Những cựu binh Mỹ tích cực hàn gắn mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

THS. NGUYỄN TRỌNG MINH| 10/07/2020 09:50

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ rơi vào tình trạng nghi kỵ, căng thẳng kéo dài. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một vấn đề trăn trở đối với nhiều người Mỹ, đặc biệt là đối với các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Trở về từ cuộc chiến, những cựu binh Hoa Kỳ muốn làm gì đó để giúp đỡ đất nước và người dân Việt Nam.

Vận động chính trị nhằm thay đổi chính sách của Mỹ đối với Việt Nam

Trong chiến tranh tại Việt Nam, Bobby Muller là lính thủy quân lục chiến, bị thương và bị liệt toàn bộ từ hông trở xuống. Trở về Hoa Kỳ, Bobby Muller trở thành Chủ tịch Quỹ Cựu binh Mỹ tại Việt Nam. Ông có nhiều mối quan hệ đặc biệt với các nhân vật quyền lực trong chính giới Hoa Kỳ, trong đó có thượng nghị sĩ Patrick Leahy.

Khi biết thượng nghị sĩ Patrick Leahy thành lập Quỹ “Hỗ trợ Nạn nhân Chiến tranh Leahy” để hỗ trợ những nạn nhân chiến tranh trên khắp thế giới, Bobby Muller đã tìm đến và tìm cách đưa quỹ này vào hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam. Lúc đó, quan hệ giữa hai nước chưa phát triển, việc hỗ trợ đối với Việt Nam nếu có, sẽ được xem là một khoản viện trợ nước ngoài.

Với những trải nghiệm của mình ở Việt Nam, nhiều cựu binh Mỹ nhận thấy rằng Việt Nam là một quốc gia có một bề dày lịch sử lâu dài, phong phú. Giữa hai nước có thể tồn tại một số bất đồng nhưng cần phải làm gì đó để đưa hai nước xích lại gần nhau, dù những dự định muốn thúc đẩy bình thường hóa hay cải thiện quan hệ với Việt Nam luôn gặp phải sự chỉ trích là “phản quốc”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến lễ ký kết mua 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Aiways tháng 2/2019. Ảnh: TTXVN

Những người ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ mạnh nhất là 2 cựu chiến binh John Kerry và John McCain, đều từng tham chiến tại Việt Nam. Họ cùng với một số cựu binh khác như ông Chuck Hagel (về sau là Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ), ông Thomas J. Vallely (người thúc đẩy rất mạnh dự án đại học Fulbright) ủng hộ tiến trình bình thường hóa quan hệ 2 nước. Các cựu binh này là những người có vị trí trong đời sống chính trị Hoa Kỳ nên có điều kiện thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ.

Từ một tù binh bị giam giữ ở Việt Nam, thượng nghị sĩ John McCain đã có những nỗ lực không biết mệt mỏi trong sự nghiệp của mình để hóa giải mối hận thù, kiến tạo hòa bình giữa hai đất nước. Ngay từ năm 1977, John McCain đã nổi tiếng là người ủng hộ nhiệt thành cho mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Mỹ. Ông lần đầu tiên trở lại Hà Nội vào năm 1985, 10 năm trước khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được khôi phục.

Tạo được ảnh hưởng quan trọng và to lớn lên các quyết sách của chính phủ Hoa Kỳ đối với mối quan hệ Việt - Mỹ còn có các nhóm cựu chiến binh, đặc biệt là tổ chức VVA (Vietnam Veterans of America). VVA cho rằng Mỹ không nên duy trì chính sách cô lập đã lỗi thời chống Việt Nam. Việc cải thiện quan hệ với Việt Nam sẽ giúp các cựu binh Mỹ khắc phục được những chấn thương tâm lý khi họ có thể quay lại nơi từng là chiến trường và giải tỏa nguồn gốc của mọi lo âu căng thẳng, qua đó giúp giảm bớt ảnh hưởng của “Hội chứng Việt Nam” trong lòng nước Mỹ.

VVA có mối liên hệ chặt chẽ với các cựu chiến binh là thành viên Quốc hội Mỹ, một số thượng nghị sĩ, điển hình như John Kerry, John Mc Cain hay Pete Peterson. Điều này khiến tiếng nói của họ được Quốc hội lắng nghe nhiều hơn so với những tổ chức khác.

Ngày 11/7/1995, Tổng thống Clinton triệu tập thành viên nội các, viên chức quân sự cấp cao, các nhân vật chủ chốt Quốc hội, lãnh đạo tổ chức cựu chiến binh... đến Nhà Trắng. Ðứng trước bục phát biểu, Tổng thống Clinton tuyên bố: “Hôm nay, tôi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam”. Trong diễn văn của mình, Tổng thống Clinton nhấn mạnh: “Thời khắc này giúp chúng ta có cơ hội băng lại vết thương của chính mình. Chúng đã chống lại thời gian quá lâu. Bây giờ chúng ta có thể tiến đến phía trước trên nền tảng chung. Tất cả những gì ngăn chia chúng ta trước kia, hãy để lại cho quá khứ. Hãy để thời khắc này, nói theo Kinh Thánh, là lúc để hàn gắn, là lúc để xây dựng”.

Vận động ngoại giao tiến tới bình thường hóa mối quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trong bối cảnh chính trường Mỹ còn chưa quên mối hận thất trận và vấn đề tù binh chiến tranh cũng như lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW/MIA) được chính trị hóa, năm 1991, một Ủy ban đặc biệt về các vấn đề tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam được thành lập. Thượng nghị sĩ John Kerry làm chủ tịch Ủy ban này. Thành viên Ủy ban còn có John McCain và một số nhân vật nữa là cựu binh trong chiến tranh Việt Nam. Trách nhiệm của Ủy ban là điều tra số phận của các quân nhân Mỹ được liệt kê là mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Lúc đó, dư luận Mỹ cho rằng ở Việt Nam vẫn còn người Mỹ còn sống-họ bị giam giữ để “làm con tin và đòi bồi thường”.

Để làm rõ mối hoài nghi trên, nhiều thành viên trong Ủy ban, trong đó có thượng nghị sĩ John Kerry cùng một số người khác đã trở lại Việt Nam để khảo sát chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Sau một quá trình làm việc nghiêm túc và sự hợp tác đầy thiện chí của Việt Nam, báo cáo dày 223 trang của Ủy ban nói trên kết luận: “Không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh rằng còn có người Mỹ vẫn còn sống và làm tù binh tại Đông Nam Á”. Không chấp nhận kết luận này, tại Washington, một “mặt trận” chống John McCain và John Kerry hình thành. Cuộc điều tra thứ hai được yêu cầu.

Một lần nữa, báo cáo của Ủy ban Thượng viện đặc trách vấn đề POW/MIA ngày 13/1/1993 kết luận “không còn tù binh Mỹ ở Việt Nam”. Báo cáo hoàn thành thời điểm ông Bill Clinton vừa bước vào Nhà Trắng. Trong cuộc gặp quan trọng với Tổng thống ngày 11/6/1993 tại phòng Bầu dục, cùng với thượng nghị sĩ John Kerry, thượng nghị sĩ John McCain đã thuyết phục Tổng thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận Việt Nam mà theo các ông thì đó là “vấn đề danh dự quốc gia, bởi Việt Nam đã làm tất cả những gì mà chúng ta yêu cầu (liên quan POW/MIA)”.

Một tuần sau, ngày 19/6, khi Tổng thống Clinton đến Đại học Northeastern, 2 thượng nghị sĩ Kerry và McCain cũng tháp tùng, với mục đích liên tiếp đề cập vấn đề Việt Nam trong chương trình nghị sự của Tổng thống. Tháng 1/1994, nghị quyết của Thượng viện về việc xóa lệnh cấm vận Việt Nam do John Kerry và John McCain soạn được chính thức bàn thảo tại Quốc hội Mỹ. John McCain thuyết phục 20 nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ. Nghị quyết được thông qua, với tỉ lệ 62 thuận/38 chống. Với sự xuất hiện Nghị quyết Thượng viện, chính quyền Tổng thống Clinton đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt áp dụng chống Việt Nam.

Ngày 4/2/1994, tờ New York Times đã chạy hàng tít “Clinton bãi bỏ lệnh cấm vận 19 năm cho Việt Nam”. Trên hàng tít là tấm ảnh (bé gái) Kim Phúc bị bỏng bom napalm của Nick Út. Dẫu đã có những bước tiến lớn, quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn gặp phải những trở ngại từ những người đối lập. Kerry và McCain lại tiếp tục những nỗ lực của mình.

Ngày 23/5/1995, Kerry và McCain gặp Tổng thống Clinton trong Phòng Bầu dục. Một lần nữa, hai thượng nghị sĩ trình bày lý do và biện giải cho sự cần thiết tái lập ngoại giao với Việt Nam. McCain nói: “Đối với tôi chẳng có ý nghĩa gì cả, thưa tổng thống, khi đề cập về những ai ủng hộ hoặc phản chiến. Tôi quá mệt mỏi nhìn lại quá khứ bằng sự oán giận. Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải tiến về phía trước”.

Trong bối cảnh lịch sử đó, thượng nghị sĩ John McCain đã phát biểu: “Tôi ủng hộ quyết định hôm nay của tổng thống về việc khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây không phải là quyết định dễ dàng cho bất kỳ tổng thống nào. Tổng thống Clinton đã thể hiện sự can đảm và đáng kính trọng trong quyết tâm của mình”...

Điều đặc biệt là sau đó, một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam-Pete Peterson đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn để trở thành đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau năm 1975. Đại sứ Peterson-người đã từng là phi công của Không lực Hoa Kỳ trong chiến tranh ở Việt Nam và có 6 năm làm tù binh chiến tranh, đã cống hiến cả nhiệm kỳ của ông để hàn gắn và xây dựng một mối quan hệ dài lâu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Năm 1999, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ khánh thành Lãnh sự quán Mỹ trên nền Tòa Đại sứ Mỹ cũ. Trong buổi lễ hôm ấy còn có sự tham dự của một cựu binh khác, đó là Thượng nghị sĩ tiểu bang Nebraska Chuck Hagel – người sau này đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời tổng thống Obama. Đó là một biểu tượng sinh động cho sự hòa giải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, có một nghịch lý đó là những người từng tham chiến lại trở thành nhà tiên phong trong hàn gắn quan hệ giữa hai nước. Họ đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Nam, xóa bỏ những trở ngại trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Đồng thời, họ cũng đặt viên gạch đầu tiên cho những bước phát triển trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong giai đoạn về sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cựu binh Mỹ tích cực hàn gắn mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO