Thành lập thành phố Gia Nghĩa góp phần thúc đẩy sự phát triển chung

Thanh Nga thực hiện| 31/12/2019 08:48

Ngày 17/12, tại Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định thành lập phường Quảng Thành và thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông từ ngày 1/1/2020. Trước sự kiện ý nghĩa này, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Ninh, TUV, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa.

Ông Trần Đình Ninh

Phóng viên: Thưa ông, việc Gia Nghĩa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành thành lập thành phố có tầm quan trọng như thế nào đối với phát triển kinh tế - xã hội của Gia Nghĩa nói riêng, của tỉnh nói chung?

Ông Trần Đình Ninh: Khi xây dựng đề án đề nghị tỉnh và Trung ương xem xét phát triển lên thành phố thì điều đầu tiên đối với Gia Nghĩa là phải bảo đảm các tiêu chí về hạ tầng, thu nhập, thu ngân sách... Bởi vậy, Hội đồng thẩm định quốc gia đã về địa phương khảo sát, đến những vùng còn nghi ngờ nhưng thấy đều đã đạt những tiêu chí lên thành phố.

Trung ương đánh giá Gia Nghĩa đủ điều kiện lên thành phố đã khẳng định tốc độ phát triển đô thị tốt, sự phát triển kinh tế và thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ cây xanh, tỷ lệ xử lý rác thải… đều đạt tiêu chí. Đương nhiên, việc lên thành phố sẽ nâng cao vị thế kinh tế - xã hội, nâng cao tầm văn hóa và đời sống, nên người dân đều mong muốn và ủng hộ.

Một góc Gia Nghĩa hôm nay. Ảnh: Văn Biên

Phóng viên: Gia Nghĩa trở thành thành phố thì những tiềm năng, lợi thế nào sẽ được khai thác hiệu quả tốt nhất, thưa ông?

Ông Trần Đình Ninh: Không phải bây giờ mà lâu nay, trách nhiệm của chính quyền địa phương là phải tìm ra những ưu thế và có giải pháp cơ bản để Gia Nghĩa phát triển. Ưu thế của Gia Nghĩa thứ nhất là mặc dù địa hình bát úp nhưng rất đẹp, nên đòi hỏi chúng ta tuân thủ các quy hoạch và quản lý quy hoạch thật tốt. Hiện tại, chúng tôi đã trình quy chế quản lý kiến trúc để Sở Xây dựng thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Thứ hai là khí hậu của Gia Nghĩa rất tốt, quanh năm mát mẻ và hầu hết mọi người đến đây cũng đều thừa nhận. Gia Nghĩa có những địa điểm có cảnh quan, nhất là những ngọn đồi, hồ nước, con suối rất đẹp, có thể phát triển thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển bộ mặt đô thị.

Song song với việc phát triển du lịch, một trong những điều chúng tôi mong muốn sẽ tạo ra sự đột phá đó là thu hút vốn đầu tư để phát triển hạ tầng. Thu ngân sách của tỉnh năm nay ước khoảng 3.000 tỷ đồng; trong đó, Gia Nghĩa ước đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng chi ngân sách chỉ hơn 400 tỷ đồng và đầu tư không đáng kể, khoảng 100 tỷ đồng. Có thể nói, hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư nữa vẫn chưa đủ cho xây dựng và phát triển đô thị Gia Nghĩa. Bởi vậy, chúng tôi phải tính đến đầu tư vốn làm công trình nào và đến đâu là phát huy hiệu quả đến đấy. Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là nhiệm kỳ vừa rồi, Gia Nghĩa đã làm rất hiệu quả, được người dân ủng hộ.

Khi lên thành phố, Gia Nghĩa có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn thuận lợi hơn. Bởi lẽ, khi nói đến thành phố thì người ta nghĩ ngay đô thị đã phát triển và từ đó sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư nhiều hơn - đó là “chất xúc tác” để nhà đầu tư nhìn vào tiềm năng của Gia Nghĩa!

Một góc Gia Nghĩa hôm nay. Ảnh: Văn Biên

Phóng viên: Về phát triển thương mại, công nghiệp và du lịch, ông thấy sau này phải tập trung như thế nào khi Gia Nghĩa đã trở thành thành phố?

Ông Trần Đình Ninh: Thu hút phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ thì cần phải có chính sách mà chính sách thì ở cấp tỉnh. Tôi cho rằng, tỉnh cần phải có chính sách thu hút đầu tư để các nhà đầu tư phát triển khách sạn, nhà hàng, các siêu thị lớn, còn về phía chính quyền Gia Nghĩa luôn đồng hành cùng nhà đầu tư. Trong nhiệm kỳ vừa qua, khi tiếp xúc với các doanh nghiệp không có ai chất vấn chúng tôi cả. Tôi thấy thêm một doanh nghiệp tới hoặc xây một cái nhà to là rất phấn khởi.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng khi lên thành phố, Gia Nghĩa cần có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp và mở rộng địa giới, ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Đình Ninh: Hiện nay, Gia Nghĩa có diện tích 284,11 km2  và dân số trên 85.000  người. Khi trở thành thành phố, chúng tôi dự kiến xây dựng đề án và xin chủ trương mở rộng diện tích gấp khoảng 3 lần so với diện tích hiện tại, trong đó dự kiến mở rộng ra hết cả xã Nhân Cơ, một phần xã Đắk Wer của huyện Đắk R’lấp, một phần xã Đắk Ha của huyện Đắk Glong và một phần xã Trường Xuân của huyện Đắk Song. Như vậy, khi đó Gia Nghĩa sẽ có được Khu công nghiệp Nhân Cơ và Cụm công nghiệp Đắk Ha. Đối với vùng lõi của đô thị thì chúng tôi không mong muốn phát triển công nghiệp quy mô lớn vì nó ảnh hưởng tới môi trường đô thị, mà có thể phát triển một số công nghiệp sạch, chế biến vừa và nhỏ và phải ứng dụng công nghệ cao.

Người dân mong muốn khi Gia Nghĩa trở thành thành phố, đời sống sẽ phát triển hơn

Phóng viên: Người dân có ý kiến chênh lệch giàu nghèo khi lên thành phố, vậy cần có giải pháp nào?

Ông Trần Đình Ninh: So với tiêu chuẩn xác định hộ nghèo chung của cả nước thì chúng ta đã xóa rồi. Tính đến hết năm 2019, thị xã Gia Nghĩa đã xóa nghèo, tức là không còn hộ nghèo mà chỉ có hộ cận nghèo. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng một chuẩn nghèo mới với các tiêu chuẩn cao hơn, có nghĩa là công tác xóa nghèo phải được triển khai liên tục.

Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai để tạo ra một trong những khâu đột phá nữa, đó là sản xuất nông nghiệp phải theo hướng thông minh, sạch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có sản phẩm sạch của Gia Nghĩa để phục vụ cho phát triển du lịch và xuất khẩu, nâng cao đời sống của người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có các chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập thành phố Gia Nghĩa góp phần thúc đẩy sự phát triển chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO