Phát huy kỳ tích đường Hồ Chí Minh, truyền thống Bộ đội Trường Sơn trong thời kỳ đổi mới

Bình Minh| 14/05/2019 10:21

Đường Hồ Chí Minh là công trình to lớn, khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tôn vinh, tri ân công lao, đóng góp to lớn của quân và dân ta, đặc biệt là Bộ đội Trường Sơn. Năm tháng trôi qua, nhưng kỳ tích này vẫn còn nguyên giá trị, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ảnh tư liệu

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường

Trong suốt 16 năm (1959-1975), đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần to lớn làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào. Đặc biệt, từ năm 1973 đến 1975, Bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, ra sức xây dựng, tu sửa, nâng cao chất lượng cầu đường đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa một khối lượng cơ sở vật chất kỹ thuật lớn tới chiến trường miền Nam; luôn bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho đại quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng 30/4/1975.

Cuộc chiến đấu chống “chiến tranh ngăn chặn” của Bộ đội Trường Sơn là ác liệt nhất, dài ngày nhất, quy mô nhất, hiệu quả cao nhất. Mặc cho mưa bom bão đạn và sự đánh phá hủy diệt của kẻ thù, đường Hồ Chí Minh vẫn không ngừng “vươn sâu, vươn xa”, đáp ứng yêu cầu ngày càng nóng bỏng của tiền tuyến lớn miền Nam, chiến trường Lào và Campuchia. Đó là sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam, đặc biệt là sự chiến đấu kiên cường của các đơn vị, các quân, binh chủng đứng chân trên tuyến lửa Trường Sơn và sự đóng góp của Nhân dân các địa phương bảo vệ tuyến đường, đánh bại chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ và tay sai.

Đường Trường Sơn thời kỳ kháng chiến. Ảnh tư liệu

Thể hiện nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng tạo; trong đó việc mở đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo chiến lược độc đáo của Đảng ta. Lần đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, một tuyến đường vận tải chiến lược được xây dựng hoàn chỉnh để chi viện cho chiến trường với sự đa dạng về thành phần lực lượng và hoạt động tác chiến. Cùng với sự phát triển liên tục của công tác vận tải chi viện cho chiến trường, nghệ thuật quân sự trên chiến trường Trường Sơn luôn có sự sáng tạo và phát triển.

Đó là nghệ thuật tổ chức lực lượng, tổ chức thế trận, tổ chức hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, tổ chức mạng đường và hệ thống binh trạm, cung trạm, kho tàng, bến bãi; nghệ thuật đánh địch, mở đường, bảo đảm hành quân, bảo đảm giao thông, bảo đảm vận chuyển... Đó là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chính trị, quân sự và khoa học, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam để giải quyết thành công một loạt vấn đề rất mới thuộc về vận tải chiến lược trong chiến tranh của quân đội ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Đồng thời, đó là nghệ thuật tiến hành công tác đảng, công tác chính trị để xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh để làm nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần cùng toàn dân, toàn quân giành thắng lợi vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua thị xã Gia Nghĩa. Ảnh: Hồ Mai

Và phát huy những kỳ tích

Đường Hồ Chí Minh nằm ở phía Tây đất nước, có vị trí quốc phòng và an ninh quan trọng, có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên đất, rừng và các khu bảo tồn thiên nhiên, khoáng sản. Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết cần có một tuyến đường hoàn chỉnh, thống nhất, xuyên suốt nhằm đáp ứng cho hoạt động phát triển kinh tế, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ năm 1996, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu quy hoạch tuyến đường để hình thành trục dọc đường bộ thứ hai ở phía Tây đất nước với tên gọi ban đầu là Xa lộ Bắc Nam (nay là đường Hồ Chí Minh).

Ngày 3/12/2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500 km); điểm đầu là Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).

Ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng; đến ngày 21/3/2008, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng đã tiến hành nghiệm thu công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 (đoạn từ Thạch Quảng tới Ngọc Hồi). Đến nay, mặc dù chưa hoàn thành 100%, nhưng đường Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả thực tế. Trong những năm tới, nhất là khi hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với Bộ đội Trường Sơn, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta giành thắng lợi, đầu tháng 7/1975, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Đầu năm 1976, Bộ Quốc phòng quyết định thống nhất Bộ đội Trường Sơn và Bộ Tư lệnh Công binh thành Bộ Tư lệnh Công trình. Đến tháng 3/1976, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế thay cho Bộ Tư lệnh Công trình.  

Tháng 10/1977, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Binh đoàn 12 và Binh đoàn 14 trực thuộc Tổng cục Xây dựng kinh tế trên cơ sở lực lượng chủ yếu của Bộ đội Trường Sơn và được tăng cường thêm lực lượng của các đơn vị trong toàn quân chuyển sang làm kinh tế. Đến năm 1979, Tổng cục Xây dựng kinh tế và Binh đoàn 14 giải thể, Binh đoàn 12 chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng, là đơn vị kế thừa truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng.

Đầu năm 1989, thực hiện sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế của cả nước, theo quyết định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn được thành lập trên cơ sở tổ chức biên chế và các lực lượng của Binh đoàn 12, là doanh nghiệp kinh tế, quốc phòng, tự hạch toán, tự trang trải và trực thuộc Bộ Quốc phòng. Từ đây, cùng với phiên hiệu Binh đoàn 12, đơn vị còn mang tên Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn.

Qua 30 năm (1989 - 2019) phát triển trưởng thành, với nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, tự hạch toán kinh doanh; giá trị sản xuất không ngừng tăng trưởng (bình quân 15%/năm); thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách với Nhà nước. Có thể khẳng định, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn hiện nay là một trong những tổng công ty mạnh trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông cầu đường, xây dựng thủy điện, thủy lợi; có đủ khả năng xây dựng các công trình trọng điểm, các công trình có quy mô lớn trong nước và quốc tế.

Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh vừa là dịp để chúng ta ôn lại chặng đường trưởng thành, chiến thắng vẻ vang của tuyến đường chi viện chiến lược huyền thoại trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc, vừa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và phát huy tinh thần cách mạng tiến công của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy kỳ tích đường Hồ Chí Minh, truyền thống Bộ đội Trường Sơn trong thời kỳ đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO