Thực hiện tốt công tác dân tộc: Củng cố niềm tin vào Đảng (kỳ 3): Đầu tư cho phát triển bền vững

Lưu Ngân - Thùy Dương| 31/12/2019 10:01

Sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị sẽ là tiền đề, động lực to lớn để công tác dân tộc đạt được nhiều thành công, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới.

Phân bổ nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Theo Ban Dân tộc tỉnh, hệ thống chính sách giảm nghèo ngày càng mở rộng, tăng nhanh, bao phủ được đối tượng nhưng một số chính sách có sự trùng lặp và việc phân bổ nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhất là lĩnh vực nông nghiệp, vốn cho khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, trong khi nhu cầu lớn nhưng nguồn lực thực hiện chính sách lại dàn trải, nằm ở nhiều chương trình, đề án khác nhau dẫn đến một số chính sách được ban hành nhưng không có kinh phí để thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả...

Bộ đội hướng dẫn bà con dân tộc Mông, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) chăm sóc cà phê

Đơn cử, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 102). Theo Phòng dân tộc huyện Đắk Glong, chính sách này khuyến khích người dân phát huy tính tự chủ, có quyền lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu.

Tuy nhiên, mức hỗ trợ theo quyết định này lại khá thấp, chỉ ở mức 80.000 đồng/người/năm đối với các hộ nghèo thuộc các xã khu vực II; 100.000 đồng/người/năm đối với xã khu vực III. Số tiền này không đáp ứng được nhu cầu của người dân, do đó số lượng cây trồng, vật nuôi hỗ trợ cho người dân cũng rất ít ỏi. Điều đó dẫn đến việc trồng trọt, chăn nuôi cũng manh mún theo, rất khó đạt hiệu quả.

Thực tế triển khai qua 8 năm tại địa bàn huyện cho thấy,  hiệu quả lâu dài còn hạn chế và thiếu tính bền vững; chính sách hỗ trợ thực hiện trong thời gian dài, nhưng định mức hỗ trợ không được điều chỉnh, còn quá thấp, chưa đủ mạnh để hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo ở vùng khó khăn, chưa đạt mục tiêu chính sách đề ra. Vì là cơ chế "cho không" nên xuất hiện một bộ phận người dân trông chờ ỷ lại vào chính sách của nhà nước, không có ý thức tự vươn lên thoát nghèo... 

Với những kết quả không đạt như kỳ vọng, sau khi có các đánh giá từ các địa phương, ngày 6/6/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 25/2018/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định 102, dừng thực hiện chương trình từ ngày 1/1/2019.

Ngoài chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân đạt hiệu quả thấp, thì một số chương trình cũng không tập trung. Hầu hết các chính sách đều mang tính chất hỗ trợ; nhiều chính sách phải kéo dài thời gian dẫn đến định mức không còn phù hợp với thực tế; có chính sách do huy động nhiều nguồn vốn, khi cấp vốn không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc bố trí vốn đối ứng của các địa phương gặp khó khăn do đa số các địa phương vùng dân tộc và miền núi đều phải nhận trợ cấp ngân sách từ trung ương.

Theo ông Nguyễn Hữu Kiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê (Đắk Glong), hằng năm, việc phân bổ vốn cho các công trình dự án giảm nghèo theo kế hoạch mà địa phương đăng ký còn tình trạng dàn trải. Nghĩa là, cứ mỗi công trình, dự án phê duyệt vốn được vài hạng mục. Từ đây, nhiều công trình nằm trong tình cảnh kéo dài từ năm này qua năm khác. Từ thực tế triển khai ở cơ sở, ông Kiện cho rằng, nên chăng nguồn vốn cần được phân bổ tập trung hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn. Như vậy, việc triển khai thực hiện các dự án thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn..

Một góc xã Quảng Sơn (Đắk Glong) hôm nay

Chồng chéo nhiều chương trình

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, mặc dù đã có những chuyển biến nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn cao, công tác thoát nghèo chưa bền vững; mạng lưới giao thông liên thôn, liên xóm đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về mùa mưa; văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang bị mai một; chất lượng giáo dục, y tế tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn....

Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài việc một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về công tác dân tộc; cơ chế điều hành phân công trách nhiệm giữa các cơ quan chưa rõ ràng; một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn bằng lòng với cuộc sống, có tâm lí trông chờ, ỷ lại… thì việc có quá nhiều chương trình, chính sách khiến cho việc đầu tư không được tập trung, hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV mới đây cũng đã chỉ rõ, hiện nay, chính sách đối với đồng bào DTTS không phải là ít. Sau khi Quốc hội rà soát, có đến 118 chính sách,  trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS, vùng DTTS và 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào DTTS. Các chính sách không tập trung, mà nằm rải rác ở các lĩnh vực, các bộ, ngành, chương trình, đề án. Do đó, hiện nay, tại vùng đồng bào DTTS vẫn là nơi khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngày 27/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết về nội dung quan trọng này là một quyết định đúng chủ trương, đường lối của Đảng, đúng Hiến pháp; tiếp tục thực hiện lời dặn của Bác Hồ đối với công tác dân tộc, nhất là đồng bào DTTS ở vùng rẻo cao, miền núi, biên giới và khu căn cứ cách mạng; để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, từng bước vững chắc, để miền núi tiến kịp miền xuôi, đồng bào ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tích hợp các chính sách

Nhìn nhận thực tế hiện nay tại vùng đồng bào DTTS, Chính phủ xác định cần thiết phải xây dựng một đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Để tích hợp các chính sách trở thành một chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư phát triển bền vững cho đồng bào DTTS ở miền núi, ngày 18/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, với 89,44% đại biểu Quốc hội tán thành, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 đã được thông qua.

Đề án đã đưa ra mục tiêu tổng quát, đồng thời xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó đáng chú ý là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng hơn 2 lần so với năm 2020. Định hướng mục tiêu đến năm 2030 là thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước, giảm hộ nghèo xuống dưới 10%, cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới…

Việc Quốc hội có chủ trương cùng Chính phủ hệ thống, tích hợp lại các chính sách đã ban hành nhằm tập trung trong đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp. Đây cũng là một nội dung thiết thực thực hiện bộ công cụ tự đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc và Liên minh nghị viện thế giới đã xác định, chọn Việt Nam làm điểm.

Từ đổi mới cách ra Nghị quyết, Quốc hội đã chỉ rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh, rõ quan điểm xuyên suốt, bao trùm của Đề án là đầu tư cho vùng DTTS, miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, tạo cơ chế, chính sách để tập trung nguồn lực, đồng thời động viên, hướng dẫn để đồng bào vươn lên, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và cuộc sống, không cam chịu đói nghèo.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14.000.000 người cư trú phân tán xen kẽ ở 51 tỉnh, thành phố, vùng DTTS và miền núi có vị trí quan trọng mang tầm chiến lược về chính trị kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, DTTS và miền núi có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Phó Thủ tướng cho biết, để phát triển toàn diện vùng DTTS, miền núi, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho thôn bản khó khăn. Chính phủ sẽ chỉ đạo bộ ngành, trình cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách ở mức cao nhất hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện tốt công tác dân tộc: Củng cố niềm tin vào Đảng (kỳ 3): Đầu tư cho phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO