Tiếp tục nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Hoàng Hoài thực hiện| 26/04/2019 17:39

Nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019), phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Kim Huy, UVTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy về tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc từ sau ngày giải phóng đến nay.

Đồng chí Lê Kim Huy, UVTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

PV: Thưa đồng chí, một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta từ sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 là phát huy tinh thần hòa hợp dân tộc đã góp phần quy tụ toàn dân tộc Việt Nam về một mối, cùng chung tay xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Đồng chí có đánh giá như thế nào về việc thực hiện chủ trương này trong bối cảnh đất nước ở thời điểm sau ngày giải phóng?

Đồng chí Lê Kim Huy: Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức. Đa số Nhân dân vui mừng, phấn khởi, nhưng cũng không ít người thù hận, lo sợ, thậm chí đến mức phải tìm đường vượt biên...

Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn này của Đảng là hết sức nặng nề và phức tạp là làm sao phải nhanh chóng ổn định tình hình tư tưởng của toàn thể Nhân dân, tập trung mọi trí tuệ, sức lực, tiền của để tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về tinh thần đoàn kết dân tộc, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, không phân biệt thành phần giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo...và đặc biệt được Nhân dân cả nước, nhất là đồng bào miền Nam lúc bấy giờ đồng tình hưởng ứng và tự giác thực hiện. Do đó, công cuộc ổn định tình hình, kiến thiết, xây dựng đất nước đã thành công tốt đẹp.

PV: Sau 44 năm thống nhất, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt. Thế nhưng, vẫn còn những phần tử phản động, thế lực thù địch ôm lòng thù hận, tiếp tục xuyên tạc lịch sử, cố tình phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng chí có nhận xét gì về những âm mưu, luận điệu của những kẻ đi ngược lại tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc như vậy?

Đồng chí Lê Kim Huy: Hiện nay, trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Các thế lực thù địch lợi dụng vào những khó khăn trước mắt, những sơ hở của chúng ta để đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta. Chúng đang tìm cách chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân; đối lập Nhân dân với lực lượng vũ trang; chia rẽ các dân tộc, các tôn giáo; phủ định con đường cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Một số tổ chức phản động ở hải ngoại móc nối, lôi kéo các phần tử cơ hội chính trị phát tán quan điểm cá nhân, xuyên tạc, vu cáo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phủ nhận mục tiêu chủ nghĩa xã hội; xuyên tạc, bóp méo lịch sử; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao, làm giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước; xuyên tạc quan điểm hòa hợp dân tộc của Đảng ta, khoét sâu các mâu thuẫn, gây xung đột xã hội, kích động người dân tụ tập đông người bất hợp pháp, bạo loạn, làm mất ổn định chính trị - xã hội.

Những thủ đoạn trên đây là chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, thể hiện tính chất tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm ngày càng tăng lên. Vì vậy, chúng ta luôn phải tỉnh táo, nhận diện đúng, bình tĩnh xem xét, phân tích để vạch trần âm mưu, thủ đoạn và có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Chúng ta tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác trước những thủ đoạn và mắc mưu của các thế lực thù địch. Muốn vậy, chúng ta phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, không để sơ hở cho kẻ địch lợi dụng; nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ.

PV: Tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc luôn là nét đẹp truyền thống đã được hình thành, chứng minh qua thời gian và ngày càng phát triển, thể hiện rõ nét hơn trong cuộc sống hôm nay và mai sau. Thưa đồng chí, chúng ta cần phải tiếp tục làm gì để giữ mãi nét đẹp truyền thống quý báu đó trong bối cảnh đất nước hiện nay?

Đồng chí Lê Kim Huy: Để tiếp tục giữ gìn nét đẹp truyền thống quý báu của tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc trong bối cảnh đất nước hiện nay, theo tôi:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và toàn thể người dân nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân; trong đó đoàn kết trong Đảng là trung tâm xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất toàn dân. Mỗi người cần nhận thức rõ khối đại đoàn kết toàn dân tộc là bao gồm mọi người dân Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt là dân tộc, tôn giáo; giàu nghèo để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; xây dựng và thực hiện tốt hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc đang đặt ra. Cấp ủy và chính quyền các cấp phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân.

Ba là, đoàn kết dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Bốn là, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, xem đây là một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động Nhân dân, là “cầu nối” giữa Đảng với dân, góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân ngày càng khăng khít, “ý Đảng” luôn hợp với “lòng dân”. Cùng với việc động viên Nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận các cấp và tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội cần tích cực nắm bắt, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên.

Năm là, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội phải tham gia tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp Nhân dân nhận thức rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.

Sáu là, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy cao độ tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh đối với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các tiêu cực khác của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO