Tham nhũng vặt, hậu quả lớn

Thụy Nguyên| 19/07/2019 10:21

Tình trạng tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đang trở thành một vấn đề lớn, khiến cho Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm xử lý.

ADQuảng cáo

Tham nhũng vặt không chỉ được cử tri, người dân ở Đắk Nông quan tâm phản ánh mà thực tế nó đã trở thành vấn đề của cả xã hội. Trước thực trạng tham nhũng vặt, ngày 22/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong xử lý công việc.

Tại Hội nghị phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10 do Chính phủ tổ chức vừa qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tình trạng tham nhũng vặt là sự khó chịu, phiền hà. Với tổng thể nền kinh tế, tham nhũng vặt gây lãng phí, làm xấu hình ảnh quốc gia. Nói là tham nhũng vặt, nhưng hậu quả là rất lớn. Ông Vũ Tiến Lộc nêu dẫn chứng: Năm 2018, VCCI khảo sát 10.000 doanh nghiệp, kết quả cho thấy tình trạng tham nhũng vặt và phí bôi trơn đã giảm so với năm trước. Tuy nhiên, vẫn có 55% doanh nghiệp phải trả khoản chi không chính thức và khoảng 7% doanh nghiệp phải trả hơn 10% doanh thu cho các khoản phí không chính thức. Cứ 10 doanh nghiệp thì có hơn 5 doanh nghiêp phải chi trả phí không chính thức, 6 doanh nghiệp bị nhũng nhiễu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đối tượng tham nhũng vặt được nói đến ở đây là những người làm việc ở các cơ quan hành chính Nhà nước. Vậy, do đâu mà xuất hiện tham nhũng vặt? Đâu là nơi để tham nhũng vặt tiếp tục có đất sống?

ADQuảng cáo

Nhận định nguyên nhân chủ yếu xảy ra tham nhũng vặt, trong Chỉ thị số 10 đã nêu: "Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Thậm chí có nơi còn bao che, dung túng cho hành vi sai trái của nhân viên. Một nguyên nhân quan trọng khác chính là tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn thấp...". Bên cạnh đó còn do một số luật còn chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà… đã tạo "kẽ hở" cho sự nhũng nhiễu.

Để hạn chế tham nhũng vặt, Chỉ thị số 10 nêu rõ đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, việc thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan đơn vị; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm… sẽ góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Theo thông tin do ông Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cung cấp tại Hội nghị phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10: Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã hơn 5.000 cán bộ, công chức ở lĩnh vực thuế, hải quan phải chuyển công tác. Số cán bộ này chủ yếu tập trung ở những địa bàn mà người dân, doanh nghiệp phản ánh có tình trạng nhũng nhiễu. Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm 2019, sẽ có hơn 6.000 cán bộ khác cũng ở lĩnh vực thuế, hải quan phải chuyển đổi vị trí công tác vì lý do này.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ mục tiêu, đến năm 2030 phải giảm lượng công chức có hành vi nhũng nhiễu xuống 10% (hiện là 30%); đồng thời, giảm tỉ lệ công chức có hành vi tham nhũng trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân xuống 5% (hiện là 20%). Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 10. Từng bộ, ngành, địa phương phải xác định có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng vặt như: Thuế, hải quan, quản lý đất đai, xây dựng…

Có thể nói, ngoài việc xác định, nhận diện nguy cơ và hậu quả của tham nhũng vặt thì vấn đề thực thi, xử lý vấn nạn này cần phải làm quyết liệt và đồng bộ. Đã đến lúc, mỗi người dân hay cán bộ, công chức, viên chức phải xem tham nhũng vặt là một vấn nạn, cần phải đấu tranh, loại bỏ một cách quyết liệt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham nhũng vặt, hậu quả lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO