Phát triển khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước

Tường Mạnh| 05/02/2015 08:59

Khoản 1, Điều 62, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể nói, cuộc chạy đua phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới hiện nay thực chất là cuộc chạy đua về khoa học, công nghệ (KHCN), chạy đua nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động trên cơ sở hiện đại hóa nguồn nhân lực.

Lò sấy đảo tự động và cơ động của anh Nguyễn Yên Hoài ở xã Đắk D'rô (Krông Nô) đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Ảnh: L.D

Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng đã xác định: “KHCN giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển KHCN nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước”.

Thực tiễn cho thấy, CNH, HĐH là quá trình chuyển đổi căn bản và toàn diện nền sản xuất xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính với năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp sang sử dụng lao động được đào tạo ngày càng nhiều hơn cho năng suất chất lượng và hiệu quả cao hơn dựa trên phương pháp sản xuất công nghiệp, vận dụng những thành tựu mới của KHCN tiên tiến.

CNH, HĐH cũng là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành sản xuất có hàm lượng KHCN cao, giá trị gia tăng cao. Thực chất và nội dung cơ bản của CNH, HĐH là sáng tạo và ứng dụng tri thức do giáo dục - đào tạo và KHCN tạo ra vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Vì vậy, với tư cách là một thành tố cơ bản của nền văn hóa dân tộc, KHCN có một vị trí trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển giáo dục - đào tạo cùng với phát triển KHCN là quốc sách hàng đầu, không chỉ có ý nghĩa lớn lao trong lĩnh vực sản xuất vật chất, mà còn là cơ sở để xây dựng nền văn hóa tinh thần của chế độ xã hội chủ nghĩa.

KHCN còn có tác dụng to lớn trong việc truyền bá hệ tư tưởng chính trị xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng lối sống, đạo đức và nhân cách mới của toàn bộ xã hội. Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước không phải chỉ là quá trình đổi mới về KHCN, hiện đại hóa, thị trường hóa nền sản xuất xã hội mà còn là quá trình chuyển đổi về tâm lý, phong tục tập quán, lối sống thích ứng với nhịp độ và tốc độ của xã hội công nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo quan điểm của Đảng thì KHCN là quốc sách hàng đầu có nghĩa là chủ trương, chính sách phát triển đất nước, kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ Tổ quốc đều phải dựa vào KHCN và thực hiện bằng KHCN. Chỉ có phát triển KHCN, chúng ta mới phát triển được kinh tế - xã hội, giữ vững được độc lập dân tộc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Để KHCN nhanh chóng phát huy được vai trò là nền tảng và động lực đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng, Nhà nước luôn có những chính sách quan tâm đặc biệt đến phát triển KHCN.

KHCN là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của tất cả các ngành, các cấp, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố quốc phòng an ninh. Hoạt động KHCN không chỉ là nhiệm vụ của các nhà KHCN, các nhà quản lý khoa học mà là công việc của mọi ngành, mọi cấp, mọi người... Mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều đòi hỏi phải có nội dung KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Mọi hành động phải xác định cơ sở khoa học của nó, phải điều tra, nghiên cứu, tìm ra quy luật, dự báo sự phát triển, đề xuất các giải pháp phù hợp với quy luật khách quan.

Các chủ trương, quyết định, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng phải có luận cứ xác đáng về KHCN. Các nhiệm vụ KHCN phải hướng vào giải quyết có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội. Mọi ngành, mọi cấp phải đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi thành tựu KHCN vào hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, từ việc định hướng chiến lược phát triển, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đến việc tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, cần phải làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra các ngành nghề mới, các sản phẩm mới, tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Phát triển KHCN không phải chỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường ngay trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO