Sức lan tỏa từ các phong trào thi đua yêu nước

Hoàng Hoài| 24/04/2017 09:53

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", năm 2016, các phong trào thi đua đã được phát động đến từng đơn vị, địa phương với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Nguyễn Văn Vũ ở tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) áp dụng phương pháp trồng rau thủy canh, mang lại giá trị kinh tế cao

Theo đánh giá, các phong trào thi đua được triển khai bám sát vào thực tiễn địa phương, gắn với thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, bảo đảm an sinh xã hội, nông thôn mới…

Có thể kể đến một số phong trào thi đua như "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, "Đắk Nông chung tay thực hiện cải cách hành chính”, "Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”, "Dạy tốt, học tốt”, "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, "Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”, "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Hiến máu tình nguyện”, "Khám chữa bệnh cho người nghèo”, "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Đắk Nông”...

Điểm nổi bật trong các phong trào thi đua yêu nước của năm qua đó là các cấp, ngành đã gắn kết chặt chẽ việc triển khai thực hiện phong trào thi đua với học tập và làm theo gương Bác Hồ. Sau mỗi đợt thi đua, các đơn vị đều tổng kết, đề nghị khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức thi đua yêu nước, động lực để cán bộ, công chức và nhân dân phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, phát huy tính sáng tạo, cải tiến trong công tác.

Ở huyện Đắk R’lấp, đã triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy phong trào thi đua ở nhiều lĩnh vực cũng như phát hiện và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong công tác, lao động sản xuất và kinh doanh.

Tiêu biểu như bà Lê Thị Kim Liên, thôn 17, xã Nhân Cơ không chỉ sản xuất giỏi, thu nhập cao mà còn có tinh thần tương thân tương ái. Mỗi năm gia đình bà giúp đỡ từ 50-70 lượt hộ nông dân nghèo từ 120-200 triệu đồng không tính lãi, giúp các hộ dân tộc thiểu số tại chỗ mỗi năm từ 40-50 triệu đồng... Ông Trương Công Toàn ở xã Nhân Cơ không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn đóng góp xây dựng nông thôn mới trên 100 triệu đồng và giúp đỡ nhiều hộ gia đình khó khăn… Hai em Điểu Linh và Voòng Thị Hồng Hạnh, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện đạt giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, sẽ được tuyển thẳng vào đại học và nhận học bổng trị giá 400 triệu đồng.

Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh cũng chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng.

Điển hình như Trường mầm non Tạ Thị Kiều ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song), mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, giáo viên và học sinh luôn nỗ lực cố gắng vươn lên, thực hiện tốt nhiệm vụ, các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

ADQuảng cáo

Vào đầu năm học, trường đều phát động phong trào thi đua từ các tổ chuyên môn và đăng ký thi đua tại hội nghị cán bộ, công chức. Nhờ đó, chất lượng chăm sóc, giáo dục đã được nâng lên rõ rệt, vượt trội so với các năm học khác.

Các phong trào của nhà trường được thực hiện đồng bộ với sự tham gia của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Toàn trường hiện có 8 giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Nhiều sáng kiến đổi mới hoạt động được đưa vào ứng dụng thực tế. Như sáng kiến “Biện pháp đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào giáo dục trẻ được nhiều đơn vị đến dự giờ, học hỏi áp dụng rộng rãi tại địa phương.

Ngoài ra, trường cũng đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động giáo dục mầm non như huy động các tổ chức đoàn thể, phụ huynh cùng đóng góp, tham gia làm 350m2 sân bê tông, sơn sửa cổng hàng rào và làm khu vui chơi phát triển vận động cho trẻ…

Với những nỗ lực đó, năm học 2015-2016, Trường mầm non Tạ Thị Kiều đã vinh dự nhận được nhiều khen thưởng của các cấp, ngành, nhất là được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua.

Anh Phan Duy Lam ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) áp dụng khoa học kỹ thuât tiên tiến để cam, quýt cho thu hoạch trái mùa, đem lại hiệu quả kinh tế

Phong trào thi đua "Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020 tiếp tục được tập trung chỉ đạo, triển khai, ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp. Đến năm 2016, bình quân mỗi xã đạt 11,03 tiêu chí/xã, tăng 1,53 tiêu chí/xã so với năm 2015, đạt 139% kế hoạch, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao 0,43 tiêu chí/xã.

Đối với 6 xã điểm của tỉnh bình quân đạt 14,33 tiêu chí, tăng 0,33 tiêu chí/xã so với năm 2015. Riêng 4 xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2016 đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Vào đầu năm 2017, các xã: Đức Minh (Đắk Mil), Tâm Thắng (Chư Jút), Nhân Đạo (Đắk R’lấp) đã vinh dự được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Điển hình như xã Nhân Đạo bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 với điểm xuất phát thấp, chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Những tiêu chí còn lại chủ yếu là về xây dựng cơ sở hạ tầng phải cần rất nhiều nguồn lực để thực hiện như giao thông, thủy lợi, trường học, y tế… Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhân Đạo đã đoàn kết, nỗ lực sáng tạo, đưa việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương trở thành một phong trào quần chúng sôi nổi, rộng khắp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức lan tỏa từ các phong trào thi đua yêu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO