Quy hoạch 3 loại rừng phải chính xác, phù hợp với thực tế

Ngọc Dũng| 19/06/2018 09:30

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao cho các ngành chức năng rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 6. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nên phải dời thời gian trình HĐND tỉnh.

Bất cập khi triển khai ở các địa phương

Qua kiểm tra, diện tích đề nghị điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tại các địa phương cho thấy cơ bản phù hợp với báo cáo của các đơn vị, nhưng cũng bộc lộ một số khó khăn, bất cập.

Cụ thể, tại huyện Đắk Song, qua kiểm tra các xã Nâm N’Jang, Thuận Hạnh, Trường Xuân đều có diện tích rừng bị phá trái pháp luật sau kiểm kê năm 2014 nhưng vẫn chưa được xử lý.

Tại huyện Krông Nô chỉ mới căn cứ hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp theo sổ sách để đề nghị điều chỉnh.

Tại huyện Đắk Mil vẫn còn 9,59 ha tại thời điểm kiểm tra là đất bị người dân lấn chiếm trồng cây nông nghiệp. Diện tích này nằm giáp ranh với diện tích đất có rừng, có độ dốc lớn nên đề nghị giữ lại để quy hoạch rừng sản xuất, không điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng như theo đề nghị.

Tại huyện Chư Jút hiện vẫn còn 0,14 ha đất trống có cây gỗ nhỏ tái sinh, nằm giáp ranh, liền kề với khu vực quy hoạch rừng sản xuất nên giữ lại để quy hoạch rừng sản xuất.

Tại huyện Đắk R’lấp, đề xuất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng 3,3 ha. Tuy nhiên qua kiểm tra, hiện trạng là rừng trồng thông nằm dọc tuyến đường liên xã, diện tích nhỏ, lẻ nằm trên nhiều lô, cách xa khu vực quy hoạch lâm nghiệp và giáp ranh là đất người dân canh tác lâu năm nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Tại huyện Đắk Glong, số diện tích hiện trạng là đất còn rừng tự nhiên, nhất là khu vực khe suối, giáp rẫy của người dân. Do chưa rà soát, đánh giá rừng thực tế nên nội dung đề nghị điều chỉnh có nhiều vị trí chưa phù hợp.

Khó khăn trong điều chỉnh

Từ thực tế trên cho thấy, việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng gặp rất nhiều khó khăn. Diện tích rừng các đơn vị đề nghị điều chỉnh lớn, nằm rải rác trên toàn tỉnh. Một số diện tích manh mún, nhỏ lẻ, trong khi hiện trạng rừng có sự biến động nhanh. Vì vậy, việc đánh giá thực tế hiện trạng rừng đất lâm nghiệp để xác định những vị trí quy hoạch chưa phù hợp nhằm làm cơ sở đề nghị điều chỉnh gặp nhiều trở ngại.

Số liệu đề nghị điều chỉnh quy hoạch theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã chủ yếu là diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao về cho địa phương quản lý, chưa bao gồm diện tích của các đơn vị chủ rừng, các dự án đã có quyết định, chủ trương của UBND tỉnh. Điều này dẫn đến việc điều chỉnh, rà soát chưa được toàn diện, đồng bộ. Qua so sánh, theo dõi, hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp những năm qua có sự biến động rất lớn, từ diện tích đất có rừng thành đất không có rừng. Trong đó, phần lớn là diện tích rừng bị phá trái pháp luật nhưng chưa được xử lý.

Cùng với đó, diện tích liên doanh liên kết, giao khoán theo nghị định của Chính phủ của công ty lâm nghiệp đã giải thể ký kết nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Từ đó, việc đánh giá các tiêu chí, yếu tố để điều chỉnh quy hoạch phải thường xuyên thay đổi. Diện tích chuyển từ đất quy hoạch rừng phòng hộ ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng nếu vượt từ 20 ha trở lên phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, trước khi trình HĐND tỉnh xem xét phải có văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp-PTNT, tổng diện tích UBND các huyện, thị xã đề nghị điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng gần 14.000 ha. Trong đó, diện tích điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch trên 10.200 ha; điều chỉnh trong quy hoạch 3 loại rừng trên 3.200 ha; điều chỉnh đưa vào quy hoạch 3 loại rừng 492,73 ha. Diện tích các địa phương đề nghị điều chỉnh gồm huyện Đắk Glong 10.900 ha; huyện Đắk Song 2.300 ha; huyện Krông Nô 655 ha; huyện Đắk Mil 59 ha; huyện Đắk R’lấp 3,49 ha và huyện Chư Jút 0,26 ha.

Cần thực hiện toàn diện, cẩn trọng

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của Thường trực HĐND tỉnh mới đây, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã đồng ý cho dời thời gian trình hồ sơ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng sang kỳ họp bất thường HĐND tỉnh, không trình tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh.  

Tuy nhiên, Thường trực HĐND tỉnh cũng khẳng định, việc thực hiện quy hoạch lại 3 loại rừng là cơ sở để nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong các giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện. Quá trình thực hiện quy hoạch lại 3 loại rừng phải bảo đảm tính chính xác, phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Công tác rà soát, điều chỉnh cần được xem xét, thực hiện toàn diện, cẩn trọng, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch 3 loại rừng phải chính xác, phù hợp với thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO