Thông cáo số 14 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV

Cổng TTĐT Quốc hội| 07/06/2019 08:42

Ngày 6/6/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 14 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Theo chương trình nghị sự, buổi sáng, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

ADQuảng cáo

Tham gia Đoàn Chủ tịch có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (điều hành phiên họp); Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua việc bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp; thảo luận tại Tổ về: Dự án luật Chứng khoán (sửa đổi); Dự án luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành luật Tổ chức tòa án nhân dân.

Buổi sáng:

Từ 8h00 đến 9h50: Quốc hội tiếp tục dành thời gian chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Trong quá trình chất vấn đã có 34 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 09 đại biểu Quốc hội tranh luận.

Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn tập trung vào vấn đề sau: Chi ngân sách đầu tư cho văn hóa; Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ tiền công đức; Giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam; Giải pháp phát huy văn hóa ứng xử của người Việt để thu hút khách du lịch; Giải pháp ngăn chặn tình trạng đi du lịch nước ngoài rồi bỏ trốn; Việc xử lý các tour du lịch 0 đồng; Vấn đề thương mại hóa các công trình tâm linh; Việc xử lý các hành vi lệch chuẩn trong lĩnh vực văn hóa và giải pháp khắc phục tình trạng lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động mê tín, dị đoan; Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý các giáo phái lạ; Công tác tổ chức cho đồng bào trong nước và du khách nước ngoài vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Giải pháp tăng cường thị phần phim Việt Nam, bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, văn hóa các dân tộc thiểu số; Tiêu chí xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú…

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tham gia trả lời chất vấn và giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan. Phát biểu kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên chất vấn đã diễn ra khá sôi nổi, với tinh thần trách nhiệm, xây dựng. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Bộ trưởng cơ bản nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý và đã nghiêm túc nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế và cũng đề xuất những giải pháp để giải quyết. Thời gian qua, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là lĩnh vực thể thao, đã trở thành niềm tự hào, góp phần tạo nên sức mạnh, nâng cao vị thế của Quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế với những mặt trái đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần và gây ra không ít những vấn đề bức xúc trong Nhân dân và dư luận. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn, tập trung vào một số vấn đề sau đây:

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý để quản lý văn hóa, thể thao và du lịch;

- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong đó đặc biệt quan tâm đến một số lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống; hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, phát hành phim, ảnh về truyền thống lịch sử, dân tộc; chú trọng bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật, các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể;

- Tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, cuộc thi người đẹp, người mẫu trái quy định và không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt Nam. Có các biện pháp tuyên truyền, lên án, chấn chỉnh các biểu hiện của lối sống “lệch chuẩn”, ứng xử thiếu văn hóa, nhất là thông qua các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và điện ảnh;

- Tiếp tục phát huy giá trị tốt đẹp, truyền thống của các tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có các giải pháp, biện pháp đồng bộ trong việc phòng, chống mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để thu lợi bất chính; chấn chỉnh các hành vi lợi dụng tâm linh để tiến hành các hoạt động không có trong giáo lý, giáo luật; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn pháp luật về quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, quản lý và sử dụng nguồn thu đúng mục đích; 

- Làm tốt công tác quy hoạch bảo tồn, nhất là các khu di tích Quốc gia đặc biệt, có giá trị lịch sử, văn hóa để bổ trí nguồn lực cho duy tu bảo trì, ưu tiên các công  trình đang xuống cấp;

- Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch để tương xứng với tiềm năng tài nguyên, thiên nhiên; tiếp tục triển khai kế hoạch quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch.

Từ 9h50 đến 11h15: Theo chương trình phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tại phiên chất vấn, các đại biểu tập trung chất vấn về những nội dung sau: Chủ trương, định hướng lớn của Chính phủ về ngoại giao văn hóa; Các giải pháp đột phá để phát triển du lịch Việt Nam; Giải pháp đối với tình trạng chuẩn mực đạo đức bị vi phạm; Ứng xử của Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; Vấn đề biển Đông; Vấn đề thủy điện trên sông Mê Công; Giải pháp bảo hộ ngư dân đánh bắt xa bờ trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam; Cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại; Nguyên nhân, giải pháp đối với tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc gắn nhãn mác Việt Nam; Nguyên nhân, giải pháp đối với tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn ODA; Chính sách của Chính phủ trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời; Chính sách di dời, tái định cư đối với đồng bào dân tộc, miền núi… Trong quá trình chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng tham gia trả lời chất vấn về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

ADQuảng cáo

Từ 11h15 đến 11h30: Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn từ ngày 4-6/6. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 đối với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của 4 vị Bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Cùng tham dự chất vấn và trả lời chất vấn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và một số Bộ trưởng, thành viên Chính phủ có liên quan.

Kết quả phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, các nội dung chất vấn đúng và trúng những vấn đề mà Nhân dân, cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Tại phiên chất vấn, đã có 230 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn và xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng tập trung đi thẳng vào vấn đề chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận, làm rõ các vấn đề quan tâm, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp để khắc phục. Nội dung câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội đã thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, đồng thời thể hiện sự đồng hành, chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành và góp phần gợi ý, bổ sung giải pháp cho các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành hướng tới giải quyết hiệu quả các tồn tại, hạn chế, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của Nhân dân và cử tri cả nước.

Về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội đã hài lòng với những nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ và trưởng ngành. Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp vào vấn đề được hỏi, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực và cam kết khắc phục tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Mặc dù thời gian chất vấn và trả lời chất vấn giảm so với các kỳ họp trước, nhưng số lượng các đại biểu tham gia và khối lượng câu hỏi chất vấn tăng lên, điều đó cho thấy hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn vẫn luôn là một nội dung trọng tâm của kỳ họp.

Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu, chuẩn bị nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc giám sát việc thực hiện, đồng thời, giúp Chính phủ, các bộ, các ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là những cam kết của thành viên Chính phủ trước Quốc hội.

Buổi chiều:

Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường. Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp về những nội dung sau:

Từ 14h đến 14h10: Quốc hội biểu quyết thông qua việc bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp. Kết quả cụ thể như sau: Số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết là 430 (bằng 88,84%); trong đó, có 419 đại biểu Quốc hội tán thành (bằng 86,57%); có 11 đại biểu Quốc hội không tán thành (bằng 2,27%). Như vậy, đa số các đại biểu Quốc hội đã đồng ý thông qua việc bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp.

Từ 14h10 đến 15h30: Quốc hội nghe: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án luật Chứng khoán (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án luật Chứng khoán (sửa đổi); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Chánh án Tòa nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành luật Tổ chức tòa án nhân dân; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành luật Tổ chức tòa án nhân dân.

Từ 15h40 đến 17h00: Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án luật Chứng khoán (sửa đổi); luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành luật Tổ chức tòa án nhân dân.

Đối với Dự án luật Chứng khoán (sửa đổi), trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật Chứng khoán nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập của luật Chứng khoán sau hơn 10 năm thi hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung, như: Phạm vi điều chỉnh; Vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty đại chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng; Quản trị công ty đại chúng; Mô hình tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán; Chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam; Thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán; Điều khoản chuyển tiếp…

Đối với Dự án luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật Dân quân tự vệ năm 2009 nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật Dân quân tự vệ hiện hành. Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung luật Dân quân tự vệ, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung sau: Vị trí, chức năng và nhiệm vụ của Dân quân tự vệ; Việc sử dụng một số thuật ngữ trong luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Tổ chức, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ; Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ; Tổ chức Tự vệ trong doanh nghiệp; Hệ thống chỉ huy Dân quân tự vệ; Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng; Chế độ, chính sách và nhiệm vụ chi cho Dân quân tự vệ…

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành luật Tổ chức tòa án nhân dân, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết nhằm kịp thời bổ sung nguồn Thẩm phán cao cấp để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và bảo đảm điều kiện để kiện toàn lãnh đạo TANDTC; đồng thời, thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết như đã nêu trong nội dung Tờ trình của Chánh án TANDTC. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung, như: Tình hình triển khai thi hành luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2004 và nghị quyết số 81; Thực tế và nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp khắc phục để bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và kiện toàn lãnh đạo TANDTC; Điều kiện để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC…

Thứ sáu, ngày 7/6/2019:Buổi sáng, Quốc hội tiến hành xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về 01 nội dung của Dự thảo luật Kiến trúc và một nội dung trong phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Sau đó, Quốc hội họp riêng nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2018, 2019 và thảo luận tại Hội trường về nội dung trên. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về: Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán nhà nước; Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành luật Tổ chức tòa án nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông cáo số 14 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO