Thực hiện tốt công tác dân tộc: Củng cố niềm tin vào Đảng (kỳ 2): Chuyển biến từ chính sách đặc thù

Lưu Ngân - Thùy Dương| 30/12/2019 09:10

Trong những năm qua, Đắk Nông luôn tiên phong, sáng tạo trong việc ban hành cơ chế, đề án, chương trình nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc. Đây là nỗ lực lớn của tỉnh, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan.

Kịp thời ban hành chính sách đặc thù

Đắk Nông là một trong số ít địa phương có chương trình, đề án đặc thù cho vùng đồng bào DTTS. Trong giai đoạn  2004-2019, tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết: Chỉ thị 04-CT/TU, ngày 7/5/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kết nghĩa giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang đối với buôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/4/2006 về công tác cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 22/12/2016 của HĐND tỉnh ban hành chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết 56); Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND ngày 6/9/2016 của HĐND tỉnh Đắk Nông về việc ban hành chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Đắk Nông từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021...

Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thực hiện các chính sách đặc thù về giảm nghèo; hỗ trợ lãi suất; phát triển bon, buôn trọng điểm và bon, buôn có đông đồng bào DTTS sinh sống; chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS của tỉnh; chương trình kết nghĩa bon/buôn đồng bào DTTS...

Tỷ lệ đáp ứng nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng có nhu cầu cần tưới trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 76,98%. Ảnh: Hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu cho diện tích cây trồng tại thôn 7, xã Quảng Khê (Đắk Glong)

Chuyển biến công tác giảm nghèo

Tại Nghị quyết  56, HĐND nêu rõ, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt mục tiêu Nghị quyết số 19/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa II đề ra nhưng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung toàn tỉnh vẫn còn ở mức cao (19,26%). 

Người nghèo đồng bào DTTS tại chỗ ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó khăn tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản cũng như các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người nghèo. Tình trạng “mừng được vay, lo lãi suất” là một nguyên nhân khiến nhiều hộ nghèo đồng bào DTTS  còn thờ ơ với nguồn vốn vay để sản xuất, cải thiện nhà ở, công trình nước sạch và vệ sinh..., từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội các hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ, dẫn đến khả năng nghèo mới, tái nghèo là rất cao.

Từ thực trạng đó, yêu cầu đặt ra cần phải có những chính sách đặc thù riêng cho những hộ đồng bào DTTS tại chỗ, nhằm tạo điều kiện cho các hộ đồng bào phát triển sản xuất, tăng thu nhập và có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Nghệ nhân H'Sôi, xã Quảng Khê (Đắk Glong) vẫn giữ thói quen dệt thổ cẩm góp phần giữ gìn các hoa văn truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ

Nghị quyết 56 đặt ra mục tiêu chung là không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS tại chỗ; tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các dân tộc và các nhóm dân cư; khuyến khích thoát nghèo bền vững, phấn đấu đến năm 2020, đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo.

Thực hiện nghị quyết, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ các chính sách. Kết quả, tính đến cuối năm 2019, chính sách hỗ trợ lãi suất cải thiện nhà ở có 512 hộ vay với dư nợ 12,675 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ 126 triệu đồng; hỗ trợ lãi suất xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 759 hộ, dư nợ 4,356 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ 224 triệu đồng; hỗ trợ lãi suất phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 4.762 hộ, dư nợ 125,067 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ 5,120 tỷ đồng.

Chính sách giảm nghèo cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2018, tổng số hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm 2,13% so với năm 2014, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 2,96% so với năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo DTTS tại chỗ giảm 7,44% so với năm 2014. So với năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tỉnh Đắk Nông hiện nay đã tăng gần 3 lần.

Một giờ học của trẻ em DTTS tại điểm trường mầm non ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức)

Giá trị văn hóa được giữ gìn, phát huy

Thời gian qua, tỉnh đã có các đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS. Điển hình như Đề án bảo tồn và phát huy lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc tại chỗ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2010-2015, tỉnh đã khôi phục được 50 lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ; mua 150 bộ chiêng, 15 bộ goong, 384 trang phục của người M’nông và người Ê đê; xây dựng 2 bộ tư liệu về truyền dạy cồng chiêng và di sản cồng chiêng của 3 dân tộc M’nông, Mạ và Ê đê; xuất bản sách tục ngữ Việt - M’nông đồng nghĩa...

Tỉnh cũng đã triển khai có hiệu quả Đề án sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa tỉnh Đắk Nông đến năm 2020. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đã sưu tầm được trên 3.000 hiện vật thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn hóa dân tộc, khảo cổ học, ảnh thời sự...

Tỉnh cũng đã xây dựng 7 bộ sưu tập hiện vật văn hóa dân tộc có giá trị lịch sử thẩm mỹ như: đàn đá Đắk Kar; bộ đàn đá Đắk Sơn... Các bộ sưu tập của DTTS tại chỗ M’nông, Ê đê, Mạ gồm 13 thuyền độc mộc, 13 trống, 51 chóe, 22 nồi đồng, 2 ghế Kpan...

Phấn khởi vì được quan tâm, hỗ trợ, động viên, ngày 16/10/2019, tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Nông lần thứ III năm 2019, các đại biểu đã khẳng định tính đúng đắn và nhất quán của các chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo, về phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các DTTS. Quyết tâm thư của Đại hội khẳng định, đồng bào các DTTS tỉnh Đắk Nông có niềm tin son sắt và mãi mãi đi theo con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng bào ghi tạc lời dạy của Bác Hồ “sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không hề giảm bớt”; tin tưởng và đồng lòng, chung sức cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc, với tinh thần “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển...”

Bộ mặt nông thôn thay đổi

Có thể thấy, nhờ sự vào cuộc điều hành chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, đến nay, tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh đạt 62%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88,4%, tỷ lệ cấp nước sạch tại các đô thị đạt 100%, tỷ lệ đáp ứng nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng có nhu cầu cần tưới đạt khoảng 76,98%. Hạ tầng giáo dục được tập trung đầu tư mở rộng từ cấp mẫu giáo đến cấp phổ thông trung học. Đến nay, toàn tỉnh có 396 cơ sở giáo dục, 132 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 15 cơ sở giáo dục và 12 trường chuẩn so với đầu năm 2016...

Các chính sách hỗ trợ kịp thời đi vào cuộc sống đã góp phần giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tính đến ngày 30/6/2019, tỉnh đã có 16/61 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 16 xã so với năm 2014), bình quân mỗi xã đạt 13,16 tiêu chí/xã. Trong đó, có 13/61 xã đạt 19/19 tiêu chí, tăng 13 xã so với năm 2014; có 8/61 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, tăng 6 xã so với năm 2014; có 30/61 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, tăng 17 xã so với năm 2014; số xã đạt từ 5-9 tiêu chí giảm từ 41/61 xã vào năm 2014 xuống còn 10/61 xã vào năm 2019 và không có xã nào dưới 5 tiêu chí. Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, dự kiến đến năm 2020, Đắk Nông sẽ có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện tốt công tác dân tộc: Củng cố niềm tin vào Đảng (kỳ 2): Chuyển biến từ chính sách đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO