Sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam

Hoài Anh| 01/09/2021 11:50

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Để có được thành công vĩ đại đó, một trong những bài học quý báu là Đảng và Bác Hồ đã phát huy tối đa được sức mạnh nội lực của toàn dân tộc. Sức mạnh nội lực đã được khẳng định trong các thời kỳ cách mạng và vẫn sẽ là nhân tố quyết định để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di nguyện của Người.

ADQuảng cáo

Kết quả tất yếu

Trong tất cả các thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương kết hợp sức mạnh nội lực với sức mạnh ngoại lực để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời của Nhà nước dân chủ Nhân dân ở Việt Nam là cuộc đổi đời vĩ đại không chỉ trong lịch sử Việt Nam mà cả lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên thế giới.

Đông đảo Nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh: TTXVN

Với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” khi thời cơ đến vào giữa tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh nội lực của hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã được phát huy. Chỉ trong vòng nửa tháng, Nhân dân ta đã làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền về tay Nhân dân trên phạm vi cả nước. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là kết quả tất yếu của sự phát huy cao độ sức mạnh nội lực từ các nguồn lực con người và của cải của chính Nhân dân nhằm giải phóng bản thân họ, để từ thân phận nô lệ, đói nghèo, trở thành người làm chủ. Đây là sự hội tụ các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân Việt Nam trong thời điểm quyết định sự sinh tồn của dân tộc.

Phát huy sức mạnh nội lực, dân tộc Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, bằng sức mạnh nội lực to lớn, sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một quốc gia kém phát triển, ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều năm chiến tranh và bị bao vây cấm vận, Việt Nam từng bước khẳng định uy thế, vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế. Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững…

Bằng tinh thần quảng giao trong quan hệ quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, đến nay, nước ta có quan hệ hữu nghị hợp tác với 189 quốc gia, trong đó 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế, đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. Thực hiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của quốc tế, phát huy vai trò tại nhiều cơ chế đa phương, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn cũng như hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (2008-2009 và 2020-2021), Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020), Hội nghị cấp cao ASEM (2004), Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006, 2017), Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (2010) và về ASEAN (2018), Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên (2019)… Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là những thành quả tất yếu từ quá trình phát huy sức mạnh nội lực của cả dân tộc Việt Nam.

ADQuảng cáo

Khơi dậy khát vọng

Văn kiện Đại hội XIII đã coi phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước hiện nay. Theo các chuyên gia, cần phải xác định rõ rằng: Nội lực không chỉ là tiền của đang nằm trong "túi dân" mà là toàn bộ trí tuệ, tâm huyết, ý chí, quyết tâm của mỗi con người Việt Nam. Để phát huy nội lực, trước hết, chúng ta phải phát huy sức mạnh của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm để "xóa đói, giảm nghèo", xóa bỏ hết bần hàn, lạc hậu. Văn kiện Đại hội XIII có một điểm mới là ngay trong chủ đề đại hội đã nhấn mạnh chủ trương "sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại". Nói đến sức mạnh thời đại là nói đến sức mạnh của hợp tác quốc tế và khoa học, công nghệ. Ngày nay, dù hướng ra bên ngoài để gia tăng nội lực là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia nhưng nội lực vẫn là quyết định và chỉ khi thực sự có nội lực, ta mới có thể đưa ra quan điểm độc lập của mình về các vấn đề quốc tế và tiến hành "hòa nhập" mà không "hòa tan".

Một góc thủ đô Hà Nội hôm nay. Ảnh tư liệu

Khát vọng đặt ra từ Đại hội XIII của Đảng là dân tộc Việt Nam phải bứt phá vươn lên, cất cánh. Theo GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, muốn làm được điều đó, chúng ta phải có vị thế quốc tế. Vấn đề đặt ra là chúng ta làm sao vận dụng được tất cả những gì người Việt Nam có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế. Ở đây nhìn từ góc độ con người là tài nguyên quý giá nhất và vô tận. Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân phát huy cao độ nội lực trong thời điểm mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Người Việt Nam ở trong nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới đã chứng tỏ sự thông minh, tài giỏi, nhanh nhẹn, uyển chuyển, linh hoạt, giỏi xử lý tình huống của mình thông qua những thành tích họ đạt được cống hiến cho thế giới trên rất nhiều lĩnh vực, đến lúc phải phát huy tối đa nguồn lực đáng giá này.

Cũng theo GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang, Đại hội XIII đề cập nhiều đến một thời kỳ phát triển mới, đó là thời kỳ vượt qua những thử thách, Việt Nam đã tích lũy đủ nền tảng, tiềm lực để bước vào giai đoạn “cất cánh”. Việt Nam không còn ở thời kỳ phát triển bình thường mà là phát triển đột phá. Nhớ lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi cho thầy và trò ngay ngày độc lập đầu tiên từ năm 1945 là dân tộc Việt Nam phải bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu. Một thời gian rất dài, nghe điều đó như một lời khích lệ, nhưng đến thời điểm này, phải tự hào mà khẳng định rằng đất nước chúng ta đang có được những điều kiện để thực hiện mục tiêu đó.

Vấn đề nội lực dân tộc là một điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam thời kỳ mới  bắt nguồn từ lòng dân. Do đó, chỉ với sức mạnh đoàn kết nhất trí của toàn dân, sức mạnh của nền kinh tế tự chủ ngày càng vững mạnh, một nền văn hóa dân tộc được phát huy với những con người Việt Nam có phẩm chất, năng lực, trí tuệ cùng với một quân đội giữ vững truyền thống và với lập trường ngoại giao khôn khéo tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi thì chúng ta mới có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đưa đất nước vững bước tiến lên. Đặc biệt, sức mạnh nội lực của quốc gia còn là ý chí của toàn dân tộc, lúc này là ý chí chấn hưng đất nước theo định hướng phát triển, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu. Ý chí đó thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng tập thể, từng cấp lãnh đạo, quản lý, đó là sức mạnh to lớn đưa dân tộc Việt Nam tiến lên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO