Rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các chính sách, tạo sức bật cho doanh nghiệp

Tường Mạnh| 28/06/2019 09:44

Trong báo cáo số 154 mới đây của UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã có nhận định: Các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực sự đi vào cuộc sống; một số chính sách khả thi không cao. Cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp trong tỉnh tham gia thực hiện các hợp đồng, tạo thêm công ăn việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.

ADQuảng cáo

Trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” của UBND tỉnh, phong trào phụ nữ khởi nghiệp đang thu hút phụ nữ tham gia. Ảnh: Hội viên, phụ nữ tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: Thanh Nga

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh luôn khẳng định mục tiêu: Xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và trở thành động lực phát triển của tỉnh. Trong bối cảnh phát triển chung, mặc dù còn không ít khó khăn, hạn chế, nhưng lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành đã luôn có sự đổi mới, tạo điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

UBND tỉnh còn ban hành kế hoạch về triển khai Chương trình khởi sự doanh nghiệp, nhằm thể hiện quyết tâm giúp doanh nghiệp khởi sự thành công, làm ăn hiệu quả, đóng góp cho ngân sách tỉnh cũng như giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Trong năm 2019 này, tỉnh đang tiếp tục xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế. Tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như tổ chức diễn đàn kêu gọi vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đầu tư vào các dự án khởi nghiệp. Từ những cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành trong thời gian qua đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hiện nay hoạt động liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp lại đang triển khai ở nhiều cơ quan, đơn vị. Một mặt tạo được nhiều kênh cho doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, nhưng mặt khác lại tạo cho doanh nghiệp có cảm giác bị chi phối, thiếu sự an tâm do không có đơn vị đầu mối. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp dễ bị trùng lắp ở các đơn vị tổ chức như các hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn, kết nối thị trường…

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, do các sản phẩm đa phần chưa đáp ứng được các tiêu chí về quy cách, nhãn mác, hay các chỉ tiêu về chất lượng... Phần lớn doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thiếu nguồn lực đầu tư về vốn và công nghệ, kinh nghiệm quản trị, sản xuất và nguồn nhân lực còn hạn chế.

Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn thiếu, chưa được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp cho doanh nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý, lao động việc làm, đăng ký thương hiệu còn nhiều hạn chế.

Mặt khác, kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ trực tiếp chưa nhiều, chưa tạo được sự thu hút của doanh nghiệp tham gia vào các chương trình của tỉnh. Các hộ nông dân chưa có ý thức về liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất còn tự phát theo thị trường, thiếu tính hợp tác nên việc hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế. Hiện nay, tỉnh chưa có đội ngũ tư vấn, chuyên gia về lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên việc tạo lập và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế trên cho thấy, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng do nhiều nguyên nhân nên lắm lúc vẫn còn mang tính động viên, khuyến khích là chính, chưa tạo được sức bật cho doanh nghiệp. Đây chính là điều mà tỉnh hết sức trăn trở, đó là làm sao có sự hỗ trợ thích đáng cho doanh nghiệp, chứ không thể hô hào chung chung được.

Vì vậy, cùng với tiếp tục có những giải pháp cần thiết, UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần nhanh chóng rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các chính sách có liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành, để từ đó tổng hợp chính sách, tập trung nguồn lực (nguồn hỗ trợ từ Trung ương) để bảo đảm thực hiện các chính sách được khả thi hơn. Bộ Khoa học-Công nghệ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ và có định hướng cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có đủ năng lực để tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ số, nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức sản xuất.

Việc hỗ trợ cần khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cơ bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn để có thể phát triển sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các chính sách, tạo sức bật cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO