Quốc hội kết thúc phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

27/05/2018 07:25

Sáng 26/5, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

Trong quá trình thảo luận, đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 5 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tranh luận, tập trung vào các vấn đề: Cải cách hành chính, thực thi nghiêm công vụ; phát triển kinh tế tư nhân; nông nghiệp công nghệ cao; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; chính sách người có công với cách mạng; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện các chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo;...

Các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với các nội dung và đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các ngành, các cấp; tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Đồng thời, cũng thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm, kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế và đề ra nhiều giải pháp thiết thực, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo. 

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, không khí các phiên thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung, ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện, bao quát trên các lĩnh vực, từ: kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh và tư pháp.... Đa số đại biểu đều đánh giá cao và thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của hệ thống chính trị trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các tồn tại, hạn chế đã được các đại biểu đề cập trong một ngày rưỡi thảo luận như: Tăng trưởng kinh tế nước chưa thực sự vững chắc, mô hình tăng trưởng chưa rõ nét, động lực tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài và khu vực FDI; vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương có phần bị hạn chế; số nợ xấu vẫn còn lớn, thị trường chứng khoán có khởi sắc song cần tránh những rủi ro tiềm ẩn; thị trường bất động sản đang có biểu hiện nóng lên và có thể tác động trái chiều đến nền kinh tế; môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản chưa được tháo gỡ; cải cách hành chính chưa thật triệt để, còn tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo; công tác quản lý tài sản công, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo; việc sử dụng tài nguyên, đất đai còn nhiều lãng phí; phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, nhất là giao kế hoạch đầu tư công… 

Những tồn tại hạn chế nêu do nhiều nguyên nhân, ngoài các nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan từ hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và một nguyên nhân rất quan trọng là mô hình tăng trưởng vẫn theo chiều rộng, chưa chuyển mạnh sang chiều sâu gắn với tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. 

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý còn nhiều vấn đề đại biểu yêu cầu cần được tiếp tục giải quyết như: Sức khỏe của người dân, chất lượng nguồn nhân lực, tình trạng quá tải bệnh viện, dịch vụ khám chữa bệnh, vấn đề thuốc giả, thuốc kém chất lượng; về cải cách giáo dục, tình trạng ứng xử của giáo viên, của học sinh, của phụ huynh, về vấn nạn bạo lực học đường, vấn đề lao động và việc làm của học sinh, sinh viên mới ra trường; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; công tác xóa đói, giảm nghèo; điều kiện sinh hoạt, thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động còn nhiều khó khăn, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp; tình trạng ô nhiễm nước thải, rác thải; tình trạng cháy rừng, buôn lậu gỗ, khai thác cát lậu, tình trạng sạt lở, tình trạng phân bón giả còn diễn biến phức tạp… 

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 như báo cáo của Chính phủ.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý; tập trung chỉ đạo triển khai các công trình quan trọng quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cho nông dân, ngư dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đảm bảo chính sách cho người có công; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật tài chính, kỷ cương hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung xử lý những việc gây bức xúc trong xã hội, nhất là xử lý các vụ án tham nhũng, gây lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước, tài sản của nhân dân.

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận đã được Ban Thư ký tổng hợp và phản ánh đầy đủ và sẽ chuyển cho Chính phủ tiếp thu và tổ chức chỉ đạo thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

* Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Theo chinhphu.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội kết thúc phiên thảo luận về kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO