Tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh

Bài, ảnh: Hoàng Hoài| 08/01/2019 10:06

Đó là những nội dung được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh luôn chú trọng nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Người dân có thể góp ý trực tiếp cho cán bộ Mặt trận về cán bộ, đảng viên và tổ chức. Ảnh: Cán bộ MTTQVN tỉnh gặp gỡ, nói chuyện với bà con bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song)

Theo đó, ngay từ đầu năm, Mặt trận các cấp đã tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo chuyển biến tích cực và thống nhất về nhận thức. Hiện nay, MTTQ đã triển khai quy trình tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; đồng thời xây dựng kế hoạch giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên bảo đảm nội dung, phạm vi, hình thức theo đúng quy định.  

Trong các hoạt động, Nhân dân có thể góp ý cho cán bộ, đảng viên, các tổ chức trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, hội nghị, sinh hoạt hoặc gián tiếp qua thùng thư góp ý. Năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp 250 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; trong đó có 235 ý kiến kiến nghị trực tiếp, 16 ý kiến kiến nghị bằng văn bản. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri có 7.701 lượt cử tri tham gia 1.278 ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc cấp quyền sử dụng đất, quản lý bảo vệ rừng, đất đai, xây dựng đường giao thông, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, đền bù, giải tỏa mặt bằng…

Các ban giám sát đầu tư cộng đồng và ban thanh tra nhân dân thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng giám sát và hoạt động dựa trên quy chế cụ thể. Hiện nay, toàn tỉnh có 71 ban thanh tra nhân dân và 65 ban giám sát đầu tư cộng đồng, trong đó, trưởng ban là phó chủ tịch MTTQ cấp xã.

Năm 2018, hai ban này đã tổ chức 142 cuộc giám sát, kiến nghị xử lý 18 vụ việc, chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết đạt tỷ lệ 90%. Khoảng 609 tổ hòa giải với hơn 3.560 hòa giải viên; trong đó có 625 hòa giải viên là cán bộ mặt trận cũng ngày càng phát huy vai trò trong giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã tham gia hòa giải 321 vụ, trong đó hòa giải thành công 296 vụ, chiếm 94%. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện thường xuyên. Toàn tỉnh đã tổ chức được 482 hội nghị tuyên truyền với hơn 37.542 lượt người tham dự; thành lập 125 nhóm nòng cốt, 18 câu lạc bộ pháp luật, 29 mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Công tác tham gia và phối hợp giám sát giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân được Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được quy định. Qua đó, Mặt trận các cấp tiếp 132 lượt công dân đến phản ánh, gửi đơn khiếu nại tố cáo và 114 đơn thư các loại. Thông qua tiếp công dân. Mặt trận đã hướng dẫn, tuyên truyền để Nhân dân hiểu rõ hơn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ, là cầu nối giữa Nhân dân với chính quyền các cấp.

Công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền cũng được Mặt trận các cấp ngày càng chú trọng hơn, góp phần nâng cao vị thế trong việc thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho Nhân dân. Qua mỗi năm, công tác giám sát được triển khai với quy trình chặt chẽ, nội dung thiết thực, có sự phối hợp đồng bộ với các tổ chức thành viên và các cơ quan nhà nước.

Đối với công tác phản biện xã hội, MTTQ tỉnh đã tổ chức tham gia góp ý phản biện vào 262 dự thảo văn bản; tổ chức 2 hội nghị phản biện xã hội và 9 cuộc đối thoại trực tiếp, góp ý 153 nội dung góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Năm 2018, Mặt trận các cấp đã tổ chức được 8 cuộc giám sát cấp tỉnh, 142 cuộc giám sát cấp huyện, 65 cuộc giám sát cấp xã. Ủy ban MTTQ các cấp cử đại diện tham gia 126 cuộc giám sát các tổ chức thành viên và cơ quan nhà nước. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề được Nhân dân quan tâm như đền bù, giải tỏa mặt bằng, xây dựng công trình công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Các tổ chức chính trị xã hội cũng dựa vào chức năng, nhiệm vụ để thực hiện các cuộc giám sát nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho hội viên. Điển hình, Hội Phụ nữ giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; hỗ trợ kinh phí hoạt động của các chi hội ở xã đặc biệt khó khăn. Hội Nông dân tổ chức 780 cuộc kiểm tra, giám sát gắn với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị liên quan đến hoạt động Hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO