Thiêng liêng bản hùng ca người lính !

Hoàng Bảo| 30/04/2022 11:28

47 năm đã trôi qua, nhưng thời khắc lịch sử ngày 30/4 thiêng liêng, đầy tự hào khi miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối luôn là những ký ức đẹp không thể nào phai trong lòng những người lính Cụ Hồ.

Nghẹn lòng, khóc không thành tiếng

Năm 1971, ông Nguyễn Văn Chiến hiện ở tổ dân phố 2, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) theo tiếng gọi của Tổ quốc gác bút lên đường nhập ngũ. Đơn vị ông Chiến thuộc Sư đoàn vận tải 471 với nhiệm vụ chính là thông tuyến, bảo vệ các đoàn xe hành quân, các tuyến đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm...

Đầu năm 1975, ông Chiến cùng đồng đội đã có mặt tại mặt trận Gia Lai - Kon Tum. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ nghi binh địch, nên dù có hy sinh hay bị địch bắt cũng phải kiên quyết giữ bí mật kế hoạch tiến công của quân đội ta. Khi chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột - Tây Nguyên kết thúc, Sư đoàn 471 chia làm 3 cánh quân, một cánh vận chuyển hướng vào Sài Gòn, một cánh vận chuyển đi hướng Nha Trang và một cánh quân đánh ở Gia Lai.

Đơn vị ông thuộc cánh quân tiến vào Sài Gòn. Quãng đường hành quân từ Buôn Ma Thuột tiến về Sài Gòn, đơn vị được giao nhiệm vụ vừa đi vừa đánh những chốt nhỏ còn sót lại của địch vừa bảo vệ vừa thông tuyến. Chiều 29/4, đơn vị ông đã có mặt tại Sài Gòn và được lệnh tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất và khu ra đa Phú Lâm.

30/4/1975 là thời khắc ông Chiến không bao giờ quên theo năm tháng

9h 40', ngày 30/4, đơn vị ông đã có mặt tại ra đa Phú Lâm, lúc này địch bị lực lượng của ta đánh bỏ chạy gần hết, chỉ còn khoảng một đại đội. Đội pháo cao xạ được lệnh bắn vào các điểm chốt còn lại của địch.

Ông Chiến cho biết: “Trưa 30/4, khi radio thông báo Sài Gòn giải phóng, Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, tôi nghẹn lòng, khóc không thành tiếng. Lúc đó, tôi 23 tuổi, chưa vợ con, chưa người yêu, nên nghe tin đất nước thống nhất, điều đầu tiên là biết rằng mình còn sống, chỉ mong sớm được về gặp mẹ và tiếp tục thực hiện giấc mơ còn dang dở là trở thành sinh viên”.

Chiến tranh, mất mát nhiều, tổn thương nhiều, nhưng tình đồng chí, đồng đội luôn ấm cúng. Ông Chiến còn nhớ, ông may mắn thoát chết hai lần đều nhờ sự che chở, hy sinh của đồng đội.

“Lúc bấy giờ, chúng tôi không coi nhau như cấp trên cấp dưới mà chỉ là tình anh em, đồng chí thân thương. Khi chúng tôi bị địch đánh bằng máy bay B52, cả trận địa pháo bị xóa sổ gần hết. Tôi và chính trị viên đi đào bới các lớp bùn đất để xem có ai còn sống hay không. Lần này, địch tiếp tục rải bom, thủ trưởng thương tôi chưa vợ con nên đã lấy thân mình che chở”, ông Chiến cho biết thêm.

Bây giờ đây, mỗi dịp 30/4, dù tuổi cao, sức khỏe yếu, quên đi nhiều thứ diễn ra trong cuộc sống, nhưng thời khắc lịch sử 30/4, tình anh em đồng chí, đồng đội thì dù chết ông Chiến luôn nhớ để mang theo. Bởi đó chính là niềm tự hào, thiêng liêng về bản hùng ca của người lính và là thứ quý giá nhất mà những người còn sống may mắn được lưu giữ.

Ký ức không phai nhòa

Năm 1970, ông Hà Văn Nguộp hiện ở tổ dân phố 6, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Từ năm 1971-1973, đơn vị ông thuộc Sư đoàn 308 được giao nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Cuối năm 1973, ông được điều động về phục vụ tại Tỉnh đội Thanh Hóa.

Ông Nguộp tâm sự: “Sau khi được lệnh về lại Thanh Hóa, lòng tôi luôn thấp thỏm, thương đồng đội không biết sống chết ra sao, thương đồng bào miền Nam, bởi chiến trường không biết lúc nào ngơi tiếng súng. Một năm rưỡi ở Thanh Hóa chưa ngày nào tôi không nghe đài báo về tình hình chiến sự của miền Nam và thời khắc 30/4/1975 tới nhanh hơn suy nghĩ của chúng tôi.

Những kỷ niệm liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn được ông Chiến lưu giữ, trân trọng

Chúng tôi từng trải qua chiến tranh gian khổ, nằm trong hầm, sống giữa bom rơi đạn nổ. Chiến trường tôi tham gia là từ vĩ tuyến 17 trở ra, cứ 30 phút địch lại rải một loạt B52, nên việc thương vong không thể tránh khỏi. Cho nên lúc đài thông báo miền Nam được giải phóng, anh em chúng tôi reo hò, vui mừng, khóc cười lẫn lộn, tim đập rộn ràng vì biết rằng từ đây đất nước thống nhất, mình sẽ được gặp lại đồng đội”.

Quá khứ gian nan, bão đạn đã tôi luyện cho những người lính như ông Nguộp tinh thần thép, nên khi trở về thời bình, ông luôn tin tưởng vào những quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, luôn gương mẫu, làm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

Viết tiếp bản hùng ca

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, toàn tỉnh hiện có hàng chục ngàn hội viên cựu chiến binh, trong đó chủ yếu là tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đối với mỗi người lính, dù trực tiếp chiến đấu ở miền Nam hay các mặt trận khác thì thời khắc lịch sử 30/4/1975 chính là niềm tự hào, thiêng liêng, không thể nào quên. Lúc ấy, dù ở mặt trận nào, những người lính Cụ Hồ đều vui mừng, sung sướng, không từ ngữ nào có thể diễn tả khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, miền Nam được giải phóng.

Dù thời chiến hay thời bình, ông Nguộp vẫn luôn gương mẫu, phát huy phẩm chất của "Bộ đội Cụ Hồ"

Chiến tranh kết thúc, đồng nghĩa với việc Bắc-Nam sum họp một nhà, còn người lính thì được trở về quê hương đoàn tụ cùng người thân, có quyền được ước mơ, nghĩ về tương lai. Nhiều năm trôi qua, những người lính ấy xưa kiên cường, dũng cảm đánh thắng quân giặc thì nay lại dám nghĩ, dám làm, tiên phong trên mặt trận mới.

Lực lượng cựu chiến binh trong tỉnh luôn nỗ lực vươn lên chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội; là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong các phong trào, hoạt động của địa phương. Họ đã và đang viết tiếp bản hùng ca về người lính Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiêng liêng bản hùng ca người lính !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO