Quyết tâm chấn chỉnh, lập lại kỷ cương trong quản lý, bảo vệ rừng

Lam Giang| 07/06/2017 10:32

Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 5, triển khai phương hướng tháng 6/2017, tình trạng phá rừng, vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng đã được đưa ra phân tích, “mổ xẻ” tìm nguyên nhân, giải pháp để chấn chỉnh, lập lại kỷ cương.

Có tình trạng cán bộ, chủ rừng… bảo kê, tiếp tay

Theo báo cáo và đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại cuộc họp, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng tăng cả về số vụ và diện tích, nhất là trên địa bàn 2 huyện Đắk Glong, Đắk Song. Cụ thể, trong tháng 5, toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý 213 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời phát hiện 150 vụ phá rừng trái pháp luật, gây thiệt hại trên 136,6 ha. Trong đó, ngành chức năng đã xử lý 159 vụ, gồm: Xử lý hành chính 121 vụ, chuyển hồ sơ điều tra hình sự 38 vụ, tịch thu 221,81 m3 gỗ các loại. Lũy kế từ đầu năm đến tháng 5, tổng số vụ phá rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh là 298 vụ, thiệt hại 192,8 ha rừng (tăng 102 vụ và tăng 113,8 ha so với cùng kỳ năm 2016).

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do các đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không nắm chắc tình hình, không kịp thời phát hiện và chủ động trong việc triệt phá các băng nhóm tội phạm phá rừng. Việc xử lý các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép còn chậm, chưa kiên quyết, triệt để, nhất là các vụ phá rừng nổi cộm, diện tích lớn và có các đối tượng tiếp tay, đầu nậu. Một số cán bộ ở cấp xã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý dân cư, bảo vệ rừng. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các băng nhóm bảo kê, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.

Theo đồng chí Nguyễn Đình Trung, UVTVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thì phải nhìn thẳng vào vấn đề là có tình trạng cán bộ, chủ rừng và một số lực lượng chức năng bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Tỉnh đã và đang điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ, đảng viên có liên quan đến vấn đề quản lý, bảo vệ rừng.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trạng rừng của Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn bị chặt phá. Ảnh: S.V

Làm mạnh, xử lý nghiêm

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh sẽ quyết tâm làm bằng được là tập trung xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật. Trong đó, song song với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về quản lý, bảo vệ rừng của Trung ương và tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với nhiều giải pháp quyết liệt.

Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, chốt chặn tại các điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản. Cùng với xử lý nghiêm, tỉnh sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các xưởng chế biến gỗ sử dụng gỗ bất hợp pháp; tổ chức truy quét các đối tượng, ngăn chặn, thu hồi các công cụ, phương tiện dùng để phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đặc biệt là quy định rõ và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chủ rừng đối với diệt tích rừng được giao quản lý.

Đồng chí Hà Trung Ký, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị: “Trong các giải pháp phải nói rõ ngành nào chịu trách nhiệm chính, ngành nào chịu trách nhiệm liên đới, phải có quy định rõ ràng thì mới quy trách nhiệm được".

Đại tá Nguyễn Ngọc Chương, UVTVTU, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: "Ngành Công an xác định, nếu để xảy ra phá rừng nhiều trên địa bàn tỉnh thì Ban Giám đốc Công an tỉnh chịu trách nhiệm chung với các sở, ngành liên quan. Còn cấp huyện, ngoài cấp ủy, chính quyền, theo tôi thì phòng nông nghiệp và trưởng công an huyện phải chịu trách nhiệm”.

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu: “Cần phải làm mạnh, xử lý nghiêm, “không có vùng cấm” đối với tất cả những ai vi phạm luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành phải có kế hoạch cụ thể, ranh giới rạch ròi, bây giờ không nói chung chung. Ai dính vô là phải xử luôn".

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh nhấn mạnh:

Phải quyết tâm chấn chỉnh, lập lại kỷ cương trong quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, trước hết, các ngành, địa phương phải tổ chức kiểm điểm một cách nghiêm túc, chỉ rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, lâm trường, nông trường, công ty có diện tích rừng bị phá.

Tất cả diện tích rừng đã bị phá từ đầu năm đến nay phải thu hồi và tiến hành trồng rừng ngay trong mùa mưa năm nay. Bởi mục đích phá rừng của người dân là để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Nếu chúng ta không làm kiên quyết việc thu hồi lại đất rừng bị phá thì có nghĩa người dân đạt được mục tiêu của họ. Do vậy, chúng ta phải kiên quyết thực hiện mục tiêu này để người dân không sử dụng được đất rừng bị phá để trồng tỉa những cây khác hay lấn chiếm, buôn bán trái phép. Khi người dân không đạt được mục đích, tình hình phá rừng sẽ giảm. Song song đó, lực lượng chức năng, các ngành, địa phương tiếp tục tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra các chuyên án về phá rừng, vi phạm lâm luật. Bởi chỉ có đánh mạnh vào các đối tượng “lâm tặc”, bảo kê thì mới mong giảm được tình hình phá rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm chấn chỉnh, lập lại kỷ cương trong quản lý, bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO