Sắp xếp, tinh giảm cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, bon: Bảo đảm theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Hoàng Bảo| 30/05/2017 10:29

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.309 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và 10.503 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố. Mặc dù đội ngũ cán bộ không chuyên trách đã có nhiều cố gắng trong hoạt động, song qua khảo sát, đánh giá cho thấy, việc bố trí vẫn chưa phù hợp, còn dàn trải.

Ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) hiện có 22 cán bộ không chuyên trách cấp xã, chưa kể trung bình mỗi thôn, bon còn có khoảng 14-15 cán bộ không chuyên trách đảm nhận chức danh bí thư, phó bí thư, mặt trận, hội, đoàn thể, cộng tác viên dân số, y tế…Ngay như Đảng ủy xã, ngoài các cán bộ chuyên trách thì có tới 3 cán bộ không chuyên trách làm công tác tuyên giáo, tổ chức, văn phòng…

Theo ông Lý Văn Hòe, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Khê, mỗi người mỗi việc, trong khi cơ sở vật chất chật hẹp, chỉ có 2 máy vi tính và ai cũng cần nên không biết phải làm sao. Chưa kể, mỗi cán bộ, mỗi công việc, dẫn đến công tác kết nối, xử lý văn bản chưa thống nhất. Người đông, chia nhỏ công việc nên thu nhập cũng không đáng là bao.

Chị Nguyễn Thị Hà, hiện phụ trách công tác tuyên giáo của Đảng ủy xã Quảng Khê, thu nhập mỗi tháng hơn 1,2 triệu đồng, nhưng sau khi trừ các khoản đóng theo quy định, chỉ còn khoảng 900.000 đồng. Thu nhập thấp cũng là nguyên nhân làm cho những cán bộ không chuyên trách như chị Hà mặc dù đam mê nghề nghiệp, nhưng vẫn khó có thể hoàn thành xuất sắc công việc theo yêu cầu.

Chị Hà hiện là cán bộ không chuyên trách đảm nhận công tác tuyên giáo của Đảng ủy xã Quảng Khê (Đắk Glong), dù tâm huyết với công việc, nhưng với mức phụ cấp như hiện nay thì khó mà toàn tâm, toàn ý gắn bó với nghề

Theo ông Hòe, việc sắp xếp lại con người, nhất là cán bộ không chuyên trách cấp xã thực sự rất cần thiết. Một người nếu làm được nhiều công việc khác nhau thì tính kết nối cao hơn, công việc hoàn thành sớm hơn. Mặt khác, họ được tăng thêm một phần phụ cấp thì sẽ ổn định được cuộc sống và yên tâm công tác hơn.

Tương tự, tại xã Thuận Hạnh (Đắk Song), chỉ tính riêng Mặt trận Tổ quốc xã thôi mà có tới 2 phó chủ tịch. Việc này thực sự không cần thiết. Người nhiều, nhưng việc vẫn vậy, chỉ có chia nhỏ ra thì nhiều lúc sẽ sinh ra tính ỷ lại người này người kia, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Chưa kể, tại các khu dân cư đều có trưởng ban và phó ban mặt trận chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức các hoạt động ở khu dân cư.

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo “Báo cáo rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất phương án sắp xếp, bố trí, chế độ, chính sách đối với đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”, hầu hết các đại biểu tham dự đều cho rằng, việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, cấp thôn là rất cần thiết.

Theo lãnh đạo huyện Đắk Mil, hiện nay, hầu hết các vị trí, chức danh huyện đều bố trí hết chứ ít kiêm nhiệm. Hầu hết lực lượng này đều là những người nhàn rỗi, nghỉ hưu hoặc mất sức. Người đông, cho nên khi làm việc thì có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Do đó, việc nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách là điều cần thiết để sau này còn đào tạo để trở thành cán bộ chủ chốt của địa phương.

Theo đồng chí Trương Công Hùng, UVTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, việc sắp xếp, tinh giảm đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã và thôn, bon một cách hiệu quả sẽ bảo đảm mục tiêu xây dựng bộ máy cán bộ không chuyên trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp xếp, tinh giảm cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, bon: Bảo đảm theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO