Tham gia kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến địa phương

Nguyễn Hiền| 22/05/2017 13:44

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 22/5 đến 21/6 tại Hà Nội. Tham dự kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Nông đã chuẩn bị mọi điều kiện, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, chuyển tải ý nguyện của cử tri tại diễn đàn.

Đoàn ĐBQH tỉnh mời các cơ quan chuyên môn có ý kiến đóng góp dự thảo các luật sẽ trình tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Thu thập ý nguyện của cử tri...

Theo Đoàn ĐBQH tỉnh, ngay sau kỳ họp thứ 2, Đoàn đã bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 với nhiều hoạt động chuyên sâu. Đối với hoạt động lập pháp, Đoàn đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho 5 dự thảo luật. Để việc góp ý sát với thực tiễn, các dự thảo luật được gửi đến các cơ quan chức năng xin ý kiến đóng góp. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp, các đại biểu sẽ tập trung góp ý 11/13 dự án luật được Quốc hội đưa ra như: Luật ỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, luật Trợ giúp pháp lý, luật Quản lý nợ công, luật Chuyển giao công nghệ, luật Du lịch, luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, luật Bảo vệ và phát triển rừng, luật Tố cáo...

Tại kỳ họp, các đại biểu sẽ tập trung tham gia góp ý vào 4/5 dự thảo nghị quyết tại kỳ họp như: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Để hoạt động chất vấn, giám sát và góp ý xây dựng nghị quyết đạt hiệu quả, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện phù hợp. Hoạt động giám sát được Đoàn triển khai đồng thời giữa giám sát các báo cáo và thực tế để đối chiếu, so sánh, rút ra những hạn chế cần khắc phục. Hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp là “kênh” quan trọng để Đoàn thu thập, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vấn đề “nóng”, những hạn chế, bất cập trong thực hiện các chính sách.

Theo ông Võ Đình Tín, TUV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, nhằm làm tốt vai trò “cầu nối” của mình, Đoàn đã tranh thủ ý kiến định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những vấn đề phát triển của địa phương để có sự nhìn nhận, định hướng sâu hơn... Đoàn cũng nghiên cứu tình hình phát triển kinh tế, xã hội cũng như xu thế phát triển của địa phương để có những ý kiến, kiến nghị phù hợp trong hoạt động xây dựng chính sách. Ngoài thực hiện các nhiệm vụ chung, mỗi đại biểu cũng luôn chủ động thu thập, nghiên cứu sâu và đa chiều những vấn đề đang được cử tri, nhân dân quan tâm để tham gia một cách hiệu quả trong quá trình đóng góp ý kiến tại các phiên thảo luận tổ, xây dựng chính sách, chất vấn.

Sẽ nêu những vấn đề “nóng” tại kỳ họp

Cũng theo ông Tín, trên cơ sở đã nghiên cứu và nắm bắt tình hình thực tiễn, trong hoạt động giám sát tại kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ phát huy hết tinh thần trách nhiệm để tập trung nghiên cứu và cùng Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Đặc biệt, Đoàn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và dự kiến sẽ tham gia tại kỳ họp về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, giai đoạn 2011-2016. Trong đó, Đoàn sẽ nêu rõ tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm từ năm 2011-2016 và những yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới đối với địa phương. Đoàn sẽ đề ra các giải pháp và nhóm kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và cả đối với UBND tỉnh.

Trong hoạt động chất vấn, các đại biểu dự kiến sẽ tham gia nhiều ý kiến chất vấn đối với các bộ trưởng, trưởng ngành, nhất là những vấn đề được cử tri trên địa bàn tỉnh quan tâm như: Khai thác tài nguyên khoáng sản, môi trường; vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; tính khách quan của việc thi tuyển, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức; công tác bổ nhiệm cán bộ; sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên hiện nay....

Riêng đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT, Đoàn sẽ chất vấn những vấn đề liên quan nhiều đến địa phương như cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về cơ chế cho thuê đất, thuê rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng để hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng hoặc tranh chấp đất đai phức tạp giữa công ty lâm nghiệp với người dân.

Việc giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp gây thiệt hại về kinh tế, tác động tiêu cực đến sinh kế của người dân tồn tại từ lâu, nhưng chưa có giải pháp, quyết sách xử lý dứt điểm. Vì vậy, Đoàn sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp-PTNT cùng với các bộ ngành liên quan nghiên cứu để có chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân, nhất là về thị trường đầu ra cũng như xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham gia kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO