Thủ tướng sẽ chủ trì khai trương cổng Dịch vụ công quốc gia ngày 9/12

TTXVN| 08/12/2019 07:09

Ngày 7/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và cho biết Cổng Dịch vụ công quốc gia khai trương ngày 9/12/2019.

ADQuảng cáo

Cuộc họp báo còn có sự tham dự của đại điện lãnh đạo Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn VNPT; các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)...

Họp báo giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết chiều 9/12, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia tại Hà Nội và kết nối với 5 điểm cầu khác gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Nam và Kon Tum. Đây là dấu ấn quan trọng trong mục tiêu Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ và phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”.

Cổng Dịch vụ công quốc gia được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất www.dichvucong.gov.vn, là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục.

Cổng Dịch vụ công quốc gia ra đời giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải các hệ thống thông tin qua việc cung cấp các nền tảng, dữ liệu dùng chung, gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; hệ thống phản ánh, kiến nghị; bộ câu hỏi/trả lời; nền tảng xác thực (VNConnect); nền tảng thanh toán (PaymentPlatform).

Ngoài ra, Cổng Dịch vụ công quốc gia giúp các cơ quan nhà nước tăng cường việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Mặt khác, Cổng thông tin cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua cơ chế công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách.

Cổng Dịch vụ công quốc gia có chức năng cho phép giấy tờ, thông tin tổ chức, cá nhân đã cung cấp một lần thành công được tái sử dụng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau và kết quả giải quyết thủ tục hành chính được công nhận tính pháp lý trên toàn hệ thống.

Cổng Dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành sẽ thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng hàng năm của Liên Hợp Quốc.

ADQuảng cáo

Giao diện của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ảnh chụp màn hình

Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, cho biết Cổng Dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động sẽ giảm đáng kể chi phí trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Theo tính toán, tổng chi phí tiết kiệm được của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các dịch vụ công cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tháng 12/2019 khoảng 4.222 tỷ đồng/năm; trong đó lợi ích khi thực hiện trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (Lợi ích tăng thêm so với khi thực hiện ở Cổng Dịch vụ công của bộ, địa phương) khoảng 1.736 tỷ đồng/năm.

Các giải pháp chức năng tính năng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá đảm bảo chất lượng, phù hợp với các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế.

Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá mức độ an ninh an toàn thông tin để đảm bảo mức độ an toàn, và sẵn sàng các giải pháp bảo vệ đối phó, ứng cứu, đảm bảo an toàn thông tin.

Văn phòng Chính phủ cũng cho biết sau thời gian vận hành thử nghiệp, đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia đã đủ điều kiện và sẵn sàng để triển khai chính thức.

Theo lộ trình tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến, năm 2020 sẽ tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; sau năm 2020, tăng dần mỗi năm tích hợp 20% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành, địa phương.

Dự kiến trong quý I/2020, các dịch vụ công được tích hợp vào Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm: Nộp thuế điện tử đối với cá nhân (thuế thu nhập cá nhân, cá nhân kinh doanh); cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách; hủy tờ khai hải quan; khai bổ sung hồ sơ hải quan; thu phí, lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy; thu phạt vi phạm giao thông đường bộ; đổi giấy phép lái xe (mức độ 4); cấp mới giấy phép lái xe; đăng ký kinh doanh; cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; nhóm dịch vụ công về trang thiết bị y tế; đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; khai sinh; cấp phiếu lý lịch tư pháp; nhóm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng sẽ chủ trì khai trương cổng Dịch vụ công quốc gia ngày 9/12
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO