Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp tại Tây Nguyên

Võ Đình Tín| 29/05/2018 16:58

Ngày 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội làm việc tại Hội trường, tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.

Đại biểu Võ Đình Tín, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có bài phát biểu. Báo Đắk Nông trích nội dung phát biểu của đại biểu Võ Đình Tín.

Ông Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: quochoitv.vn

Trong giai đoạn vừa qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhiều văn bản quy phạm pháp luật thực hiện để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đáp ứng được tính cấp thiết, kịp thời, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và đầy đủ. Các chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cơ bản đáp ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; đã phân định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và người đại diện pháp luật tại doanh nghiệp, do đó, đã tăng cường tính trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Việc xử lý tình hình tài chính liên quan đến nợ công; các khoản nợ lương và bảo hiểm xã hội đối với người lao động, rất khó khăn trong việc xây dựng phương án sử dụng đất đối với diện tích đất tranh chấp giữa doanh nghiệp với các hộ dân. Phương án sản xuất, kinh doanh sau khi tiến hành sắp xếp lại tính khả thi chưa cao nên việc huy động vốn từ các thành phần kinh tế còn hạn chế.  Các chính sách và kinh phí thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng chưa đầy đủ và chưa kịp thời, còn thiếu nhất là đối với các công ty lâm nghiệp không có dịch vụ môi trường rừng, dẫn đến người lao động không an tâm với công việc và phải tìm kiếm thêm công việc bên ngoài để mưu sinh nên ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các địa phương. Do đó, tôi đề xuất các giải pháp và kiến nghị:

Thứ nhất, về vấn đề sử dụng đất và phương án sử dụng đất, theo quy định việc xác định giá trị doanh nghiệp cần phải gắn với việc phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hoá được phê duyệt, tuy nhiên, việc quản lý đất đai đối với các doanh nghiệp là các đơn vị nông, lâm nghiệp vẫn còn nhiều phức tạp, vấn đề người dân lấn chiếm đất đai vẫn thường xuyên xảy ra, dẫn đến khó khăn trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất. Từ đó, dẫn đến kéo dài thời gian xác định giá trị doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến kế hoạch và tiến độ thực hiện cổ phần hoá. Đây là yếu tố lịch sử để lại, mặt khác áp lực từ tình hình dân di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên rất lớn, vì vậy, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xem xét xử lý dứt điểm đối với diện tích đất rừng bị lấn chiếm.

Thứ hai, việc kiểm kê để làm cơ sở cho việc xác định giá trị tài sản đối với các doanh nghiệp là nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn do địa hình vùng Tây Nguyên phức tạp, điều kiện đi lại nhất là trong mùa mưa không thuận lợi, vì vậy, công tác xác định giá trị doanh nghiệp thường kéo dài. Trong khi đó, kinh phí theo quy định tại Thông tư 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính quy định cố định mức chi phí để thực hiện công tác cổ phần hoá là chưa hợp lý, do đó, đề nghị việc xác định kinh phí thực hiện công tác cổ phần hoá giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chủ động quyết định mức chi phí hợp lý.

Thứ 3, việc xử lý tài chính khi cổ phần hoá, theo quy định trước khi chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hoá phải thanh toán dứt điểm các khoản nợ bảo hiểm xã hội, nợ người lao động. Tuy nhiên, có đơn vị cổ phần hoá sau khi xác định giá trị doanh nghiệp, thì doanh nghiệp còn nợ cả bảo hiểm và nợ người lao động nhưng không có nguồn để chi trả nhưng lại không quy định công ty cổ phần sau này phải có trách nhiệm kế thừa để chi trả hoặc có biện pháp xử lý khác, dẫn đến vướng mắc trong việc phương án sắp xếp lao động. Việc hỗ trợ kinh phí của quỹ hỗ trợ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp trong thời gian qua còn chậm đã ảnh hưởng đến tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp tại địa phương. Để xử lý dứt điểm những tồn tại, cần phải có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện và nguồn kinh phí này được chi từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp do Trung ương quản lý

Thứ 4, tăng cường công tác tuyên truyền cho người lao động để nhận thức đúng về mục tiêu của Đảng và nhà nước trong công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội tại doanh nghiệp nhà nước trong quá trình thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới tại doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.

* Đầu đề do Tòa soạn đặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp tại Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO