Phải quyết liệt thực hiện mục tiêu về độ che phủ rừng

Nguyễn Hiền| 04/04/2019 10:06

Chỉ tiêu về độ che phủ rừng là một trong những chỉ tiêu không đạt nhiều năm liền đối với các địa phương trong tỉnh. Vì vậy, trong chuyến làm việc tại các huyện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị các địa phương phải có những giải pháp quyết liệt trong công tác trồng rừng cũng như quản lý, bảo vệ rừng.

Tại buổi làm việc với Huyện ủy Đắk Glong, đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu huyện cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

Vẫn còn nhiều hạn chế

Qua khảo sát tại hầu hết các huyện, việc thực hiện chỉ tiêu về độ che phủ rừng gần như không đạt cũng như công tác quản lý và bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, lỏng lẻo.

Huyện Đắk Glong được xem là một trong những địa phương “nóng” về tình trạng quản lý, bảo vệ rừng. Theo báo cáo của Huyện ủy Đắk Glong, năm 2018, huyện đã ban hành 1 chương trình, 1 kế hoạch, 4 thông báo, 7 công văn; UBND huyện cũng ban hành 103 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra vẫn không đạt. Theo đó, chỉ tiêu đề ra trong năm 2018 là tỷ lệ che phủ rừng phải đạt 50%.

Tại thời điểm xác định để đưa ra tỷ lệ che phủ rừng, diện tích rừng trồng chỉ đạt 49,8%. Nguyên nhân được lý giải là do không được chăm sóc, bảo vệ tốt dẫn đến cây chết; một số diện tích mới trồng chưa phát triển thành rừng; một số diện tích rừng trồng bị người dân khai thác sớm. Bên cạnh đó, diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm do tình trạng chặt phá rừng, người dân lấn chiếm. Theo thống kê, trong năm 2018, lực lượng chức năng của huyện lập biên bản 273 vụ vi phạm lâm luật; trong đó, phá rừng 227 vụ/84,63 ha, tăng 19 vụ so với năm 2017.

Tại huyện Đắk Song, năm 2018 cũng chỉ trồng mới được 55,7 ha rừng, chỉ đạt 79,5% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, nhiều đơn vị nhận trồng rừng không thực hiện được. Điển hình như Công ty Đức Hòa nhận trồng 10 ha nhưng không thực hiện được do không đủ kinh phí. Một số đơn vị khác không đạt mục tiêu trồng rừng đề ra so với chỉ tiêu đăng ký do chưa thực hiện được công tác cưỡng chế, thu hồi đất.

Điển hình như xã Nâm N’Jang chỉ trồng được 0,7ha/12,15 ha đã đăng ký; Công ty Đắk N’tao trồng được 0,3 ha/15,8 ha đăng ký... Cùng với diện tích trồng mới không đạt, tình trạng chặt phá rừng diễn ra ngày càng phức tạp. Theo thống kê, năm 2018 toàn huyện đã phát hiện và lập biên bản xử lý 252 vụ vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng; trong đó, phá rừng 144 vụ, tăng đến 48 vụ so với năm 2017.

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng và người dân trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc trong lâm phần quản lý của đơn vị. Ảnh: Lê Phước

Cần quyết tâm hơn nhằm “về đích”

Qua các buổi làm việc, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh, để đạt mục tiêu về che phủ rừng, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng trồng và chăm sóc diện tích mới, các địa phương phải song hành thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, hạn chế việc biến diện tích rừng hiện có thành “đất trống đồi trọc”.

Phát biểu tại buổi làm việc với Huyện ủy Đắk Glong, đồng chí Nguyễn Thị Hoa, UVTV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, lâu nay tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng diễn ra phức tạp nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Các dự án trồng rừng còn nhiều bất cập, vẫn có  hiện tượng “mua qua bán lại” để mất rừng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu đề ra. Để hạn chế tình trạng này, các địa phương cần có những hình thức xử lý nghiêm hơn, chặt chẽ hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng cũng cho rằng, Đắk Glong là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh nhưng tỷ lệ che phủ rừng không đạt làm tỷ lệ chung của tỉnh cũng khó đạt được. Địa phương cần có những hình thức trồng lại những diện tích đất trống, kết hợp chặt chẽ với những giải pháp bảo vệ diện tích rừng hiện có và diện tích trồng mới. Địa phương cũng nên tham mưu chọn những loại giống cây trồng phù hợp, hạn chế tối đa diện tích cây chết hàng năm.

Tại các buổi làm việc với Huyện ủy Đắk Glong và Huyện ủy Krông Nô, đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các địa phương cũng cần quyết tâm hơn nhằm “về đích” mục tiêu độ che phủ rừng đề ra đến năm 2020. Thực tế, lâu nay một số dự án trồng rừng để lại nhiều hệ lụy mà đến nay vẫn giải quyết chưa xong, chủ yếu là từ nguyên nhân chủ quan. Thời gian qua, tỉnh đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và sẽ tiếp tục xử lý trên cơ sở tùy theo mức độ, tính chất  vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Từ xã, huyện phải biết trách nhiệm của mình và phải có sự phối hợp với các ngành, các cấp để quyết liệt vào cuộc. Từ nay đến năm 2025, đối với diện tích đất rừng bị phá, lấn chiếm, kể cả đất lâm trường có nguồn gốc hay đất do dân di cư tự do chặt phá phải được xử lý, giải quyết phù hợp. Dứt khoát phải có một hội thảo, hội nghị xử lý các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, nếu khó quá thì xin ý kiến của Trung ương để giải quyết dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải quyết liệt thực hiện mục tiêu về độ che phủ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO