Thận trọng, không làm tràn lan, không chạy theo số lượng trong luân chuyển cán bộ

Phan Tân thực hiện| 08/02/2018 09:23

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã thực hiện khá đồng bộ công tác luân chuyển cán bộ, nhất là với đội ngũ cán bộ nguồn, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách thực tiễn, giúp cho cán bộ có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhanh, toàn diện hơn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trương Công Hùng, UVTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

ADQuảng cáo

Đồng chí Trương Công Hùng

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời gian qua?

Đ/c Trương Công Hùng: Có thể nói, công tác luân chuyển cán bộ là một khâu rất quan trọng trong công tác cán bộ. Qua luân chuyển nhằm tạo điều kiện để cán bộ trẻ, cán bộ trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thực tiễn, nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị. Từ đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn cũng như tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn về nguồn cán bộ, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.

Vì vậy, trong những năm qua, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ngành, địa phương, đơn vị nghiêm túc thực hiện công tác luân chuyển cán bộ. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay đã tiến hành luân chuyển 81 trường hợp. Bên cạnh đó, công tác luân chuyển cán bộ nguồn của tỉnh đã qua các lớp bồi dưỡng kiến thức thực tiễn về công tác ở cơ sở cũng được quan tâm. Cụ thể, tỉnh đã tiến hành luân chuyển 37 trường hợp cán bộ nguồn về giữ các chức vụ là trưởng, phó các phòng, ban cấp huyện và chức vụ chủ chốt ở cấp xã.

Nhìn chung, công tác luân chuyển cán bộ trong những năm gần đây đã mang lại một số kết quả tích cực. Các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhận thức rõ hơn vai trò, tầm quan trọng và đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ được luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Về phía cán bộ được luân chuyển có bước trưởng thành, biết vận dụng, phát huy năng lực, chuyên môn được đào tạo vào việc lãnh đạo, điều hành công việc; có ý thức rèn luyện, giữ gìn đạo đức, lối sống, đoàn kết, cùng tập thể lãnh đạo địa phương thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Nhiều cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cấp huyện, cấp tỉnh. Một số trường hợp được cơ sở đề xuất tiếp tục ở lại cống hiến cho địa phương.

Mặt khác, qua thực hiện công tác luân chuyển cán bộ cũng đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương.

ADQuảng cáo

PV: Được biết, công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, đồng chí có thể cho biết cụ thể?

Đ/c Trương Công Hùng: Bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trên, qua thực tiễn công tác luân chuyển cán bộ vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, một số ít cấp ủy, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác luân chuyển cán bộ. Việc sắp xếp vị trí “trống” để luân chuyển cán bộ về công tác còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, một số cán bộ, nhất là cán bộ nguồn của tỉnh đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức thực tiễn đưa vào kế hoạch luân chuyển nhưng chưa thực hiện được. Số lượng cán bộ luân chuyển chưa nhiều. Các chính sách dành cho cán bộ luân chuyển chưa thật sự thỏa đáng...

PV: Công tác luân chuyển cán bộ sẽ được tỉnh thực hiện theo “lộ trình” nào để vừa bảo đảm tính ổn định, phát triển vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ?

Đ/c Trương Công Hùng: Để công tác luân chuyển cán bộ thực sự có hiệu quả từng giai đoạn và hàng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy luôn tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ một cách cụ thể, sát với yêu cầu của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, cán bộ đưa vào kế hoạch luân chuyển phải căn cứ vào kết quả quy hoạch, sở trường, năng lực thực tiễn, trình độ chuyên môn, điều kiện tiêu chuẩn của từng chức danh được quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Cụ thể, trong năm 2013, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 28 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý sau quy hoạch nhiệm kỳ 2015-2020 và Kế hoạch số 29 về luân chuyển cán bộ nguồn của tỉnh. Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Kế hoạch số 54 và 55 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh theo quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, công tác luân chuyển được tiến hành từng bước, thận trọng, không làm tràn lan, chạy theo số lượng để bảo đảm yêu cầu cho công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thực tiễn và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, góp phần trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc luân chuyển phải bố trí cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với việc phát triển cán bộ tại chỗ. Đặc biệt, quá trình lựa chọn cán bộ đưa vào luân chuyển được thực hiện một cách công khai, dân chủ, công bằng, khách quan; phải là cán bộ trẻ trong quy hoạch, có triển vọng phát triển, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác tốt, nổi trội.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là công tác quản lý, giám sát, đánh giá cán bộ luân chuyển, xem xét, bố trí cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn, nhất là lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ được luân chuyển và nhận xét, đánh giá cán bộ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng, không làm tràn lan, không chạy theo số lượng trong luân chuyển cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO