Sự lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại

Cẩm Trang| 05/06/2018 10:04

Ngày 5/6/1911 đánh dấu sự khởi đầu của quá trình ra đi tìm con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở tiếp thu văn hóa, văn minh của nhân loại và nắm bắt được xu thế phát triển của loài người trong thời đại mới, thông qua con đường cách mạng mà Người lựa chọn, Việt Nam đã kết hợp thành công sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa tới thắng lợi lịch sử cho dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc là một trong số ít các nhà yêu nước ở các nước thuộc địa tiếp thu được “ánh sáng kỳ diệu” từ bản Luận cương của Lênin, nhận thức và nắm bắt được hướng phát triển của thời đại từ sau Cách mạng tháng Mười Nga.

Từ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn vận động của phong trào cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc kết luận “muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được nêu lên trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã phản ánh được sự lựa chọn khách quan của lịch sử, cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu bức thiết của đại đa số các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Bến cảng Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Ảnh tư liệu

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định rõ ràng trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (1930) và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Đây vừa là bài học lớn, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong 88 năm qua, vừa là cội nguồn dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới đất nước.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta tiếp tục con đường cách mạng đã lựa chọn, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Đường lối đổi mới do Đại hội VI hoạch định, được bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội VII, VIII, IX, X, XI, XII là sự nhận thức đúng đắn, khoa học về các quan điểm, nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Qua mỗi bước ngoặt lịch sử, Đảng ta luôn khẳng định “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” được thể hiện trong Cương lĩnh đầu tiên. Đồng thời, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc hơn chủ nghĩa Mác-Lênin, xác định rõ hơn những luận điểm trước đây đúng nhưng bây giờ không còn phù hợp do thực tiễn đã thay đổi; những luận điểm vốn đúng nhưng bị nhận thức sai; những luận điểm cần được bổ sung vào lý luận qua tổng kết thực tiễn đổi mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng nước ta là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”.

Tiếp tục kiên định con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðảng và nhân dân đã lựa chọn, một lần nữa Ðại hội XII nhất quán nhiệm vụ, mục tiêu “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.

Ngày nay, sự nghiệp đổi mới đất nước càng đi vào chiều sâu, càng đòi hỏi Đảng ta phải nắm vững và quán triệt mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải đáp những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra, tiếp tục làm sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển bền vững. Trong quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới của đất nước, Đảng kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện cơ hội, xa rời trên những vấn đề có tính nguyên tắc; kiên quyết và triệt để đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta quyết không chấp nhận con đường nào khác ngoài con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay với thắng lợi trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới đất nước đã chứng minh tính đúng đắn, cách mạng, khoa học và sáng tạo của sự lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam.

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với Việt Nam không chỉ là mục tiêu, là nhu cầu, là cương lĩnh hành động, là ngọn cờ hiệu triệu, mà còn là động lực, là niềm tin sắt son. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới, là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau. Hệ giá trị độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng phù hợp xu thế thời đại, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như mong muốn của Bác Hồ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO