Nhiều vấn đề lớn cần sửa đổi, bổ sung trong luật Giáo dục

dangcongsan.vn| 30/05/2018 08:50

Sáng 29/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 03 điều mới; bãi bỏ 10 điều, phù hợp với Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Dự thảo luật đã bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với luật Giáo dục, trong đó tập trung vào một số nội dung hướng vào các chính sách như: chính sách học phí học sinh, sinh viên sư phạm; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận văn bằng nước ngoài; đầu tư và nguồn lực tài chính cho giáo dục; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội,…

Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá tác động của các vấn đề và chính sách nêu trên, lồng ghép các nội dung cần sửa đổi, bổ sung ở các mức độ khác nhau tại các điều luật có liên quan của Dự thảo, trên cơ sở đó triển khai theo hướng xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục theo đúng Nghị quyết số 34/2017/QH14 nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc của giáo dục và đào tạo hiện nay.

Luật Giáo dục cần quy định những vấn đề chung, cơ bản về giáo dục Việt Nam

Báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh: Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục cũng như mục tiêu xây dựng Dự án luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về giáo dục, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế về giáo dục.

Tuy vậy, luật Giáo dục cần quy định những vấn đề chung, cơ bản về giáo dục Việt Nam và các thành tố cấu thành. Từ các quy định cơ bản trong luật Giáo dục sẽ xây dựng các luật chuyên ngành về từng lĩnh vực của giáo dục.

Cùng với đó, để bảo đảm tính hệ thống và vị trí của luật Giáo dục, đối với các lĩnh vực đã có luật chuyên ngành, như giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục đại học (GDĐH), luật Giáo dục cần có những quy định mang tính nguyên tắc, theo đó, cần xem xét giữ lại và sửa đổi, bổ sung một số nội dung về các lĩnh vực này. Đối với các lĩnh vực hoặc đối tượng khác chưa có luật điều chỉnh như giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục phổ thông (GDPT), giáo dục thường xuyên (GDTX), nhà giáo…, cần nghiên cứu cụ thể hóa một số nội dung đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Ngoài ra, cần nghiên cứu, đưa ra những quy định mang tính dự báo, đặt nền móng và tạo cơ sở pháp lý để triển khai những chính sách giáo dục mới.

Về tính chất của hệ thống giáo dục quốc dân, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cụ thể hóa phạm vi, tiêu chí của hệ thống giáo dục mở và cơ chế, quy trình, cách thức tổ chức quản lý trong liên thông; bổ sung các nguyên tắc để thúc đẩy tổ chức phân luồng; xem xét việc quy định về GDNN, GDĐH, về liên thông giữa các trình độ đào tạo của GDNN và GDĐH trong Dự thảo luật, thể hiện tính mở, liên thông, bảo đảm tính chỉnh thể của hệ thống.

Đối với GDTX, đề nghị quy định rõ hơn khái niệm, phương thức tổ chức các chương trình GDTX để phân biệt với giáo dục ban đầu; quy định rõ các chính sách đối với GDTX để phát triển đúng hướng và phát huy vai trò của GDTX trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, bảo đảm tính mở và linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học và thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho mọi người.

Đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm

Về chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho rằng, đa số thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục; tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.

Một số đại biểu đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, các đại biểu đều cho rằng, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm; bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Băn khoăn tính khả thi nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học từ trung cấp lên đại học

Đối với giáo viên tiểu học, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học vì hiện nay, còn đến 40% (khoảng 160.000) số giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống, trong đó chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên. Do vậy, cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động đối với hệ thống các trường cao đẳng sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ cao đẳng khi chính sách này được thực hiện.

Ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định ưu đãi lương gắn với trình độ đào tạo hoặc văn bằng của nhà giáo để khuyến khích sinh viên theo học trình độ phù hợp, khuyến khích nhà giáo tích cực học tập để nâng chuẩn đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vấn đề lớn cần sửa đổi, bổ sung trong luật Giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO