Tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng đối với vùng dân tộc, miền núi

Phan Tân| 27/01/2016 16:03

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng đối với vùng dân tộc, miền núi; trong đó xác định và nhấn mạnh cần phải chú ý quan tâm đến các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây duyên hải miền Trung.

Điều này không chỉ cho thấy Trung ương tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng đối với vùng dân tộc, miền núi mà còn là tâm tư nguyện vọng gửi gắm tới Đại hội XII của Đảng của đại biểu các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông.

Đồng bào M'nông ở bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực (Tuy Đức) khám bệnh tại Trạm Y tế. Ảnh: Y KRẮK

Theo đánh giá của các đại biểu thì những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội ở các tỉnh, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển nhanh, nhất là về xây dựng kết cấu hạ tầng như giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, thông tin liên lạc.

Được tạo điều kiện về đất sản xuất, nhà ở, vốn, hướng dẫn kỹ thuật… đại bộ phận đồng bào đã yên tâm sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng. Đối với những vùng khó khăn về đất sản xuất, một số doanh nghiệp cà phê, cao su, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã đưa lao động là người dân tộc thiểu số vào làm công nhân, tạo thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.

Đại biểu K’păh Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, từ nhiều năm nay, Đảng và Chính phủ đã quan tâm chăm lo đến công tác xóa đói, giảm nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Vì vậy, đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu thuộc chương trình giảm nghèo còn hạn chế, việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa tương xứng với tiềm năng của một số địa phương trong cả nước. Từ thực tế trên, Trung ương cần xem xét, ban hành các chính sách tập trung hơn trong giai đoạn 2016 - 2020 như chương trình tín dụng đối với người nghèo cần tích hợp các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hiện hành thành một chính sách cho vay tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và lấy đối tượng hộ gia đình làm trung tâm.

Việc xây dựng hạn mức tín dụng, quy định mục đích và nội dung vay là cần thiết để giúp hộ gia đình lựa chọn các nhu cầu ưu tiên nhằm vay vốn và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay. Trong quá trình xây dựng, ban hành các chính sách, ngoài các quy định chung cho cả nước, Trung ương nên có những chính sách riêng cho từng khu vực, vùng miền.

Theo đại biểu Rơ Chăm Giáo, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy (Kon Tum), trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã chú trọng đầu tư có trọng điểm để hoàn thiện hệ thống giao thông có tính chất liên kết vùng cho Tây Nguyên, đặc biệt là đường Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa các thế mạnh của vùng, Chính phủ cần tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ cho vùng Tây Nguyên.

Cụ thể như sớm hoàn thiện các quốc lộ 14C, 24, 40; xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua các thành phố, thị xã, thị trấn; nâng cấp một số tỉnh lộ; xây dựng đường ra biên giới, đến cửa khẩu, trung tâm xã, cụm xã…

Ngoài ra, Trung ương chú trọng đầu tư các công trình, cụm công trình thủy lợi có quy mô lớn cũng như nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi hiện có... để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên tiếp tục có điều kiện phát triển sản xuất, có cuộc sống ấm no.

Đại biểu Điểu Xuân Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Đắk Nông cho rằng, mặc dù đã có những bước phát triển đáng khích lệ, nhưng Đắk Nông vẫn là tỉnh nghèo so với cả nước. Đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần có chính sách đặc thù để phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng, nhất là việc phát triển hạ tầng, thu hút nhân tài, đào tạo bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giải quyết vấn đề dân di cư ngoài kế hoạch.

Đại biểu H’Vi ÊBan, Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Nông mong muốn Đại hội XII của Đảng sẽ tiếp tục có những quyết sách quan tâm đến đào tạo nghề, việc làm cho đoàn viên, thanh niên nói chung và đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đại hội cũng cần có những quyết sách quan trọng để phát huy nguồn nhân lực trẻ, nhất là trong công tác đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ đoàn và cán bộ người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Với tham luận "Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng", đại biểu Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Trung ương tiếp tục có những cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp hợp tác, gắn bó hơn nữa với nông dân.

Nhà nước bố trí vốn trung hạn để triển khai khu nông nghiệp công nghệ cao của các tỉnh, thành nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng theo Quyết định số 575 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trung ương có cơ chế và chiến lược hỗ trợ các địa phương, ngành nông nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; có chính sách bảo vệ hàng nông sản của Việt Nam trước sự cạnh tranh của một số nông sản nước ngoài...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng đối với vùng dân tộc, miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO