Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): Phát huy vai trò của nhân dân, báo chí và công luận

Tường Mạnh| 21/06/2017 08:15

Chương trình hành động số 2843/CTr-UBND của UBND tỉnh Đắk Nông về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhấn mạnh đến nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết.

Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển bóa” trong cán bộ, công chức, viên chức.

Có thể nói, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một thực tế cho thấy, mặc dù Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt, nhưng sự thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền vẫn diễn ra nghiêm trọng. Hậu quả của nó không những làm đảo lộn những giá trị, chuẩn mực về đạo đức, làm vẩn đục các mối quan hệ xã hội mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Với tính chất nghiêm trọng và đòi hỏi bức xúc của toàn xã hội, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã xác định, cần phải phát huy vai trò của nhân dân, báo chí và công luận trong việc giám sát và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bởi vì, không có hành vi tiêu cực, sai trái nào lại có thể qua được “tai mắt” của quần chúng nhân dân.

Thực tế, riêng đối với tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, theo đánh giá của tỉnh, để tạo niềm tin, phát huy vai trò của nhân dân, công tác tiếp dân và giải quyết những kiến nghị của công dân đã được quan tâm và thực hiện ngày càng tốt hơn. Cơ quan chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu đã chú ý nhiều hơn đến việc đối thoại trực tiếp với người dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện đã tổ chức đối thoại với nhân dân tại một số điểm nóng về tranh chấp đất đai, khiếu kiện. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và kết luận để điều chuyển hoặc xem xét, xử lý kỷ luật đối với một số cán bộ, đảng viên, công chức có dư luận liên quan đến tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, để nhân dân tin tưởng, tích cực tham gia góp ý cho cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng hiệu quả hơn, tỉnh cũng đang tiếp tục có cơ chế, biện pháp, tạo điều kiện cho người dân có thể giám sát, phát huy vai trò của mình. Trong chương trình hành động, UBND tỉnh đã nhấn mạnh đến việc cần phải xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Theo đó, cùng với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, các cấp chính quyền phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân kiểm tra cũng như tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc trong nhân dân.

Các vụ việc nổi cộm liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, dù người đó là ai, ở cương vị nào phải được tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh, dứt điểm, tạo lòng tin trong nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Qua đó, nhân dân sẽ luôn trở thành là “tai mắt”, sẵn sàng lên tiếng, phản ánh một cách trung thực những khuất tất, tiêu cực, biểu hiện suy thoái, biến chất xảy ra trong đội ngũ cán bộ, công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): Phát huy vai trò của nhân dân, báo chí và công luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO