Thắt chặt công tác tuyển dụng để đẩy lùi, ngăn chặn việc sử dụng bằng cấp giả

Ngọc Dũng| 21/12/2017 09:20

Tại các cuộc tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND tỉnh mới đây, cử tri ở nhiều địa phương phản ánh, hiện nay tình trạng sử dụng bằng cấp giả của một số cán bộ, công chức đang ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, sự trong sạch của hệ thống chính trị.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức), lãnh đạo huyện Tuy Đức khẳng định đã xử lý các trường hợp sử dụng bằng cấp giả

Mong làm trong sạch đội ngũ cán bộ

Từ việc sử dụng bằng giả của lãnh đạo một số tỉnh, thành trong cả nước, tại các buổi tiếp xúc, cử tri đã liên hệ và phản ánh đến thực trạng tại địa phương. Việc xử lý một lãnh đạo xã tại huyện Đắk R’lấp vừa qua là một điển hình.

Ông Nguyễn Xuân Luân ở thôn 2, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ sử dụng bằng cấp giả. Phải thừa nhận rằng, thời kỳ đổi mới, điều kiện ở các địa phương còn nhiều khó khăn, trong khi số lượng cán bộ trình độ còn hạn chế. Trong cộng đồng xuất hiện những người năng động, nhiệt huyết nên dần được nhân dân địa phương tín nhiệm, bầu giữ làm những vị trí phù hợp ở thôn, bon, xã. Chúng ta cũng phải ghi nhận những đóng góp của bộ phận này ở những thời điểm nhất định. Tuy nhiên, một số trường hợp lạm dụng lòng tin, hợp thức hóa bằng cấp bằng cách sử dụng bằng giả để tham gia vào những vị trí quan trọng khác ở chính quyền địa phương, trái với quy định. Dù nguyên nhân gì đi nữa thì việc làm này là  không hợp với đạo đức của người cán bộ. Ngoài những trường hợp này thì cũng có một số cán bộ khác vì danh lợi nên cố tình sử dụng bằng giả để tự “nâng cấp” trình độ của mình lên.

Theo cử tri Nguyễn Tiến Hùng ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức), thời gian qua, nhiều cán bộ sử dụng bằng cấp giả vẫn giữ những chức vụ quan trọng, then chốt ở xã. Nếu có tâm huyết, những người này có thể cống hiến ở những lĩnh vực, vị trí phù hợp hơn. Những người vừa thiếu về trình độ học vấn, vừa yếu về trình độ lý luận chính trị thì khó để có thể có những bước đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Hùng dẫn chứng, có trường hợp người dân phát hiện ra cán bộ chỉ học đến lớp 4 nhưng lại giữ vị trí quan trọng ở xã. Một số cán bộ có nhiều vi phạm vẫn được bầu bổ sung vào cấp ủy xã. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền cần phải về thanh tra, kiểm tra làm rõ. Muốn nói dân nghe, dân tin thì trước hết phải làm “trong sạch” đội ngũ cán bộ.

Cán bộ phải đủ năng lực, đạo đức

Ông Trương Thành Nam ở thôn 3, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) cho rằng, thực tế là những năm gần đây, con em tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Thế nhưng, trên địa bàn lại có tình trạng cán bộ sử dụng bằng giả, bằng cấp không đủ quy chuẩn. Việc sử dụng cán bộ có bằng cấp thấp hay bằng giả gây ảnh hưởng rất lớn trong quá trình thi hành nhiệm vụ. Có những trường hợp lãnh đạo, chỉ đạo theo chủ nghĩa cá nhân, từ đó dẫn đến tình trạng quan liêu… Một số cán bộ làm sai đường lối, không biết giải thích như thế nào với dân nên có tình trạng sợ gặp dân. Hiện nay, với sự phát triển kinh tế - xã hội và trình độ dân trí, đòi hỏi người cán bộ phải có trình độ, phải có năng lực lãnh đạo, có sáng kiến, hiểu biết để phục vụ nhân dân. Nếu cán bộ có năng lực, đạo đức, công tác, việc làm hợp ý Đảng, lòng dân thì mới tạo được sự đồng thuận xã hội, không có tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp... Vì vậy, Nhà nước cần phải xiết chặt việc quản lý cán bộ, “thanh lý” những cán bộ không đủ năng lực ra khỏi bộ máy để bảo đảm việc lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương phát triển một cách bền vững.

Trước phản ánh của cử tri, ông Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức khẳng định: Địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ vi phạm, nhất là sử dụng bằng giả. Trong năm 2016, huyện đã phát hiện và kỷ luật 6 trường hợp cán bộ sử dụng bằng giả. Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện cũng phát hiện và đã xử lý 3 cán bộ sử dụng bằng giả ở các xã Quảng Tâm, Đắk Búk So. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kiểm tra, phát hiện và xử lý những trường hợp cán bộ vi phạm trong sử dụng bằng cấp.

Liên quan đến những phản ánh của cử tri về tình trạng cán bộ, công chức sử dụng bằng giả, đại biểu Bùi Thanh Sơn-Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Đắk Nông là một tỉnh còn nhiều khó khăn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức được tuyển dụng càng phải bảo đảm năng lực, trình độ để có những bước đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo. Riêng đối với cán bộ cấp xã là người gần dân nhất, sát dân nhất, phải “đi sát, chạm đến bà con”, nên phải nâng cao năng lực lãnh đạo là điều rất cần thiết. Cử tri, nhân dân cũng cần góp sức vào việc làm sạch bộ máy, nhưng việc phản ánh phải trung thực, chính xác và có dẫn chứng cụ thể. Với những phản ánh của cử tri, nhân dân, chính quyền các cấp cần vào cuộc điều tra làm rõ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thắt chặt công tác tuyển dụng để đẩy lùi, ngăn chặn việc sử dụng bằng cấp giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO