Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về 3 dự thảo luật và một số nội dung quan trọng khác

dangcongsan.vn| 11/01/2018 08:43

Sáng 10/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 20. Phiên họp này diễn ra trong 1,5 ngày, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 3 dự thảo luật và một số nội dung quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: đây là phiên họp đầu tiên của năm 2018, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 3 dự án luật bao gồm: Luật Quốc phòng (sửa đổi), luật An ninh mạng, luật  Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Bên cạnh đó, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của UBTVQH, chi tiết một số điều của luật Kiểm toán nhà nước năm 2015; việc điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đối với dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao, tỉnh Bình Thuận và dự án hồ chứa nước Kroong Pách thượng, tỉnh Đắk Lắk; phân công chuẩn bị Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26).

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định chi tiết một số điều của luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.

Trình bày Tờ trình, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, luật Kiểm toán nhà nước được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 24/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Đây là văn bản pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thi hành luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 cho thấy một số quy định của Luật cần được quy định chi tiết nhằm tạo điều kiện triển khai thi hành luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 thuận lợi, hiệu quả. Việc ban hành Nghị quyết của UBTVQH quy định chi tiết một số điều của luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 hết sức cần thiết.

Theo ông Hồ Đức Phớc, dự thảo Nghị quyết gồm 6 điều, ngoài quy định về phạm vi quy định chi tiết và điều khoản thi hành, Nghị quyết hướng dẫn thi hành 5 nội dung của luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, gồm: quyết định kế hoạch kiểm toán hằng năm của Kiểm toán nhà nước; trình ý kiến của Kiểm toán nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước; quy định kiểm toán các tổ chức có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán; xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết quy định chi tiết một số điều của luật Kiểm toán nhà nước để khắc phục khó khăn, vướng mắc và bổ sung chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, việc Kiểm toán nhà nước đề xuất ban hành Nghị quyết của UBTVQH sẽ không bao quát hết các nội dung cần sửa đổi, quy định chi tiết; những nội dung Luật giao UBTVQH quy định chi tiết đã thực hiện đầy đủ; nhiều vấn đề bổ sung liên quan đến sửa đổi Luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Hơn nữa, Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Ban chấp hành Trung ương đã giao Đảng Đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung luật Kiểm toán nhà nước, hoàn thành trong năm 2019. Vì vậy, đề nghị Kiểm toán nhà nước tổng kết, đánh giá toàn diện và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, thực hiện quy định tại Điều 73 luật Kiểm toán nhà nước , UBTVQH đã ban hành các văn bản quy định chi tiết một số điều, khoản được giao trong Luật; một số nội dung khác cần cụ thể hóa thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, một số nội dung đã được quy định cụ thể tại luật Kiểm toán nhà nước, luật Kế toán, bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ; một số nội dung có vướng mắc thì nguyên nhân chủ yếu là do khâu phối hợp, triển khai thực hiện, không xuất phát từ nội hàm các quy định của Luật nên việc quy định chi tiết một số nội dung theo đề xuất của Kiểm toán nhà nước là chưa thực sự cần thiết…

Về thẩm quyền ban hành, đa số ý kiến cho rằng, nhiều nội dung trong Dự thảo Nghị quyết không phải là các điều, khoản luật Kiểm toán nhà nước giao UBTVQH quy định chi tiết; nhiều nội dung bổ sung mới so với Luật hiện hành. Do đó, đề xuất của Kiểm toán nhà nước không thuộc thẩm quyền của UBTVQH mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Sau các ý kiến phát biểu, kết luận phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Việc cụ thể hóa quy định chi tiết một số điều của luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 là cần thiết, song các vấn đề này thuộc quy định của pháp luật. Do đó, UBTVQH không đồng tình ban hành Nghị quyết tại thời điểm này.

UBTVQH giao Kiểm toán nhà nước tổng kết, rà soát lại tất cả các nội dung của Luật hiện hành và các luật khác liên quan đến hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

Cũng trong sáng 10/1, UBTVQH cho ý kiến về việc điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đối với dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao, tỉnh Bình Thuận và dự án hồ chứa nước Kroong Pách thượng, tỉnh Đắk Lắk.

* Chiều 10/1, UBTVQH đã xem xét, thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật Quốc phòng (sửa đổi) và dự án luật An ninh mạng.

Đối với dự án luật Quốc phòng (sửa đổi), trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về việc bổ sung nội dung quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, theo quy định hiện hành thì có 2 loại tình trạng khẩn cấp: Khẩn cấp về an ninh, khẩn cấp về thảm họa và chưa có quy định khẩn cấp về quốc phòng. Việc bổ sung tình trạng khẩn cấp về quốc phòng để có giai đoạn chuẩn bị cho tình huống tuyên bố đất nước trong tình trạng chiến tranh.

Về quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động xâm lược”, Thượng tướng Phan Văn Giang giải thích, thực tế đã xảy ra tình trạng đất nước bị xâm lược, nhưng nước ta vẫn chưa tuyên bố tình trạng chiến tranh, chẳng hạn như ở chiến tranh biên giới Tây Nam những năm 1977, 1978.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ giải thích thêm, tình trạng khẩn cấp về an ninh và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng khác nhau hoàn toàn về nội dung. Tình trạng khẩn cấp về an ninh là để ứng phó với những bất ổn nảy sinh trong nước. Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là để ứng phó với hành động xâm lược của nước ngoài.

Với 8 ý kiến phát biểu, các ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị rà soát thêm về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; việc kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng và ngược lại;…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thay mặt UBTVQH đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH, hoàn thiện dự thảo luật, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý lại trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5.

Về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật An ninh mạng, qua 15 ý kiến phát biểu, các ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật An ninh mạng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị rà soát, làm rõ thêm về phạm vi điều chỉnh của luật An ninh mạng với luật An toàn thông tin mạng; cần tiếp tục làm rõ hơn quy trình, thủ tục, các khâu, cơ chế phối hợp, rà soát về thẩm quyền để bảo đảm hợp lý và khả thi, sao cho không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và lấy ý kiến để quy định về các biện pháp phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng vi phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mang tính khả thi cao, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về 3 dự thảo luật và một số nội dung quan trọng khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO