Suy ngẫm về một câu hỏi của Bác Hồ ở thời khắc lập nước

Mai Mộng Tưởng| 01/09/2017 10:42

Trong thời khắc rất đỗi thiêng liêng của buổi sáng ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời, đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Người đã hỏi hàng vạn nhân dân đang dự buổi công bố Tuyên ngôn Độc lập là: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, dù không nằm trong nội dung bản Tuyên ngôn nhưng câu hỏi mộc mạc, giản dị ấy vừa thể hiện sự gần gũi của vị Chủ tịch nước đối với nhân dân, vừa thể hiện tính nhân văn cao cả của một nhà văn hóa kiệt xuất, một nhân cách lớn của lãnh tụ hết lòng vì nước, vì nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ảnh tư liệu

Câu nói nổi tiếng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tấm lòng trân trọng của Người đối với toàn thể nhân dân, bởi theo Người, trên đời này không có gì quý bằng nhân dân, không có gì to lớn mạnh mẽ bằng nhân dân, không có gì thay thế được nhân dân. Chính vì vậy, suốt đời Bác luôn lấy mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống. Không những tự mình giữ mực thước trong mối quan hệ với nhân dân, mà Bác còn nhắc nhở, dạy bảo, cổ súy cho cả hệ thống chính trị và nhân dân chú trọng làm thật tốt mối quan hệ máu thịt này. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc ấm no, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Hai tiếng đồng bào Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng ở thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy còn có ý nghĩa chính trị lớn lao biết bao, khi cuối bản Tuyên ngôn Độc lập, Người lại tiếp tục dõng dạc tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Truyền thống dân tộc Việt Nam qua 4.000 năm lịch sử đã khẳng định khí phách hiên ngang của con Lạc, cháu Hồng, không một kẻ thù nào có thể khuất phục, ý chí về “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” đã được Bác Hồ chú tâm căn dặn và điều này đã trở thành chân lý bất biến rằng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”, đó còn là sự tiếp nối khẳng định truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam bằng câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Đồng bào (cùng một bọc), hai tiếng thiêng liêng ấy cũng đã được Bác Hồ và Đảng ta trân trọng đặt ra trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây, để kêu gọi đồng bào hai miền Nam, Bắc chung sức, chung lòng đánh thắng quân xâm lược bảo vệ đất nước. Tiếng gọi đồng bào thiết tha của Đảng và Bác Hồ đã được nhân dân hai miền đáp ứng hết lòng, nhân dân đã không tiếc máu xương, của cải để chi viện sức người, sức của giúp đỡ nhau làm nên những chiến thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu như Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/1954) tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Bắc, chiến thắng của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4/1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Khi nghĩ và trải lòng mình về đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: Hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân".

Nhìn lại chặng đường 72 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực tiễn đã và đang khẳng định tầm vóc của mình trước thế giới, chúng ta đang và sẽ tiếp tục hiên ngang, hãnh diện sánh vai cùng các nước trên khắp châu lục, hội nhập ngày càng sâu vào quá trình tham gia xây dựng một thế giới đương đại vì hòa bình, hạnh phúc, tiến bộ và no ấm của toàn nhân loại.

Sự nghiệp đổi mới đất nước đã trải qua hơn 30 năm đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhưng cũng có nhiều vận hội mới, thời cơ mới mà chúng ta đã tỉnh táo, tranh thủ nắm bắt, vận dụng mềm dẻo, sáng tạo vào điều kiện thực tế cụ thể của cách mạng Việt Nam. Theo đó, chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá của quá trình hội nhập, làm cho đất nước phát triển không ngừng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn đang tiềm ẩn khó lường, cần hết sức cảnh giác, nhất là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần và quyền lợi chính đáng của nhân dân. Tất nhiên, điều đó không là trách nhiệm của riêng ai mà là việc phải làm của mỗi người Việt Nam hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Suy ngẫm về một câu hỏi của Bác Hồ ở thời khắc lập nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO