới kêu gọi hỗ trợ thêm 15 triệu đồng giúp bà lúc ngặt nghèo. Còn khi bà Lương Thị Kim Tằm, nạn nhân chất độc da cam ở thôn Tân Hiệp được hỗ trợ 10 triệu đồng mua bò, nhưng gia đình khó khăn, không có tiền phụ thêm, biết được chuyện này, ngay lập tức, ông đã hỗ trợ cho bà 5 triệu đồng…

Ông Linh chia sẻ, ai cũng có lúc khó khăn, bản thân ông cũng từng trải qua nhiều gian khó mới có được hôm nay. Hơn nữa, ông làm công tác nhân đạo, nhưng chỉ biết vận động thôi thì không được mà cần phải thể hiện bằng hành động với phương châm “mình làm trước, vận động sau”. Cứ như vậy, ông luôn được các tổ chức, doanh nghiệp tín nhiệm, bà con đồng tình, ủng hộ.

Nhận đỡ đầu để ngăn tình trạng bỏ học

Hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì điều kiện kinh tế khó khăn”, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Song đã kêu gọi tất cả các trường học trên địa bàn huyện tích cực thực hiện. Ngay sau khi được triển khai, cuộc vận động đã thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên đồng tình, hưởng ứng. Ngay từ năm đầu tiên, toàn ngành đã vận động được gần 300 cán bộ, giáo viên đăng ký nhận đỡ đầu cho gần 500 học sinh khối tiểu học và THCS, là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng.

Thông qua sự giúp đỡ của thầy Phan Đình Tiến, em Huỳnh Thạch Thảo Quyên lớp 7B, Trường THCS Trần Phú, xã Nam Bình (Đắk Song) đã có nhiều tiến bộ hơn trong học tập

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Song, trước khi có cuộc vận động, huyện cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tiếp bước các em đến trường. Hàng năm, các giáo viên đều đến từng nhà các em có nguy cơ phải nghỉ học để tuyên truyền, vận động, động viên gia đình cũng như tìm hiểu nguyên nhân để có sự giúp đỡ. Song những việc giúp đỡ này chưa mang tính bền vững, lâu dài. Qua một thời gian triển khai cuộc vận động mới, ngành giáo dục huyện nhận thấy, đây không chỉ là mô hình mới mà hiệu quả mang lại rõ rệt hơn.

Ngoài động viên về tinh thần, các em còn được hỗ trợ thêm về vật chất có thể là quần áo, dụng cụ học tập cho đến bữa ăn trưa, xe cộ di chuyển nên luôn vui vẻ, hòa đồng và gắn bó với trường lớp, thầy cô hơn. Đặc biệt, thấy các em chuyển biến tích cực, các thầy, cô giáo cũng cố gắng làm tốt hơn vai trò của người đỡ đầu cũng như trong nhiệm vụ giảng dạy. Số giáo viên tham gia hỗ trợ đỡ đầu các em đặc biệt khó khăn cũng nhiều hơn. Ngoài trích tiền lương để hỗ trợ các em, các thầy cô giáo còn vận động các nhà hảo tâm trong huyện cùng tham gia. Tùy vào thực tế, có giáo viên nhận đỡ đầu 1 em, nhưng cũng có những giáo viên đỡ đầu 5-6 em, thậm chí 7 em.

Bà Hương cho biết: “Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, nhân văn và có hiệu quả cao, nhất là hạn chế học sinh bỏ học, tình cảm thầy trò gắn bó, nâng cao chất lượng giáo dục tốt hơn. Hoạt động cũng tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, đoàn kết, sẻ chia giữa thầy cô với học sinh và giữa các em học sinh với nhau”. Sức lan tỏa mà cuộc vận động mang lại chính là nhiều trường học, ngoài thầy, cô nhận đỡ đầu, giúp đỡ học sinh thì bản thân các em học sinh cũng thực hành tiết kiệm để giúp đỡ các bạn khó khăn trong cuộc sống và học tập.

Suất cơm nghĩa tình vì bệnh nhân nghèo

Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh cũng là một trong những đơn vị có nhiều mô hình, hoạt động nhằm giúp đỡ, sẻ chia với người nghèo. Năm 2018, Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh đã tổ chức và phát động Chương trình tình nguyện “Suất cơm nghĩa tình”. Ngay trong buổi phát động, Đoàn đã tặng 10 suất quà, mỗi suất 150.000 đồng cho 10 bệnh nhân thuộc diện gia đình chính sách và tặng 200 suất cơm, mỗi suất 25.000 đồng cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

"Suất cơm nghĩa tình" thể hiện tình cảm, sự yêu thương của tuổi trẻ Khối Các cơ quan tỉnh với bệnh nhân nghèo. Ảnh: Văn Biên

Một số cơ sở đoàn cũng đã chủ động tổ chức chương trình “Suất cơm nghĩa tình” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh như: Cục Thi hành án dân sự, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh...

Theo anh Hoàng Anh Biên, Bí thư Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh, năm 2018, nhiều hoạt động sẻ chia với người dân vùng khó đã được các tổ chức đoàn trực thuộc triển khai. Chương trình “Suất cơm nghĩa tình” đều do đoàn viên, thanh niên đóng góp và bỏ công để chế biến. Mặc dù việc giúp đỡ chưa nhiều, song những suất cơm lại chứa đựng trong đó cái tình, cái nghĩa của tuổi trẻ đối với người nghèo mà cụ thể là những bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều mô hình hay, cách làm mới trong học và làm theo Bác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO