Phát triển ngành nông nghiệp bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm và bền vững

Phan Tân| 30/10/2021 11:52

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 30/10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng các ĐBQH tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh, một số sở, ngành tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Đắk Nông

Qua thảo luận, đại biểu đánh giá cao kết quả, những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết số 24 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ cần có giải pháp phát triển các ngành, sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững.

Theo đại biểu, giai đoạn 2016-2020, tuy nông nghiệp phát triển, nhưng thu nhập và đời sống của nông dân và những người làm nông nghiệp còn thấp, gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Nền nông nghiệp dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường. Các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc. Mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện nay còn chủ yếu theo chiều rộng và nguồn lực tự nhiên.

Do đó, giai đoạn 2021-2025, đối với lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ cần có giải pháp phát triển các ngành, sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững. Mục tiêu phát triển bền vững phải được chú trọng xuyên suốt trong tái cơ cấu từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm trên cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Đoàn ĐBQH tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, một số sở, ngành dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Cách tiếp cận phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam bảo đảm tính “minh bạch, trách nhiệm và bền vững”. Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải được gắn kết chặt chẽ với các Chương trình mục tiêu quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân nông thôn.

Trong sản xuất cần đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, liên kết người nông dân, thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã... để huy động tổng hợp các nguồn lực, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực, ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Khắc Mai đề nghị có giải pháp phát triển các ngành, sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững

Cùng với tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Chính phủ có giải pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA, FDI), phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân (PPP...) trong lĩnh vực nông nghiệp. Đi đôi tăng hỗ trợ tín dụng để nông dân vay vốn phát triển sản xuất, sớm có giải pháp triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp để giúp người dân khi gặp khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển ngành nông nghiệp bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO