Nội dung Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11

Nguồn dangcongsan.vn| 30/11/2016 08:06

Ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016 kết thúc chiều ngày 29/11, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức lúc 17h30 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: TH

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra trong một ngày rưỡi (chiều 28/11 và cả ngày 29/11), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp tập trung vào hai nội dung lớn là công tác xây dựng thể chế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội 11 tháng. Theo đó, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp đã vượt qua khó khăn do thiên tai, bão lũ, sự cố môi trường biển, tiếp tục chuyển biến tích cực, trong đó sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt trên 6 triệu tấn, tăng 2,3%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 11 tháng tăng khoảng 9,5%, cho thấy sức mua và cầu đang có xu hướng tăng. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng qua tăng mạnh ước đạt khoảng 9 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 2%).

Trong điều kiện hết sức khó khăn, xuất khẩu hàng hóa đã lấy lại đà tăng trưởng, 11 tháng ước đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5%. Trong 11 tháng, cả nước xuất siêu 2,85 tỷ USD, chiếm 1,78% tổng kim ngạch xuất khẩu. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 này tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 4,5% so với tháng 12/2015, dưới ngưỡng Quốc hội cho phép (dưới 5%)…

Đáng chú ý,  số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đã vượt quá con số 100.000 doanh nghiệp, cụ thể là có trên 101.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 17% về số doanh nghiệp và tăng 48% về số vốn đăng ký; có trên 24.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội hiện cũng đang nổi lên một số vấn đề đáng lưu ý. Các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc, lạm phát sát ngưỡng cho phép là 5%...

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần là chủ động ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm (2017), phải thực sự bắt tay vào việc, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Triển khai quyết liệt kế hoạch năm 2017 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu.

Xây dựng văn hoá ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng đã thảo luận về một số nội dung cơ bản triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Trước ý kiến báo chí cho rằng thời gian qua, có nhiều vụ việc cán bộ, công chức có hành vi xấu ở nơi công cộng, vấn đề này cần được chấn chỉnh như thế nào? Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Trong phiên họp hôm nay, Thủ tướng giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ ngoài việc xây dựng Nghị định về văn hoá từ chức, thì còn xây dựng văn hoá ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành nhiệm vụ, tránh tình trạng “bắn chỉ thiên”, nhất là các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn Quốc hội phải thực hiện đúng lời hứa của mình…

“Với quyết tâm xây dựng Chính phủ và bộ máy hành chính kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung quán triệt tinh thần này; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật kỷ cương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sẽ xử lý nghiêm các sai  phạm của VINASTAS

Cũng tại buổi họp báo, trả lời về việc xử lý những sai phạm của  Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho hay: Kết quả khảo sát nước mắm của VINASTAS không tin cậy và minh bạch. Việc VINASTAS công bố thông tin sai về chất lượng nước mắm vừa qua có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 12 Điều 5 luật An toàn thực phẩm và Khoản 6 Điều 10 luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các sai phạm của VINASTAS đã được Bộ Công Thương làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm: Ngày 29/11, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao: Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cải chính thông tin mà Hội đã công bố về chất lượng nước mắm; tổ chức kiểm điểm làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong vụ việc trên theo đúng quy định của pháp luật; Bộ Nội vụ tổ chức kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Hội và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong tổ chức và hoạt động của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; chủ trì nghiên cứu làm rõ tư cách pháp lý của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nghiêm các vi phạm của Hội này theo quy định; Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí có sai phạm xử lý nghiêm các cá nhân trong việc đưa thông tin thiếu trung thực, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công an điều tra và sớm công bố kết quả vụ việc.

“Hiện nay, các Bộ, cơ quan đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao, tiếp tục xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm của VINASTAS và các tổ chức, cá nhân liên quan theo đúng quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nội dung Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO