Phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc

Tường Mạnh| 28/04/2017 10:21

Mới đây, là cựu sinh viên, tôi có dịp về tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm (1977-2017) thành lập Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Bao năm gặp lại, thầy trò, bạn bè tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự biết bao kỷ niệm vui buồn của thời sinh viên.

Có lẽ cũng không có gì đáng nói vì chỉ là chuyện gặp mặt kỷ niệm thường tình như bao thế hệ học trò, sinh viên khác. Thế nhưng, điều mà chúng tôi ấn tượng nhất, đó là không dừng lại ở chuyện gặp mặt, ôn lại một chặng đường xây dựng, hình thành, phát triển của một bộ môn mà ở đây còn toát lên tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc-một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Chủ trương đúng đắn, hết sức nhân văn đó đã góp phần xóa bỏ hiềm khích, quy tụ toàn dân tộc Việt Nam về một mối, cùng chung lưng đấu cật, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Lần giở những trang kỷ yếu của khoa mới biết, ngay sau ngày đất nước thống nhất, một số giảng viên ở các trường đại học danh tiếng ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa được điều động vào TP. Hồ Chí Minh để làm nòng cốt xây dựng, hình thành nên Khoa Lịch sử thuộc Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

Với đặc thù của môn học, những người thầy, người cô từ miền Bắc vào đã đem đến cho thế hệ sinh viên miền Nam đầu tiên lúc bấy giờ không chỉ kiến thức lịch sử đơn thuần mà còn là những giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc. Đó là tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, cùng chung một bọc với ý nghĩa hai từ thiêng liêng “đồng bào” mà lúc bấy giờ không phải ai cũng có thể hiểu hết được.

Thế hệ sinh viên lúc đó cũng đón nhận những luồng kiến thức, tư duy mới của đội ngũ giảng viên miền Bắc một cách trân trọng, kính phục. Sau đó, một số sinh viên tiêu biểu đã trở thành những nhà sử học nổi tiếng, lại làm lãnh đạo của trường, của khoa.

40 năm xây dựng, hình thành và phát triển, với hàng nghìn sinh viên được đào tạo từ “cái nôi” Khoa Lịch sử đã tỏa đi khắp mọi nơi trong cả nước. Nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp ở các tỉnh, thành; trong đó có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hiện nay. Qua đó mới thấy, tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc đã “đâm chồi nảy lộc”, tạo nên sức sống mãnh liệt, góp sức xóa bỏ những rào cản vô hình giữa hai miền Bắc-Nam sau ngày đất nước thống nhất.

42 năm sau ngày giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, ngày càng phát triển đi lên. Không ít người vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã từng một thời rời bỏ đất nước ra đi, tìm cuộc sống nơi phương trời xa xôi thì bây giờ cũng đã tìm về với Đất Mẹ Việt Nam để mong được góp sức, cống hiến trí tuệ, tài năng của mình. Điều đó cũng bắt nguồn từ chủ trương phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc của Đảng, luôn mở rộng vòng tay đối với tất cả những ai vì quê hương, đất nước.

“Triệu trái tim cùng một nhịp đập”, tất cả dân tộc cùng chung một dòng máu “con Lạc cháu Hồng”, vì sự phồn vinh của đất nước Việt Nam để cùng nhau tiến lên. Gạt bỏ những điều nhỏ nhen qua một bên, mỗi người dân đất Việt nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, đặt lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên tất cả mọi thứ. Tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc mãi là nét đẹp truyền thống đã được hình thành, chứng minh qua thời gian và ngày càng phát triển, thể hiện rõ nét hơn trong cuộc sống hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO