Sửa luật Giáo dục đại học để tháo gỡ “nút thắt” trong đổi mới đào tạo

VOV| 30/05/2018 14:02

Sáng 30/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án luật Giáo dục đại học sửa đổi.

ADQuảng cáo

Luật Giáo dục đại học (GDĐH) được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 là đạo luật đầu tiên điều chỉnh về GDĐH.

Qua 05 năm thực hiện, hệ thống các cơ sở GDĐH đã phát triển đa dạng loại hình với 170 trường công lập, 60 trường tư thục và 05 trường có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, có 04 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài và 05 trường tư thục được thành lập trong giai đoạn này.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình Dự án luật Giáo dục đại học sửa đổi

Nếu như năm 2012, tổng số giảng viên GDĐH là 59.672 người với tỷ lệ tiến sĩ chỉ chiếm 14,27% thì đến năm 2017, số lượng giảng viên đã lên tới 72.792 người, trong đó có 16.514 tiến sĩ, chiếm 22,68%.

Luật GDĐH năm 2012 cũng đã đặt nền móng pháp lý cho tự chủ đại học, điều mà vào năm 2012 vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Luật GDĐH năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: chưa quy định rõ về quyền tự chủ đại học và quản trị đại học; Các quy định về tài chính, tài sản chưa hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học; mức học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở GDĐH.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật GDĐH là quan trọng và cấp thiết. Theo đó, về quản lý tài chính, tài sản, luật sẽ sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở GDĐH sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với luật Giá, luật Phí và lệ phí.

ADQuảng cáo

“Đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện do các cơ quan nhà nước quy định khung giá. Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở GDĐH tự chủ quyết định mức giá dịch vụ, công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh”, Bộ trưởng Nhạ cho biết.

Ngoài ra, theo dự thảo luật, cơ sở GDĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo Thẩm tra Dự án luật Giáo dục đại học sửa đổi

Trình bày Báo cáo Thẩm tra Dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, đa số thành viên Uỷ ban tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ; tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong Dự thảo luật.

Theo Ủy ban, việc sử dụng khái niệm học phí (cũng đã được quy định trong dự thảo luật sửa đổi bổ sung luật Giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục.

Nhiều ý kiến tán thành với quy định cho phép cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước (khoản 2 Điều 65); tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện, trong đó làm rõ phần Nhà nước hỗ trợ và phần phải thu phí thêm.

Đi đôi với cơ chế thu dịch vụ, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học, để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với GDĐH khi tăng mức học phí.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa luật Giáo dục đại học để tháo gỡ “nút thắt” trong đổi mới đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO