Phát triển kinh tế tư nhân là khâu đột phá

Tường Mạnh| 04/07/2018 10:20

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động về phát triển kinh tế tư nhân là khâu đột phá trong năm 2018. Trong đó, tỉnh xác định, phát triển kinh tế tư nhân lớn mạnh, trở thành một động lực, khâu đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Theo đó, việc phát triển kinh tế tư nhân nhằm vào các mục tiêu là sớm đưa tỉnh Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất và chế biến nhôm lớn nhất cả nước; có nền nông nghiệp phát triển, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh lớn, sản xuất lớn, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; có khu vực dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nhân dân, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng hóa thế mạnh của địa phương, hoàn thiện hệ thống thương mại, phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên của địa phương.

Nhằm đạt được những mục tiêu trên, tỉnh sẽ nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển, cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng và được hỗ trợ, tiếp cận mọi nguồn lực. Tỉnh cũng đặt ra một số giải pháp cần thiết cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để triển khai thực hiện; đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị vào nhiệm vụ được giao, chấn chỉnh việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước.

Cụ thể, cùng với tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tỉnh tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, cơ cấu lại nền kinh tế, dịch chuyển từ phát triển các lĩnh vực như khai thác tài nguyên, đất đai sang các lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ mà địa phương có thế mạnh như du lịch sinh thái… Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân được tạo điều kiện để tham gia mạnh mẽ vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và được hưởng các ưu đãi theo quy định của Trung ương và địa phương.

Bên cạnh nỗ lực chấm dứt cơ chế xin-cho trong phân bổ nguồn lực nhà nước, tỉnh tăng cường quản lý nguồn lực nhà nước một cách chặt chẽ, minh bạch và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các dự án, công khai minh bạch trong quá trình đấu thầu, tránh việc lợi dụng các quan hệ thân hữu để đạt được gói thầu, vay vốn nhà nước. Việc xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân phải tạo ra bầu không khí hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân hơn là chỉ đơn thuần cung cấp các ưu đãi tài chính. Các ưu đãi cũng gắn với các biện pháp hành chính để hướng khu vực tư nhân vào những lĩnh vực được xác định ưu tiên phát triển của địa phương.

Tỉnh cũng nỗ lực xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, có trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp và người dân, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề lợi ích nhóm đối với hoạt động của nhà nước, tăng cường tính minh bạch và tiếp nhận được sự phản hồi của người dân.

Mục tiêu cụ thể là đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 3.000 doanh nghiệp hoạt động; trong đó có 500-550 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2018 (tăng 17% so với năm 2017). Tỉnh đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, trong đó đăng ký thành lập doanh nghiệp xuống dưới 2 ngày. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng trên 90% GRDP, trong đó kinh tế tư bản tư nhân trên 20% GRDP.

Các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích; đơn giản hóa thủ tục để giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương thiết lập và tăng cường hoạt động các kênh thông tin và tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp. UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Mọi kiến nghị phải có cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm trả lời, giải quyết; nếu cần có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thì phải có văn bản sớm, nói rõ thời gian sẽ trả lời và lý do chậm trễ.

Đáng chú ý, UBND tỉnh nghiêm cấm các sở, ngành, địa phương có ý kiến khác với doanh nghiệp sau khi lãnh đạo tỉnh đã có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp hoặc tổ chức. Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận, có nhiều ý kiến khác nhau giữa các sở, ngành thì cơ quan chủ trì tổng hợp ý kiến, trình UBND tỉnh và phải đề xuất phương án giải quyết.

Các sở, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh tổ chức kiểm điểm lại công tác chỉ đạo, điều hành để xác định rõ những việc đã làm được, những việc còn hạn chế, yếu kém trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, phòng, ban trực thuộc. Qua đó, thực hiện các hình thức xử lý vi phạm hoặc điều động, luân chuyển các cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, hiệu quả làm việc thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế tư nhân là khâu đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO